Sinh thời, cụ Thanh Hoằng Khê Lê Xuân Hòa-nhà thư pháp trứ danh-có nhiều giao tình với gia đình tôi. Nhân thế mà tôi được nghe nhiều chuyện về cho chữ và xin chữ, từ đó rất thích tìm hiểu về việc này. Cụ kể, xưa mỗi làng đều có những ông đồ mở lớp "gõ đầu trẻ" trong làng. Ông đồ được người quê kính trọng lắm, bởi họ là mẫu mực về phẩm giá và đạo đức. Thầy đồ cũng có người nhiều chữ, người ít chữ nhưng dù thế nào các ông hễ mở lời là chuẩn mực "tam cương, ngũ thường", nói chuyện nhân luân đạo đức. Dịp Tết đến, các thầy đồ được mọi người đến xin chữ. Thầy phán: "Gia đình anh năm qua sống thiếu cái đức, nay cho chữ "Đức"; không biết trọng tình, nay cho chữ "Tình" để nhắc nhở năm tới sống cho phải đạo". Lời thầy nói thẳng khiến không ít anh "bầm gan tím ruột" nhưng vẫn phải cúi đầu vâng dạ. Vì rằng cãi thầy nào khác cãi cha. Làng quê xưa là vậy!
Thầy đồ thời nay tranh thủ đầu năm bán chữ. Tôi từng cho rằng việc này làm hại danh tiếng của thầy đồ xưa, làm mất đi vẻ đức cao vọng trọng. Bao nhiêu năm nghĩ vậy, đến giờ chợt nghĩ lại, thấy trước đây mình thật thiển cận. Tôi có cậu em họ từ quê ra thành phố học đại học, mấy năm liền nhờ “bán chữ” mà ăn học thành tài. Tôi có ông bạn vong niên là Nguyệt trà bút Kiều Quốc Khánh tu luyện mấy chục năm “thư pháp quốc ngữ” giờ cũng đã mở lớp có nhiều người theo học, dù rằng được biết công việc trước đó của anh chẳng liên quan gì đến chữ nghĩa. "Mẫu số chung" của các “ông đồ thời @” này là trịnh trọng trong dáng vẻ, từ tốn trong ngôn từ. Hỏi ra mới biết họ cũng phải học bao nhiêu “sách thánh hiền” mới được như thế. Vậy ra chính họ là những người thực hành lối sống, nối lại tinh thần của thầy đồ khi xưa. Họ cũng đáng được trân trọng lắm chứ!
 |
Xin chữ ngày xuân. |
Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang diễn ra triển lãm thư pháp của bốn nhà thư pháp hiện công tác tại Việt Hán Nôm là Nguyễn Quang Thắng, Trần Trọng Dương, Nguyễn Văn Thanh và Phạm Văn Tuấn. Bốn nhà thư pháp này được đánh giá là những thư pháp gia hàng đầu Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Triển lãm giới thiệu 41 tác phẩm thư pháp lấy cảm hứng từ bài thơ "Nguyên tiêu" của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số tác phẩm thi ca về mùa xuân. Các tác phẩm thư pháp bằng chữ Nôm này được thể hiện bằng những lối viết cổ điển và phong cách Tiền vệ thư-một trường phái kết hợp nghệ thuật thư pháp phương Đông và nghệ thuật tạo hình trừu tượng biểu hiện phương Tây (theo nhận xét của người Nhật và người Trung Quốc). Năm 2007, lần đầu tiên các nhà thư pháp trẻ Việt Nam tổ chức triển lãm thư pháp tại Hà Nội. Đến cuối năm đó, giới sưu tầm thư pháp thế giới đã tìm đến mua hết các tác phẩm trong triển lãm này. Nhiều tác phẩm có giá đến hơn 30.000USD.
Cuộc chơi, trình diễn chữ giữa khoảng không gian của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và “phố ông đồ” bên hè Quốc Tử Giám cho người xem nhiều so sánh thú vị. Một bên là “phố ông đồ”, người ta đến để tìm ý nghĩa tinh thần mỗi con chữ. Một bên là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, người ta đến để thưởng thức hình thức vật chất của con chữ. Theo nhiều nhà nghiên cứu Hán-Nôm, thư pháp Việt Nam thời trước cách mạng rất hiếm và chưa định hình phong cách. Điều này cũng xuất phát từ cách “chơi chữ” của người Việt khi ấy là trọng ý nghĩa của những câu đối, câu liễn, hoành phi. Các thầy đồ ngày xưa không ý thức biến những con chữ của mình thành tác phẩm nghệ thuật như người Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên (có lẽ vì thế mà mỗi năm người ta lại đi xin chữ một lần để cuối năm "hóa vàng" dâng lại chữ cho thánh hiền?). Cho đến thời hậu đổi mới, ở Việt Nam đã có nhiều nhà Nho hay chữ, viết những tác phẩm thư pháp hoàn chỉnh góp phần hình thành trường phái, phong cách nghệ thuật thư pháp Việt.
Và đến năm 1990, Ban Hán Nôm thuộc Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội) mới lần đầu tiên đưa bút lông vào dạy cho sinh viên. Rồi từ đó, nhiều cuộc thi thư pháp đã ra đời; phong trào học tập, nghiên cứu Hán-Nôm của sinh viên cũng đi lên. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ là một trong những người tổ chức lớp học chữ Hán-Nôm bằng bút lông, bồi hồi nói: “Ai ngờ thư pháp lại chắp cánh cho tinh thần hiếu học của sinh viên. Chúng tôi thấy việc cổ vũ cho sinh viên tập làm quen với thư pháp là đúng đắn, đến giờ, chúng ta mới có được những thư pháp gia tài giỏi được thế giới ghi nhận”. Phong trào hăng say học tập Hán-Nôm không chỉ dừng ở gìn giữ vốn cổ mà còn khơi nguồn, làm giàu thêm cho văn hóa cha ông.
Tinh thần của những thầy đồ năm xưa nay được khơi lại qua thư pháp, qua cả hoạt động bán-mua những "tác phẩm chữ đẹp" đang tấp nập trên hè phố.
Bài và ảnh: NGUYÊN PHONG