Cùng với các không gian đi bộ, khu ẩm thực phong phú, Hà Nội đang có nhiều chuyến du lịch về đêm hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Cách làm hợp với xu thế này mang đến nhiều hứa hẹn cho ngành du lịch Thủ đô, song vẫn cần một quy chế rõ ràng để tránh những hệ lụy.

Đa dạng các hình thức trải nghiệm

Kể từ khi hoạt động trở lại sau dịch Covid-19, chuyến trải nghiệm vào buổi tối tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò luôn trong tình trạng “cháy vé”. Trong suốt 70 phút, du khách có cơ hội ngược dòng về quá khứ để chứng kiến cuộc sống khắc nghiệt được ví như địa ngục trần gian mà những người tù yêu nước đã phải gánh chịu. Những câu chuyện, sự kiện, nhân vật lịch sử được đội ngũ truyền thông của di tích tái hiện lại một cách sáng tạo bằng nhiều hình thức thể hiện, vừa mang tính thời sự, vừa bắt kịp xu hướng đang thịnh hành trên mạng xã hội.

leftcenterrightdel
Di tích Nhà tù Hỏa Lò thu hút du khách vào buổi tối cuối tuần. Ảnh: MAI ANH. 

Đánh giá về hiệu quả của chuyến trải nghiệm vào buổi tối, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết: “Hiện nay, chuyến trải nghiệm vào buổi tối của Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã kín lịch cho đến hết tháng 6-2022. Chúng tôi rất vui mừng, xúc động khi chứng kiến nhiều du khách đến tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, đặc biệt là các bạn trẻ. Để thu hút du khách, Ban quản lý di tích đã sớm triển khai hệ thống thuyết minh tự động; cùng với 3 chương trình trưng bày trực tuyến mang tên “Thắp lửa yêu thương”, “Sắt-son” và “Lời thề quyết tử”.

Cùng với Di tích Nhà tù Hỏa Lò, chuyến trải nghiệm vào buổi tối với chủ đề “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” cũng đang tạo sức hút với du khách khi luôn kín lịch trước một tuần. Diễn ra từ 19 giờ đến 20 giờ 30 phút các tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” giúp du khách được trải nghiệm không gian hoàng thành xưa, thưởng thức điệu múa hoàng cung ngay trên những dấu tích khảo cổ học độc đáo. Bạn Lê Văn Quân, sinh viên năm thứ tư, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Chuyến trải nghiệm mang đến cho em sự bất ngờ, mới lạ. Vào buổi tối, Hoàng thành Thăng Long hiện lên với một hình ảnh hấp dẫn hòa quyện vào những câu chuyện lịch sử cùng các chương trình bảo tồn văn hóa truyền thống”.

Năm 2022, Hà Nội có thêm hai không gian đi bộ được đưa vào hoạt động là phố Trịnh Công Sơn và Thành cổ Sơn Tây. Theo Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm-Thành cổ Sơn Tây, trung bình mỗi ngày cuối tuần, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đón khoảng 1 vạn khách, ngày cao điểm khoảng 1,5 vạn khách. Ngoài các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây còn có các dịch vụ ẩm thực, giới thiệu hàng lưu niệm, sản phẩm đặc trưng của Sơn Tây. 

Cần cơ chế thúc đẩy du lịch về đêm

Để phát huy các giá trị văn hóa, xúc tiến du lịch, thu hút và tăng thời gian lưu trú, chi tiêu của du khách, TP Hà Nội đang triển khai xây dựng đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm với phạm vi hoạt động chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống-mua sắm... 

Bên cạnh đó, một loạt không gian đi bộ mới cũng đang hình thành, gồm: Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc-Ngũ Xã; khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh; không gian đi bộ hồ Thiền Quang; tuyến phố đi bộ tại dự án Khu đô thị mới Nam đường vành đai 3-Bitexco... Các không gian này đi vào hoạt động sẽ thu hút một lượng lớn du khách và góp phần phát triển thương mại, dịch vụ cho các khu vực lân cận. Theo Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội Đặng Hương Giang, dù chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng nhưng du lịch về đêm đã hiện diện từ lâu, là một phần không thể thiếu của sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Việc tổ chức phát triển kinh tế đêm cần tập trung ở những khu vực, địa bàn có tiềm năng lớn về phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch.

Việc Hà Nội đẩy mạnh phát triển du lịch về đêm là hướng đi hợp với xu thế, nhưng các chuyên gia cho rằng rất cần các quy định về điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm, như: Thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý vi phạm. PGS, TS Dương Văn Sáu, Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: “Việc phát triển du lịch về đêm là tất yếu, nhưng sẽ gây ra nhiều tiếng ồn ảnh hưởng đến khu dân cư, cơ hội để các tệ nạn xã hội phát sinh. Bởi vậy, Hà Nội cần chọn những khu vực phù hợp để phát triển du lịch về đêm, tránh phát triển rộng, rất khó kiểm soát; cần thành lập đội giữ gìn trật tự phối hợp với cảnh sát khu vực cùng tổ dân phố để góp phần bảo đảm an ninh trật tự. Nếu có một cơ chế rõ ràng, du lịch về đêm tại Hà Nội sẽ được "thắp sáng", tạo động lực lớn để phát triển kinh tế Thủ đô".

HOÀI PHƯƠNG