QĐND - Một tập thơ có cái tên thật “gợi”: “Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng”, được nhiều người khen, vừa được tổ chức giới thiệu trung tuần tháng 7 năm 2014 này. Hay là vì đã quá cổ hủ mà tôi thấy “câu thơ” kia mạnh mẽ đến mức... trơ trẽn. Một câu thơ dễ gây hiểu lầm: Liệu “em” này lấy chồng rồi thì có “ngủ thêm” với “anh” nữa hay không?

Tên tập thơ lấy tên một bài thơ, bài thơ ấy có hai câu mở đầu được ngắt ra theo thể 5 chữ: “Anh ngủ thêm đi anh/ Em phải dậy lấy chồng”. Hai câu này theo tôi là không hay, nhưng hai câu sau lại rất được: “Mùa thu vừa rụng lá/ Lòng em đã sang Đông”. Cũng trong bài này có những câu thô: “Nhưng anh đã không thể/ Mạnh mẽ để làm chồng/ Cởi áo mà không dám/ Mặc cho em váy hồng?”. Các bạn cứ đặt thử những câu thơ này bên cạnh bài thơ “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn sẽ thấy ngay thế nào là sự tinh tế trong thơ. “Cô gái” trong “Hương thầm” chủ động đi trao tình yêu: “Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/ Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm”. Tình yêu là địa hạt của sự thánh thiện vô cùng. Cả hai “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, họ để con tim thổ lộ giãi bày nên không cần nói. Nếu nói thì lại chẳng có sự chân thành. Hương bưởi đã trở thành sứ giả kết nối tình yêu với tình yêu? Nhưng có lẽ đúng hơn chăng, nó đã trở thành hương tình yêu để “lòng bối rối”…?!

Cũng là trao gửi trong tình yêu mà cô gái trong “Hương thầm” kín đáo, tế nhị, còn “em” ở đây, “thẳng thắn” quá. Vì thế mà có những câu tả thực thế này: “Yêu khổ quá hay ta đừng yêu nữa/ Đừng thơm lên má em và nói: nữa nè/ Đừng luồn tay trong ngực em và mân mê…” (Hay là…).

 “Thẳng thắn” thế, vẫn còn là sự chấp nhận được, bởi ai cũng có quyền như vậy, được như vậy, và có cả quyền “làm thơ” về chuyện đó. Nhưng “thẳng đuột” như những câu thơ sau thì đã nhuốm màu dung tục, vì đem chuyện phòng the, khoe chuyện phòng the lên trên trang giấy trắng: “Em muốn đủ thứ trên đời... nhưng muốn nhất về đêm/ Quay qua thấy em trằn trọc hãy biết đường ôm chặt nhé/ Thấy nhõng nhẽo hãy biết đường xoa nhẹ/ Lên trên chỗ em nhõng nhẽo và... hư” (Chồng à! Em muốn...).

Nhưng bên cạnh những câu thơ ấy lại có những câu thơ giản dị, tự nhiên đầy dự cảm và khát khao nữ tính: “Yêu mà sao lại thế/ Thương mà sao vậy anh/ Em - đàn bà yếu đuối/…Muốn đời mình duyên lành” (Anh ngủ thêm đi anh/ Em phải dậy lấy chồng).

Trong tác phẩm “Theo giòng”, Thạch Lam viết: “Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức”.

Thì ra thơ hay là đi tìm kiếm cái đẹp giấu kín (như trường hợp bài thơ Hương thầm). Còn thơ dở lại đi “kiếm tìm” cái đẹp mà ai cũng nhìn thấy, ai cũng đã biết. Thành ra thơ nhàm, thơ nhảm, thơ nhạt. Thế là còn may, có khi lại còn cứ thích phô ra, phô cả những cái không đáng phô!

Nhà thơ Jose Marti (Cu-ba) có nói: “Thiếu tình cảm thì chỉ có thể trở thành người thợ làm những câu có vần, chứ không làm được nhà thơ”. Có tình cảm thì thơ thường ít lời, ý tứ sâu sắc, thâm trầm, còn ngược lại thì ồn ào.

Voltaire, đại văn hào Đức cũng từng nói thế này: “Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”. Thì ra thơ nào cũng là tiếng nói của lòng người, với “những tâm hồn cao cả, đa cảm” lại càng rõ!!!.

Trở lại với tập thơ trên thấy rõ một điều những câu thơ hay thường là những câu thơ được tiết chế tình cảm, kiệm lời, gợi mà ít tả, nên lắng đọng. Còn ngược lại, thì nhiều chữ, miêu tả lắm, miêu tả cả những cái không cần thiết nên loãng, thừa chữ, thừa chi tiết. Giá mà nhà thơ ấy tỉa bớt những "lá chữ" để đủ lộ lấp ló những nụ hoa ý nghĩa!

NGUYÊN THANH