Nhắc tới thơ Hưng Yên, tôi nhớ đến hai tác giả đã được khẳng định là Xuân Thiêm, Ngô Hoàng Anh. Nhà thơ Xuân Thiêm nổi tiếng từ hồi còn ở trong quân ngũ với bài thơ Cô gái Bạch Long Vỹ. Bài thơ kể về một mối tình dang dở, người con gái hy sinh trong chiến đấu, người con trai còn sống vẫn bền gan giữ đảo. Chất tình ca và hùng ca đan xen nhau tạo nên những câu thơ bi tráng:

Cây hoài vẫn còn đó

Giặc Mỹ giết em rồi

Có nghe cành nức nở

Cùng gió gào em ơi…

Sau này, nhà thơ Xuân Thiêm có nhiều bài thơ giàu tâm tình, thế sự. Tác giả có thơ gửi cháu ngoại, giọng thơ lục bát ấm áp tình người. Có Hồng Giang, có tiếng cười/Nhà ta luôn được khoảng trời nắng lên/Đường dài bước thẳng bước nghiêng/Bên Giang ông thấy bình yên tâm hồn. Ngô Hoàng Anh xuất hiện từ đầu những năm đánh Mỹ cùng với lớp tác giả bây giờ đã ngoài 70 tuổi như Ngô Văn Phú, Phạm Ngọc Cảnh, Hoài Anh… Thơ Ngô Hoàng Anh gắn liền với vùng đất Hưng Yên, với cảnh quê, người quê thân thuộc. Tôi nhớ có lần gặp Ngô Hoàng Anh, ông say sưa đọc cho tôi nghe những bài thơ ông mới sáng tác. Ngô Hoàng Anh sở trường trong thơ lục bát, thơ thất ngôn và giàu âm điệu trong thơ tự do. Trong Bài thơ ba mươi năm, ông tâm sự, đúc kết:

Như dòng sông bên lở bên bồi

Dẫu uốn khúc vẫn đổ về biển cả

Tôi đơn giản. Cuộc đời sâu sắc quá

Tôi vội vàng. Lịch sử thung dung

Tôi ngây thơ. Quy luật thẳng thừng

Tôi nấn ná. Thời gian giục giã

Tôi nhút nhát. Nhân dân đòi gan dạ

Tôi kiêu căng. Đồng loại dạy khiêm nhường

Tôi hẹp hòi. Đất nước rộng tình thương.

Tập thơ Dáng quê của Nguyễn Cao có nhiều mảng đề tài khác nhau. Tác giả viết thơ về lễ hội, về hội làng, về mùa hoa, cúc, về loài hoa phong lan, về nơi mẹ sinh ra hoặc những vùng đất như Cổ Loa, Tây Thiên, Tam Cốc… Trong bài Chuyện về cha khi con chưa ra đời, Nguyễn Cao nhắc về một thời chiến tranh nghèo khó, cơ cực:

Cha đi cầy

Trăng vỡ dưới bàn chân

Mặt đất lăn nghiêng

Nước đồng chảy ngược

Con chưa ra đời làm sao biết được

Hạt gạo chia ba

Mảnh áo vá chùm…

Bài Thăm quê, tác giả nói về sự biến đổi của thời cuộc ở một vùng quê: Đâu rặng bìm bìm hoa tím. Nơi nào chôn rúm rau ta. Xóm nhỏ giờ thành mặt phố. Hàng bày trong ngõ bày ra. Đoạn kết bài thơ có chút gì thoáng bâng khuâng, nuối tiếc:

Lũ trẻ thì thầm khúc khích

Cảm thương cho mấy ông già

Sống ba phần tư thế kỷ

Nhặt buồn trong cái hôm qua

Nguyễn Thành đã từng nhận giải thưởng văn nghệ Côn Sơn từ những năm trước đây. Mượn tên địa danh Lực Điền làm tập thơ riêng, tác giả vẫn đi vào đề tài quen thuộc, cộng với sự trải nghiệm về thời gian. Nguyễn Thành có những bài thơ cảm động nhờ ý thực, tình thực như: Chú cả Chương, Thêm một người tốt qua đời… Bài Ngồi buồn giữa chợ là một trong những bài thơ hay của Nguyễn Thành, tác giả có những câu thơ ám ảnh trong tâm trí người đọc:

Gốc tích không, quá khứ không

Người thân chỉ có vợ chồng với nhau

Giật mình gió thổi bên đầu

Mong manh chiếc lá về đâu phận người

Nguyễn Văn Thích trong tập Làng cao có những câu có cách nhìn đa chiều, mạnh bạo: Lấy rượu rửa nỗi oan. Có rửa được mùi tanh của máu hoặc: Mỗi người từ một phương trời/Không hẹn cùng về với đất. Tác giả có ý thức thâu lượm những nỗi buồn, niềm vui đang diễn ra quanh mình để chuyển tải thành thơ: Dòng sông nửa đục nửa trong. Trăng vàng nửa rải nửa lồng vào mây. Nửa đời tỉnh tỉnh say say. Nửa thân nửa… vẫn chẳng đầy khoảng vơi. Ở một phiên chợ, tác giả không sa vào tả kể sự việc mà khai thác ở góc độ khác:

Chợ làng mỗi sáng mỗi phiên

Người mua, kẻ bán hàng, tiền trao nhau

Nỗi buồn biết bán vào đâu

Mang từ phiên trước phiên sau vẫn còn

… Những tác giả thơ Hưng Yên trong nhiều năm qua đã có những đóng góp rất đáng ghi nhận, khích lệ. Xin chúc mừng những bậc cao niên, những cây bút âm thầm bền bỉ đi tiếp chặng đường thơ đầy gay go thử thách. Và điều đáng mừng hơn là trên chặng đường qua, thơ Hưng Yên lớp trước và lớp sau đang nối nhau hình thành một đội ngũ.

NGUYỄN ĐỨC MẬU