Thư pháp chữ “Việt” ngày càng trở nên phổ biến.

Mới được biết đến nhiều trong những năm gần đây, thư pháp chữ Quốc ngữ hay thư pháp chữ Việt ngày càng được đón nhận và yêu thích. Những lời hay, ý đẹp được chọn lọc từ các câu ca dao, tục ngữ và thành ngữ hướng con người đến cuộc sống tốt đẹp để rồi qua đôi tay tài hoa và tâm huyết của người viết mang đến bức thư pháp chữ Quốc ngữ bay bổng, chứa đựng nét đẹp văn hóa riêng. Theo các nhà thư pháp lâu năm, viết thư pháp chữ Quốc ngữ không hề đơn giản, đòi hỏi người viết phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng cả về bố cục, hình khối và nét chữ bởi nếu không hiểu kĩ, khi sáng tác dễ bị rơi vào cách thể hiện rườm rà, dễ làm biến dạng chữ Việt. Nhà thư pháp Hồ Quang Anh ( Bút danh Thạch Mộc) sẽ giúp chúng ta có cái nhìn rõ nét hơn về thư pháp chữ Quốc ngữ hiện nay.

Phóng viên (PV): Anh có thể giới thiệu khái quát về thư pháp chữ Quốc ngữ?

Nhà thư pháp Hồ Quang Anh: Chúng ta phải hiểu là thư pháp bắt nguồn từ người Trung Quốc và bộ môn thư pháp đã được người Việt Nam tìm hiểu cũng như học hỏi từ rất lâu rồi. Cho đến thời hiện đại, những năm gần đây, người Việt Nam đã mượn văn phòng tứ bảo (4 món đồ rất quan trọng: giấy, bút, mực, nghiên) của người Trung Quốc để ứng dụng vào chữ Quốc ngữ của mình. Các cụ thời xưa đã viết chữ Nôm bằng bút lông rồi nhưng con chữ cũng thuộc về chữ Hán. Còn bây giờ thời hiện đại, chúng ta đang dùng bút lông để viết lại chữ Quốc ngữ thì thực ra cũng có những cái khó trong việc thực hành sang một kiểu chữ mới: có những cái vận bút khác nhau, kĩ pháp, kĩ năng cũng khác. Nó cũng có những cái khó riêng nên chúng ta cần phải học hỏi để kết hợp làm sao để chữ Quốc ngữ của mình có thể tiệm cận, hài hòa với thư pháp để chúng ta cũng có thể rèn tâm tính, rèn sự kiên trì để bản thân mỗi ngày tốt hơn. Nói chung ý nghĩa về mặt tinh thần thì không có khác biệt nhiều giữa thư pháp chữ Quốc ngữ và thư pháp chữ Hán.

 Nhà thư pháp Hồ Quang Anh với tác phẩm vừa hoàn thành.

PV: Theo anh, những ai có thể học viết thư pháp chữ Quốc ngữ?

Nhà thư pháp Hồ Quang Anh: Về bản chất, mỗi người đều có thể học được bộ môn nghệ thuật viết chữ, đặc biệt là với chữ Quốc ngữ của mình dùng bằng bút lông. Cái quan trọng của mỗi người là tinh thần yêu. Đầu tiên phải thực sự thích. Khi đã thích rồi thì đến với bộ môn này với sự kiên trì, vì quá trình học về cơ bản rất vất vả. Khi đã trải qua được cái cơ bản rồi thì ta sẽ cảm giác không còn khó khăn nữa. Vượt qua được cơ bản là điều cực kì vất vả của người học nên mình mới nói đến tính kiên trì. Ngoài đam mê, sự yêu thích, tìm hiểu và mong muốn đưa được nét đẹp, tinh thần của mình vào trong chữ để thấy được nét chữ nết người ở trong đó. Nếu như còn cảm thấy mình còn viết hơi nhanh, hơi ẩu hay chưa giải phóng được năng lượng thì phải tập luyện nhiều hơn nữa.

PV: Anh giới thiệu rõ hơn về văn phòng tứ bảo được không?

Nhà thư pháp Hồ Quang Anh: Về chuyên môn chung của thư pháp thì trong thư pháp người Trung Quốc có đưa ra cái gọi là văn phòng tứ bảo, là 4 món đồ rất quan trọng: giấy, bút, mực, nghiên. Chúng ta có thể sử dụng giấy xuyến là loại phổ biến và cũng có thể sử dụng một vài loại giấy khác nữa. Đối với học viên, các bạn thường sử dụng giấy kẻ ô mà trong chữ Hán ô này gọi là ô mễ và sẽ viết trong ô này.

Văn phòng tứ bảo gồm: giấy, bút, mực, nghiên. 

Tiếp theo là bút. Thông thường, bút có 3 cỡ hay được sử dụng, đó là cỡ đại, cỡ trung và cỡ tiểu. Tùy vào từng bút sẽ đi theo từng bộ bút khác nhau. Bước vào bộ môn thư pháp thì cách cầm bút cũng rất quan trọng vì khi vận hành, cần đảm bảo cây bút không bị trượt ra khỏi tay và khi viết thì còn liên quan đến nhiều thứ như: cổ tay, cẳng tay và cánh tay. Di chuyển tay, viết lớn thì phải di chuyển rộng hơn còn viết nhỏ thì dùng cổ tay là nhiều, cổ tay và các ngón tay này cũng có tác dụng trong lúc viết nữa.

Nghiên mực thì đơn giản hơn, cứ có bất cứ cái nào có thể đựng được mực thì cũng có thể gọi là nghiên mực. Mực dùng để viết thư pháp thường là mực đen.

Ngoài ra còn có những phụ kiện đi kèm như: cái triện - là con dấu để chứng minh ai là người viết, tên của tác giả và có thể chọn những cái tên hay, tên đẹp. Thêm một cái nữa trong thư pháp, đó là nhàn chương, tác giả có thể đóng vào điểm bên trên, đó là thượng khoản có thể đóng ở đây và nó cũng có tác dụng dẫn thủ chương để cho người ta đọc. Tác giả đóng ở đâu thì người đọc bắt đầu đọc từ đoạn đấy.

PV: Nhiều bạn trẻ bây giờ thích học viết thư pháp chữ Quốc ngữ, anh có lời khuyên gì với những người mới bắt đầu học?

Nhà thư pháp Hồ Quang Anh: Hiện nay nhiều bạn trẻ có nhu cầu mong muốn tìm hiểu và tham gia bộ môn nghệ thuật viết chữ thư pháp bằng bút lông với chữ Quốc ngữ của Việt Nam. Đầu tiên, các bạn cần tìm hiểu sơ qua khái niệm thế nào là thư pháp trong cách viết chữ Hán. Ngoài những quy tắc và những phép tắc ấy thì chúng ta còn phải học rất nhiều nữa, đó là văn chương, ngữ nghĩa của các câu chữ hay, giúp cho các bạn trẻ có thể hiểu sâu hơn về ý nghĩa của những con chữ mà mình mong muốn. Chúng ta sẽ phải rèn rất nhiều, ngoài việc biết, chúng ta còn có thể làm đẹp thêm con chữ theo cách của mình và có thể sáng tạo trên con chữ đó. Chúng ta phải có một cái tâm thế, có sự nghiêm túc, tính kiên trì và theo đuổi một cách miệt mài.

PV: Cảm ơn anh đã có những chia sẻ hữu ích!

Bài và ảnh: ĐÌNH PHONG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.