QĐND - Dưới mùa hoa như lửa cháy khát khao

Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng

Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh

Chẳng chịu cho lòng ta yên.

Anh mải mê về một màu mây xa

Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ

Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa

Em hát một câu thơ cũ

Cái say mê một thời thiếu nữ

Mỗi mùa hoa đỏ về

Hoa như mưa rơi rơi…

Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi

Như máu ứa một thời trai trẻ

Hoa như mưa rơi rơi

Như tháng ngày xưa ta dại khờ

Ta nhìn sâu vào mắt nhau

Mà thấy lòng đau xót

Trong câu thơ của em

Anh không có mặt

Câu hát về một thời yêu đương tha thiết

Anh đâu buồn mà chỉ tiếc

Em không đi hết những ngày đắm say

Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ

Không cho ai có thể lạnh tanh

Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ

Như vết xước của trái tim

Sau bài hát rồi em lặng im

Cái lặng im rực màu hoa đỏ

Anh biết mình vô nghĩa đi bên em.

Sau bài hát rồi em như thể

Em của thời hoa đỏ ngày xưa

Sau bài hát rồi anh cũng thế

Anh của thời trai trẻ ngày xưa.

THANH TÙNG

Lời bình của VIỆT PHONG

Ký ức luôn là chủ đề quen thuộc của văn chương khi mà tương lai chẳng ai rõ, còn hiện tại không phải lúc nào cũng dễ chịu. Và thế là người ta hồi tưởng những gì ở thời quá khứ để lại nhớ nhung, nhất là tình yêu đã đi qua cuộc đời; để được “sống” lại trong giây lát với những niềm vui, nỗi sầu. “Thời hoa đỏ” của nhà thơ Thanh Tùng có lẽ là một trong những bài thơ hoài niệm tình yêu hay nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại, và bài thơ càng nổi tiếng hơn khi được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc thành bài hát cùng tên bất hủ.

Thanh Tùng sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng-“thành phố hoa phượng đỏ”. Người đọc có thể tò mò chuyện nguyên mẫu “anh” và “em” trong bài thơ là ai, nhưng đó không phải là điều quan trọng, chỉ cần biết đó là bài thơ viết về một tình yêu say đắm qua lời thổ lộ của nhân vật xưng "anh". Sự quyến rũ của bài thơ “Thời hoa đỏ” nằm ở sự mờ đục của câu chuyện và tâm trạng của đôi tình nhân trong bài thơ.

Bốn câu thơ đầu tiên vẽ nên một khung cảnh hiện tại nên thơ với đôi tình nhân có lẽ đang yêu nhau say mê, dưới ngày hè có hoa phượng đỏ bung nở và tiếng ve sôi. Thế nhưng, đằng sau khung cảnh lãng mạn và tình yêu có vẻ viên mãn đó, mỗi người lại chìm đắm trong một thế giới riêng ở thời quá khứ: “Anh mải mê về một màu mây xa/ Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ/ Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa/ Em hát một câu thơ cũ/ Cái say mê một thời thiếu nữ”.

Dẫu mỗi người đều đã có một tình yêu riêng ở thời quá khứ nhưng dư âm còn lại vẫn vỗ về ở thời hiện tại, khiến người trong cuộc yêu không khỏi có cảm giác chua xót: “Trong câu thơ của em/ Anh không có mặt”. Đây không còn là cảm giác ghen tuông vu vơ đơn thuần nữa mà là một sự ngộ ra tình yêu bây giờ giữa hai người không thể nồng cháy bằng tình yêu của mỗi người đã trải qua trong quá khứ: “Anh biết mình vô nghĩa đi bên em”.

Không ai biết câu chuyện tình ở thời hiện tại giữa hai người rồi sẽ đi đến đâu. Thơ ca cốt gợi, chủ yếu để lửng tâm trạng. Người đọc chỉ biết hai người vẫn yêu nhau, đó là điều may mắn. Bởi dẫu không thể quên được quá khứ nhưng vết thương tình quá khứ chỉ khơi dậy chốc lát chứ không vĩnh viễn đeo đuổi, ám ảnh hai người: “Sau bài hát rồi em như thể/ Em của thời hoa đỏ ngày xưa/ Sau bài hát rồi anh cũng thế/ Anh của thời trai trẻ ngày xưa”.