Với họ, ở nơi “địa ngục trần gian” này, đã từng phải chứng kiến đồng đội hy sinh, rồi bản thân bị tra tấn tàn bạo… mãi là những ký ức không thể nào quên.

Trong không gian thiêng liêng, các cựu tù chính trị hiện diện ở đây như những ngọn nến, soi đường cho thế hệ trẻ ngược dòng thời gian, trở về quá khứ. Tất cả cùng hòa vào không gian trưng bày hình ảnh hiện vật chủ đề “Cung trầm Tháng 7”. Mỗi câu chuyện, hiện vật được giới thiệu ở đây để khắc họa về ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ yêu nước, cách mạng khi bị địch bắt, giam trong ngục Hỏa Lò. Trưng bày chuyên đề được tổ chức góp phần thắp lên ngọn lửa tri ân các anh hùng, liệt sĩ và các cựu tù chính trị năm xưa.

 Các cựu tù chính trị dâng hương hoa tại Đài tưởng niệm

Cháy bỏng khát vọng độc lập

Trưng bày “Cung trầm Tháng 7” gồm ba nội dung chính: Khát vọng non sông, Dưới ngọn cờ hồng và Mãi mãi khắc ghi.

Trong phần trưng bày “Khát vọng non sông” khắc họa những câu chuyện về gương hy sinh lẫm liệt của các chiến sĩ yêu nước khi bị giam trong Nhà tù Hỏa Lò đầu thế kỷ 20. Trước những trận đòn tra tấn thấu xương, ngay cả khi cái chết cận kề, người chiến sĩ vẫn không hề run sợ, thể hiện khát vọng độc lập cháy bỏng cho non sông Việt Nam.

Trong không gian trưng bày này, người xem được nhớ lại thời điểm ngày 27-6-1908, vụ đầu độc binh lính Pháp tại Hà Nội (hay còn gọi là vụ Hà Thành đầu độc) đã làm chấn động hệ thống cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương. Những đầu bếp và binh lính người Việt thuộc Trung đội công nhân pháo thủ Hà Nội đã dùng cà độc dược để đầu độc binh lính Pháp đóng trong thành, phối hợp với nghĩa quân Yên Thế chiếm lại thành phố.

Sự việc bại lộ, kẻ địch đã bắt, giam các nghĩa sĩ trong Nhà tù Hỏa Lò và lập Hội đồng Đề hình để xét xử. Trước lưỡi gươm đao phủ, các nghĩa sĩ vẫn an nhiên, nét mặt không hề phảng phất chút sợ hãi. Sau khi hành quyết, những người đứng đầu như các đồng chí Nguyễn Trị Bình, Đặng Đình Nhân, Nguyễn Văn Cốc còn bị thực dân Pháp bêu đầu ở các cửa ô. Riêng bà Nhiêu Sáu (Nguyễn Thị Ba) khi bị bắt còn bị nhét vào thùng gỗ có cắm đinh và lăn từ phố Cửa Nam về Nhà tù Hỏa Lò. Do chế độ giam cầm hà khắc, bà hy sinh trong tù.

Nhìn những hình ảnh và nghe lại các câu chuyện của đồng đội năm xưa, nước mắt người cựu tù chính trị Hoàng Quân Tạo, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội lăn dài trên gò má. Người chiến sĩ kiên trung này giờ đã hơn 90 tuổi nhớ lại: “... Khi bị bắt giam ở Nhà tù Hỏa Lò, chúng mở đầu bằng những trận đòn, những cú đấm vào mặt nổ đom đóm mắt, tôi loạng choạng ngã ngồi xuống sàn nhà, tên quan người Pháp ra hiệu và hỏi tên tôi: “Tổ chức của mày có bao nhiêu người? mày làm chức vụ gì? ai là người lãnh đạo? tên gì? ở đâu?. Tôi trả lời chung chung nên bọn chúng không khai thác được gì. Thằng tây lai một mắt gầm lên rồi cầm luôn cái dùi cui quật rất mạnh vào đầu và tôi bị ngất lịm đi rồi ngã gục. Sau đó, chúng tiếp tục thay nhau đánh tôi rất dữ dội, mỗi lần tôi ngất đi thì chúng lại hất nước vào mặt không biết bao nhiêu lần. Tới 2 giờ đêm hôm sau tôi mới tỉnh lại thì thấy đầu óc quay cuồng, toàn thân đau đớn. Chừng một tuần lễ sau tôi lại được đưa về phòng tra tấn cũ, vừa tập tễnh bước vào cửa thì tôi sững người lại và run bần bật không tin ở mắt mình nữa vì thấy người vợ chưa cưới của tôi bị chúng lột quần áo, đứng quay mặt vào góc tường, trong lòng tôi lúc đó tràn đầy sự căm hờn và uất hận...”.

Các cựu tù chính trị tham quan trưng bày “Cung trầm Tháng 7”.

Gần 2 năm sống trong nhà tù của địch, trải qua biết bao trận đòn tra tấn vô cùng dã man, tàn bạo, với mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, đê tiện nhất của kẻ thù, phải đối mặt giữa cái sống và cái chết nhưng người cựu tù chính trị này vẫn giữ vững niềm tin, trung kiên bất khuất giữ trọn vẹn phẩm chất của người cán bộ cách mạng.

“Tham gia kháng chiến đánh giặc tây/Bị chúng bắt tra tấn đêm ngày/Máu chảy thịt rơi không khuất phục/Kẻ thù bất lực phải bó tay”, đó là những vẫn thơ mà cựu tù chính trị Hoàng Quân Tạo viết về bản thân mình và những đồng đội khi bị giam cầm ở Nhà tù Hỏa lò.

Trung kiên bất khuất, sẵn sàng hy sinh

Hàng nghìn chiến sĩ yêu nước đã bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò và bất khuất hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, trong đó có những người con ưu tú. Đó là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người con ưu tú của quê hương Thái Bình dành phần lớn thời gian trong tù để viết lên tác phẩm “Công nhân vận động” để truyền lại kinh nghiệm đấu tranh, vận động công nhân cho các đồng chí của mình. Trước khi bị hành quyết, đồng chí còn gửi gắm nỗi lòng của mình qua những lời thơ da diết trong bài thơ “Tạ từ” để vĩnh biệt người mẹ kính yêu sau bao nhiêu năm xa cách: “Hồn còn mang nặng lời thề/Nát thân chưa dễ đền nghì trời mây/Tạ từ vĩnh quyết từ đây/Cúi xin từ mẫu chóng khuây nỗi buồn”. Sáng sớm ngày 31-7-1932, đồng chí hiên ngang lên máy chém tại Hải Phòng, nêu tấm gương trọn đời hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Với cựu tù chính trị Hoàng Quân Tạo, ông luôn coi di tích Nhà tù Hòa Lò như ngôi nhà thứ hai của mình. Đến dự lễ tưởng niệm và xem hoạt cảnh về những ngày tháng cuối cùng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ trong xà lim tử hình của Nhà tù Hỏa Lò đã được tái hiện trong không gian của di tích, trong lòng người chiến sĩ này vô cùng xúc động. Ông chia sẻ: “Hoạt cảnh đã giúp tôi và các cựu tù chính trị nhớ lại những năm tháng chiến đấu vô cùng gian khổ. Cho dù quân địch có tra tấn tàn bạo đến đâu, thân thể có bị bầm dập nhưng chúng tôi vẫn một lòng kiên trung với Đảng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Thông qua hoạt cảnh này để giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ”.

Hoạt cảnh về những ngày tháng cuối cùng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Rưng rưng nước mắt khi nghe các cựu tù chính trị kể về những năm tháng bị giam cầm ở đây, sinh viên Trường Đại học Ngoại Thương TP Hồ Chí Minh Lê Song Thanh Nhã bộc bạch: "Đây là lần đầu tiên tôi được ra miền Bắc nhân dịp kỷ niệm 27-7. Tôi được đi tham quan khu di tích Nhà tù Hỏa Lò và xem hoạt cảnh về người chiến sĩ yêu nước Nguyễn Đức Cảnh. Hoạt cảnh này đã góp phần bồi đắp thêm tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ. Tôi rất xúc động trước những sự hy sinh mà cha ông ta đã làm và chịu đựng trong những năm tháng bị giam cầm ở đây. Tôi nghĩ rằng, thế hệ trẻ cần phải đến tham quan thường xuyên những khu di tích lịch sử như thế này để hiểu hơn và kế thừa tinh thần yêu nước của ông cha ta".

Đã 75 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh-Liệt sĩ, các hoạt động tri ân vẫn luôn được duy trì và coi trọng. Đó là trách nhiệm, tình cảm và nét đẹp nhân văn của dân tộc Việt Nam. Từ năm 2017, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã phối hợp với Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò và các nhà hảo tâm tổ chức thăm hỏi, tặng quà tri ân các cựu tù chính trị bị đau ốm, có hoàn cảnh khó khăn.

Càng trân trọng và tự hào về lịch sử bao nhiêu, chúng ta càng ý thức sâu sắc rằng, nền độc lập tự do, hòa bình, thống nhất của hôm nay phải đổi bằng máu xương, tuổi xuân, hạnh phúc của biết bao thế hệ. Thắp lửa tri ân công lao của các thế hệ đi trước là điều thế hệ hôm nay phải luôn ghi lòng, tạc dạ.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN