Không chỉ du khách ngoài tỉnh mà ngay cả người Đồng Nai cũng muốn thả hồn trên sông nước bên những cù lao xanh trong, sau những ngày gồng mình chống dịch.

Tôi đến vùng đất Trấn Biên xưa, nay là TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai rất nhiều lần, nhưng lần nào đến đây cũng cảm thấy mới mẻ và rung động đến nao lòng. Theo sử sách, Văn miếu Trấn Biên được xây dựng sớm nhất ở xứ Đàng Trong. Văn miếu Trấn Biên là biểu trưng cho truyền thống học tập, hào khí và văn hóa của người Việt ở phương Nam.

 Cầu Hiệp Hòa bên Cù Lao Phố.

Tôi quen anh Thái Bảo, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai khi anh còn là Phó chủ tịch UBND tỉnh. Từng là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nên anh rất am hiểu về lịch sử hình thành và sự phát triển của thành phố nằm bên dòng Đồng Nai thơ mộng này.

Anh nói: “Từ một vùng đất hoang sơ, trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, chốn Trấn Biên xưa đã trở thành một TP Biên Hòa tươi đẹp, hiện đại và đầy tiềm năng như ngày hôm nay. Muốn hiểu về Biên Hòa, trước hết hãy bắt đầu từ các cù lao”. Thì ra là vậy. Trước đây, tôi chỉ nghe người ta kể, thương hiệu của TP Biên Hòa là những khu công nghiệp dài rộng, với những công trình hạ tầng lớn để kết nối giao thông với các đô thị lớn trong vùng.

Đến Cù Lao Phố vào một buổi chiều muộn, gặp những người dân sống lâu năm ở đây, họ nói rằng: Nếu yêu Cù Lao Phố thì hãy thả bộ, bao giờ mỏi chân thì thong thả đạp xe. Người ta kể, trên hành trình nhoài ra Biển Đông, sông Đồng Nai đã bồi đắp nên nhiều cù lao lớn, nhỏ.

Đến địa phận TP Biên Hòa, con sông lại chia thành hai nhánh để tạo ra một dải đất phì nhiêu nổi lên ở giữa có hình dáng như một cái chuông treo nghiêng. Đó chính là Cù Lao Phố. Và nếu đứng ở bờ sông đối diện nhìn sang, Cù Lao Phố lại giống như một mâm xôi cốm khổng lồ, với những rặng cây xanh mướt bao bọc lấy phố phường và lúng liếng, đong đưa mời gọi du khách.

Theo nhà văn Sơn Nam, vùng Cù Lao Phố là nòng cốt của Biên Hòa. Đây là vị trí xứng danh ải địa đầu, với đường bộ lên Cao Miên và đường thủy xuống Sài Gòn. Vì thế mà nó có sức hút rất lớn về thương mại trong nước cũng như quốc tế. Hiện tại, ở Cù Lao Phố vẫn lưu giữ được 11 ngôi đình, 6 ngôi chùa, 3 ngôi tịnh xá, 1 Thất phủ cổ miếu, 1 Thánh thất Cao Đài và rất nhiều đền thờ, công trình di tích nhà cổ, lăng mộ mang giá trị văn hóa lâu đời.

Hai ngôi chùa cổ nổi tiếng ở đây đã được công nhận là di tích quốc gia, đó là chùa Đại Giác (được xây dựng từ thế kỷ 15) và ngôi Chùa Ông thờ Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) của người Hoa. Chính sự hòa nhập giữa các nền văn hóa khác nhau đã tạo nên một nét sống riêng biệt và độc đáo của người dân Trấn Biên xưa và Biên Hòa hôm nay...

Quán cà phê “Góc của tui” nằm nghiêng mình bên bờ sông Đồng Nai. Nơi đây lúc nào cũng đông khách, nhưng đông nhất là vào buổi chiều muộn. Tôi chọn một chiếc bàn nhỏ cạnh mép nước và gọi một ly cà phê đen. 6 giờ chiều, cảnh vật ven sông huyền ảo. Phía tây, cầu Đồng Nai lung linh trong dáng hồng. Nghe mấy con cá nhỏ búng nước cùng tiếng chèo khua nhẹ của mấy thuyền câu mà cảm giác những giọt cà phê như được kéo dài thêm ra. Ngồi nhâm nhi cà phê bên dòng Đồng Nai, sao tôi nhớ quê mình đến thế. Thế mới biết, khi đã thả hồn vào Cù Lao Phố, người ta rất dễ để yêu thương, để nhung nhớ, để hoài niệm.

Thế nhưng, thực tại ở Cù Lao Phố, người dân hay kể cho nhau nghe về sự phát triển không ngừng của TP Biên Hòa trong thời kỳ công nghiệp 4.0. Đó chính là sự phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở phát huy triệt để các yếu tố nội lực gắn với tích cực thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài. Riêng chỉ TP Biên Hòa đã có 6 khu công nghiệp với hơn 450 doanh nghiệp đang hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế... Đây là "quả đấm thép" để Biên Hòa-Đồng Nai phát triển nhanh, góp phần làm cho vùng Trấn Biên xưa ngày càng trở nên giàu có, hiện đại, văn minh.

Tôi rời Cù Lao Phố khi thành phố đã lên đèn. Trong tiếng nhạc du dương mà cảm thấy như hương bưởi, hương cau cùng mùi vị cà phê của đất cù lao cứ ngào ngạt, quyến luyến bên mình. Những con phố của Biên Hòa với hàng bằng lăng tím ngắt, ngày nào nắng cũng chảy tràn đường để đong đầy bao niềm thương, nỗi nhớ...

PHÚ HƯNG