Người đi lễ hội đã có ý thức hơn

Trong số những lễ hội lớn diễn ra ở Thủ đô, hội gò Đống Đa mồng 5 Tết Giáp Thìn (tức ngày 14-2-2024) khai mạc sớm nhất. Hàng nghìn người đã tụ hội về Công viên văn hóa Đống Đa cùng tham dự Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2024). Liên tiếp trong 3 ngày (từ 14 đến 16-2), hàng loạt hoạt động đã làm sống dậy những trang sử vẻ vang, chiến công lẫy lừng của dân tộc. Nhiều người dân, du khách tranh thủ dịp này đưa trẻ nhỏ đến hội để giúp các em hiểu hơn về lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc ta.

Một trong những lễ hội không thể bỏ qua khi đi du lịch miền Bắc là lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức). Lễ hội chùa Hương 2024 có chủ đề “Lễ hội chùa Hương an toàn-văn minh-thân thiện” diễn ra từ ngày 11-2 đến hết 11-5 (từ mồng 2 tháng Giêng đến mồng 4 tháng Tư). Ban tổ chức dự kiến năm nay lễ hội chùa Hương thu hút khoảng hơn 1 triệu lượt khách đến tham quan, trảy hội. Chị Nguyễn Thị Phượng, xóm 14, thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, làm công việc chèo đò từ năm 17-18 tuổi, nay đã được hơn 30 năm, cho biết: “Ngay từ những ngày đầu năm mới, lượng khách đến chùa Hương đã đông hơn trước. Năm nay, ban tổ chức giao việc điều hành vận chuyển thuyền đò phục vụ du khách cho Hợp tác xã Du lịch chùa Hương để tránh tình trạng cò mồi, chèo kéo, dẫn khách từ xa. Tuy năm đầu thực hiện, cả người xếp số và lái đò đều bỡ ngỡ, nhưng hy vọng cách làm này sẽ giúp lễ hội chùa Hương đẹp hơn trong mắt du khách”.

leftcenterrightdel

Biểu diễn nghệ thuật khai hội chùa Hương xuân Giáp Thìn 2024. 

Lễ khai hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn) diễn ra ngày 15-2 (mồng 6 tháng Giêng) bắt đầu từ 6 giờ 45 phút nhưng ngay từ tờ mờ sáng đã có rất đông người dân và du khách thập phương đổ về Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc để làm lễ, hòa mình vào không gian lễ hội đầu xuân. Tại đền Hạ và đền Mẫu, người xin dò tre đông nghịt nhưng không còn tình trạng tranh cướp lộc như trước. Nhiều người cũng tham gia trải nghiệm làm cơm nắm muối vừng, têm trầu cánh phượng, làm cà muối, làm dò hoa tre... tạo nên không khí tưng bừng cho lễ hội.

Tổ chức tốt để tạo sự văn minh

Một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng tạo nên văn minh cho lễ hội là khâu tổ chức. Vì thế ngay từ sớm, Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức đối với các lễ hội lớn trên địa bàn thành phố, thanh tra, kiểm tra các hoạt động lễ hội. Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh thông tin: “Đây là năm đầu tiên Hà Nội thực hiện Bộ tiêu chí về Xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.

UBND thành phố Hà Nội tổ chức giao ban trực tuyến chuyên đề với các ngành và địa phương có lễ hội lớn để xây dựng kế hoạch tổ chức, quản lý. Các ban quản lý ở cơ sở được yêu cầu ký cam kết tổ chức lễ hội văn minh, an toàn. Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy sự thay đổi tư duy lãnh đạo, bảo đảm giao thông, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý bằng hình thức số vé điện tử, không có tình trạng chèo kéo, đeo bám khách. Các địa phương cũng đều rất cầu thị, cung cấp đường dây nóng, thông tin báo chí... để nhân dân, báo chí đều có thể góp ý cho công tác quản lý lễ hội tốt hơn”.

Là một trong những lễ hội lớn kéo dài 3 tháng, mỗi ngày thu hút hàng vạn người đi lễ nên công tác tổ chức lễ hội chùa Hương được chuẩn bị từ rất sớm. Theo ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn: “Từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, UBND huyện Mỹ Đức đã thành lập 5 tiểu ban phục vụ lễ hội. Ngoài lưu ý các khâu tổ chức, chúng tôi cũng đặt nhiều pa-nô, áp-phích, truyền thông du khách ứng xử, giao tiếp văn minh lịch sự, bảo đảm môi trường trong sạch, lành mạnh. Thậm chí có lực lượng đoàn thanh niên tuyên truyền tới du khách đổi mới đi vãn cảnh chùa văn minh, lịch sự”. 

Những năm trước, Lễ hội Gióng đền Sóc thường gây tranh cãi do tình trạng lộn xộn khi người dân, du khách cướp dò tre, trầu cau. Năm nay, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc cho biết: “Trước đây, lễ phẩm này dành cho người làng tham gia lễ hội, chúng tôi thường gọi là “tất lộc” khi phát cho mọi người. Tuy nhiên, ngày nay, lượng khách đến lễ hội rất đông, các phương tiện truyền thông thông tin chưa chính xác, khiến cho nhiều người hiểu là “cướp lộc”, dẫn đến những bất cập, lộn xộn, tranh giành lộc Thánh. Ban tổ chức đã họp bàn để triển khai phương án tất lộc hợp lý, hạn chế lộn xộn xảy ra”.

“Không chỉ chùa Hương, đền Sóc, các lễ hội của Hà Nội đều có những thay đổi trong công tác tổ chức, quản lý với mong muốn tạo ra mùa lễ hội mà ở đó mỗi lễ hội đều trở thành sản phẩm văn hóa du lịch, góp phần phát huy những giá trị truyền thống quý giá của dân tộc”, bà Trần Thị Vân Anh bày tỏ.

Bài và ảnh: NAM KHANG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.