Từ xưa, những anh học trò nghèo, những thầy đồ đã làm ra con cá bằng gỗ, đẽo gọt tinh vi rồi đưa vào bữa ăn của mình, cùng với bát nước mắm đi xin. Người xứ Nghệ lâu nay rất tự hào với điều đó, cho rằng nó nói lên phẩm chất thông minh, đức tính kiệm ước, tự trọng của người có chữ.

Nhưng mà con cá gỗ ấy đã tạo ra ảo giác. Đấy là một món ăn không có thực, nói thẳng ra là món ăn giả, chỉ để thỏa mãn những bức bối về tinh thần. Muốn trốn thoát thực tại nghèo khó của mình nhưng không đủ lòng dũng cảm vứt bỏ tự ti, tạm buông sách vở bút nghiên để xuống sông, xuống đồng mò cua, bắt cá... Không dám thừa nhận rằng cái ăn nuôi sống bản thân mình cũng là một điều cao quý, đáng được trân trọng và nâng niu.

Chữ nghĩa đôi khi tạo ra nhiều hoang tưởng về thân phận của mình, về sứ mệnh của mình và gây ảo giác. Người xứ Nghệ thực sự thông minh, sáng tạo khi làm ra con cá gỗ. Và trong trường hợp này, điều đó được hiện thực hóa bằng món ăn cá gỗ dầm nước mắm. Nước mắm là có thật nhưng con cá-thành phần chủ chốt của món ăn-lại là giả dối, chỉ để nhằm mục đích che mắt thiên hạ, làm cho thiên hạ tưởng rằng mình cũng đầy đủ, khá giả. Và, chỉ có những người thông minh, lanh lợi, tính cách đặc biệt, có khiếu hài hước, mới có thể làm nên một câu chuyện và biểu tượng văn hóa độc đáo đến thế.

Một câu chuyện khác: Anh học trò nghèo xứ Nghệ thường mượn nồi cơm của người hàng xóm về nấu cơm, nhưng thực ra là để vét cơm cháy, cơm thừa để ăn. Sau bị phát hiện, anh chàng xấu hổ không mượn nữa, cô con gái chủ nhà cảm phục, thương quý, thuyết phục cha mẹ nuôi anh chàng ăn học đến công thành danh toại.

Che giấu thân phận nghèo hèn của mình trong khát vọng đổi đời là một mặc cảm muôn đời đã tạo động lực cho nhiều người xứ Nghệ phấn đấu và thành đạt trong thực tế. Con cá gỗ dù không làm cho họ được hưởng sự khoái lạc về thể chất nhưng đã vuốt ve, thỏa mãn họ về tinh thần, giúp họ xây đắp niềm tin, vượt qua khó khăn, giữ vững ý chí trước cuộc đời.

Song ở khía cạnh khác, tư duy cá gỗ đã xâm nhập vào đời sống khá sâu sắc, trong nhiều lĩnh vực. Đấy là tâm lý không muốn mình thua kém; là trọng hình thức, phô trương; là sự bảo thủ không chấp nhận hiện thực nghiệt ngã, và đấy còn là một biểu hiện của giả dối! Cuộc sống càng ngày càng đòi hỏi sự minh bạch, truyền đạt thông tin chính xác về bản thân mình và môi trường chung quanh. Sự chân thật, tự trọng, biết cách nhìn rõ và dũng cảm chấp nhận thực tế, tìm hướng giải quyết đúng đắn và khoa học là cách thức duy nhất để phát triển. Như trong tất cả các dị bản của câu chuyện “sự tích cá gỗ”, rốt cuộc, anh học trò nghèo đều bị phát hiện là đang dùng con cá giả để xin nước mắm ăn với cơm. Có điều, những nhân vật trong các dị bản đó, đều nhân hậu, yêu thương con người, trọng chữ nghĩa, đều đã giúp đỡ anh học trò thành đạt. Điều đó nói lên rằng, không thể một mình đi tới thành công nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng. Vậy thì, không có lý do gì để lừa dối họ, dù chỉ là bằng một con cá gỗ nhằm bảo vệ cái danh học trò mỏng manh, yếu đuối của mình!

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc đã tặng bà con kiều bào Nghệ An một biểu tượng văn hóa độc đáo, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn, nhắc nhớ về quá khứ khổ cực và truyền thống hiếu học của một vùng đất... Hãy để con cá gỗ mãi mãi mang ý nghĩa lòng tự trọng của những con người tiết tháo, có chí, có nghĩa và quan trọng hơn cả là chuyển hóa những giá trị tinh thần đó thành hành động thực tiễn, góp sức phát triển, xây dựng quê nhà ngày càng tiến bộ, văn minh.

TRẦN HOÀI