Thành phố cũng có hơn 1.300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in, phát hành. Hoạt động xuất bản tại thành phố bảo đảm chuyển tải nội dung, tư tưởng theo đúng tôn chỉ, mục đích và hình thức thể hiện đa dạng với các sản phẩm. Hằng năm, các nhà xuất bản của TP Hồ Chí Minh đều có ấn phẩm đạt giải sách quốc gia và nhiều giải thưởng sách khác do sở, ngành, địa phương tổ chức.

Theo đồng chí Tăng Hữu Phong, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cơ quan chủ quản các nhà xuất bản trực thuộc thành phố luôn quan tâm chỉ đạo nhà xuất bản bám sát nhiệm vụ chính trị, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản. Các đơn vị xuất bản đã tập trung đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu bạn đọc. Ngoài ra, hệ thống phát hành sách của thành phố ngày càng phát triển, phát huy tốt vai trò cầu nối đưa sách đến công chúng.

Đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương tham quan những tủ sách trưng bày tại đường sách TP Hồ Chí Minh. 

Điểm nhấn trong hoạt động xuất bản của TP Hồ Chí Minh là thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực xã hội và khai thác hiệu quả năng lực, trí tuệ của các cá nhân trong hoạt động sáng tác, biên tập sách. Các đơn vị phát hành, kinh doanh xuất bản phẩm đã phát huy sự năng động, đổi mới gắn với chuyển đổi số, tạo ra diện mạo sôi động của ngành xuất bản thành phố. 

Bên cạnh đó, với sự phát triển đáng kể trong lĩnh vực văn hóa đọc và xuất bản sách, thành phố phát triển hệ thống thư viện rộng lớn, cùng với nhiều địa điểm văn hóa đọc hiệu quả. Trong đó, các mô hình tiêu biểu như: Đường sách TP Hồ Chí Minh, đường sách TP Thủ Đức, cà phê sách... tạo ra môi trường thúc đẩy đam mê đọc sách trong cộng đồng. Trung bình mỗi năm, thành phố diễn ra gần 400 hoạt động về hội sách, triển lãm, giao lưu tác giả-tác phẩm, giới thiệu sách... đã trở thành điểm nhấn văn hóa đặc sắc.

Thách thức lớn của ngành xuất bản, in, phát hành tại TP Hồ Chí Minh vẫn là chuyển đổi số. Thời đại công nghệ số đã làm thay đổi thói quen đọc truyền thống. Sách điện tử, sách nói, sách hình, sách tương tác... với các tính năng ứng dụng, tích hợp, trải nghiệm đang là xu hướng yêu thích, hấp dẫn người đọc, nhất là người đọc trẻ. Các xuất bản phẩm điện tử được phát triển mạnh mẽ đi kèm với những hình thức kinh doanh mới qua mạng internet. Tuy nhiên, tình trạng bán sách in lậu, in giả trên sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín của các nhà xuất bản.

Trong chuyến khảo sát tại TP Hồ Chí Minh mới đây về kết quả thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã đánh giá cao thành phố trong triển khai thực hiện nhiều mô hình hiệu quả, sáng tạo về thúc đẩy hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc. Đồng chí Phan Xuân Thủy đề nghị thành phố triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc quy hoạch, sắp xếp, phát triển nhà xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Ngành xuất bản thành phố tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức xuất bản, đa dạng hóa xuất bản phẩm, chủ động hội nhập, đưa ngành xuất bản không ngừng phát triển.

Bài và ảnh: SONG GIANG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.