QĐND - Một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm của giới họa sĩ cả nước thời gian qua là cuộc thi vẽ tranh cổ động kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, do Cục Văn hóa cơ sở-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Với 850 tác phẩm của gần 300 tác giả cả nước tham dự, cuộc thi đã cho ra đời một khối lượng tác phẩm lớn phục vụ công tác tuyên truyền; ghi nhận nhiều khám phá, tìm tòi của các họa sĩ trong thể hiện tác phẩm, nhằm truyền tải nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật đến với công chúng.
 |
Tác phẩm “Phát huy truyền thống anh hùng trong bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước mạnh giàu” của tác giả Phùng Anh Bản (Hải Dương). |
Sáng ngời hình ảnh Đảng, Bác Hồ và mùa xuân đất nước
130 tác phẩm xuất sắc trong số các tác phẩm dự thi đã được lựa chọn trưng bày tại triển lãm do Cục Văn hóa cơ sở-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao TP Hồ Chí Minh tổ chức, diễn ra tại khu triển lãm ngoài trời, Công viên 23/9 TP Hồ Chí Minh, từ ngày 10-4. Công chúng được thưởng lãm tranh cổ động ở ba mảng chủ đề nổi bật: Ca ngợi Đảng, Bác Hồ; sức mạnh đoàn kết toàn dân, mối quan hệ đoàn kết quân dân và nét đẹp Bộ đội Cụ Hồ; phát huy tinh thần chiến thắng 30-4 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Có nhiều tác giả có từ 2-3 tác phẩm được chọn trưng bày, trong đó có những tác giả đến từ các vùng quê cách TP Hồ Chí Minh cả ngàn cây số. Xem triển lãm, công chúng được dẫn dắt theo từng mảng chủ đề, được sắp đặt, bố trí theo trình tự thời gian, sự kiện lịch sử và ý đồ sáng tạo của họa sĩ.
Chủ đề nổi bật thu hút đông đảo họa sĩ tập trung khai thác, thể hiện là ca ngợi Đảng, Bác Hồ; khẳng định tầm vóc và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Khi thể hiện hình ảnh về Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, bằng ngôn ngữ hội họa, các tác giả đã tập trung ca ngợi sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt, tính quyết đoán, táo bạo của các chủ trương có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi cuối cùng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Lấy cảm hứng chủ đề từ những câu nói, lời dạy của Bác và những quyết sách mang tính lịch sử của Đảng ta, các họa sĩ đã chuyển tải đến công chúng những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế; nêu bật tình cảm yêu mến, kính trọng của nhân dân Việt Nam và thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó tôn vinh tư tưởng, nhân cách, tấm gương cao quý về đạo đức, lối sống và phong cách của Bác. Tiêu biểu cho mảng đề tài này có thể kể đến các tác phẩm: “Một ngày đồng bào còn chịu đau khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên!” của tác giả Nguyễn Phúc Khôi (Ninh Bình); “Sống bình dị, gần dân, thương dân, vì dân” của Phùng Anh Bản (Hải Dương); “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người” của Phạm Anh Dũng (Hưng Yên); “Gần dân, lấy dân làm gốc” của Đỗ Như Điền (Hà Nội)…
 |
|
 |
Các bạn trẻ thích thú thưởng lãm tranh cổ động. |
Tình đoàn kết quân dân và sức mạnh toàn dân cũng là mảng đề tài được nhiều họa sĩ lựa chọn thể hiện để góp phần khẳng định một chân lý: Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước xuất phát từ sức mạnh của cả dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông điệp từ chiến thắng vĩ đại 30-4-1975 qua các tác phẩm tranh cổ động đã nêu bật truyền thống anh dũng, quật cường, mưu trí, sáng tạo và ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất đất nước của dân tộc, lực lượng nòng cốt là Bộ đội Cụ Hồ; tôn vinh và tri ân những đóng góp, cống hiến to lớn của các tầng lớp nhân dân Việt Nam và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Những tác phẩm tiêu biểu về mảng đề tài này có thể nhắc đến: “Chào anh Giải phóng quân-Mùa xuân đại thắng”, “Bắc Nam ta lại về trong một nhà” cùng của tác giả Trần Duy Trúc (Hải Dương); “Tên anh đã thành tên đất nước” của Lương Anh Dũng (Hà Nội)…
Từ việc khẳng định chiến thắng vĩ đại của đất nước, các tác giả hướng đến mảng chủ đề phát huy truyền thống anh hùng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Những thành tựu to lớn sau 40 năm đất nước thống nhất, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, hội nhập đã minh chứng cho sự kế thừa, phát huy tinh thần “quyết thắng” để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ nơi biên cương, hải đảo, nhất là cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ ở Hoàng Sa, Trường Sa được các họa sĩ thể hiện sinh động, hào hùng, cổ vũ tinh thần yêu nước, hướng về biển đảo quê hương của đồng bào ta. Những tác phẩm đáng chú ý về mảng đề tài này là: “Phát huy truyền thống anh hùng trong bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước mạnh giàu” của Phùng Anh Bản (Hải Dương); “Phát huy tinh thần chiến thắng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc” của Nguyễn Mạnh Tuấn (Vĩnh Phúc); “Thanh niên làm theo lời Bác” của Bùi Đại Hào (Hà Nội); “Tuổi trẻ cả nước xây dựng quê hương giàu đẹp, phát triển và hội nhập” của Ngô Hoàng Vũ (Cà Mau)…
Bút pháp truyền thống và những khám phá, tìm tòi
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Cuộc triển lãm tranh cổ động sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục lòng tự hào dân tộc, truyền thống vẻ vang của Đảng, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước…”.
Ông Vương Duy Bảo, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khẳng định: Nội dung chủ đề các tác phẩm tranh cổ động tấm lớn trong triển lãm lần này đã chuyển tải đến công chúng thông điệp đề cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, hội nhập…
Để làm tròn chức năng chuyển tải chủ đề tư tưởng của tác phẩm, các họa sĩ bên cạnh thể hiện nhuần nhuyễn phong cách nghệ thuật truyền thống, đã kết hợp khám phá, tìm tòi những thủ pháp mới nhằm mang đến sự hấp dẫn, cuốn hút của tranh cổ động. Sinh viên Lê Thị Sao Vấn (Trường Đại học Tôn Đức Thắng TP Hồ Chí Minh) cảm nhận: “Em rất thích lối vẽ truyền thống trong các tác phẩm thể hiện hình tượng Bác Hồ; ca ngợi tình quân dân và hình ảnh nữ du kích miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ!”. Còn bạn trẻ Lê Thị Thu đến từ Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thì rất thích thú với các tác phẩm ứng dụng kỹ thuật đồ họa vi tính: “Việc sử dụng các phần mềm đồ họa cho phép các tác giả kết hợp giữa nhiếp ảnh và hội họa để tạo nên tác phẩm sống động, hấp dẫn!”.
Theo họa sĩ, nhà thơ Phan Quốc Bình (Hội Nhà văn Việt Nam), đặc trưng của tranh cổ động là ước lệ, tượng trưng. Trong một khuôn khổ nhất định, các tác giả phải thể hiện được ý tưởng chủ đề và truyền tải đến người xem một cách trực quan, dễ hiểu, dễ cảm nhận, có tác dụng kích thích, cổ vũ công chúng làm theo… “Xem tranh cổ động của các đồng nghiệp lần này, tôi thấy các tác phẩm đều có chất lượng tốt”- Họa sĩ Phan Quốc Bình nói!
Bài và ảnh: PHAN TÙNG SƠN