Nguyên nhân nào khiến sân khấu đìu hiu?

Giải thưởng sân khấu năm 2023 không có giải A; điểm mặt những vở được trao giải B hay C, đều là những đơn vị sân khấu quen thuộc và vẫn thường được nhận giải các mùa trao thưởng trước.

Thẳng thắn nhìn nhận, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Đăng Chương, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật giải thưởng sân khấu năm 2023 cho hay, qua gần 40 năm đổi mới, đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng tác giả sân khấu dường như đang né tránh, đứng bên ngoài thực tiễn diễn ra sôi động hằng ngày, tác động mọi mặt đến con người, xã hội và làm mới hơn các hệ giá trị. Điều ấy khẳng định đội ngũ tác giả vẫn khoanh tay bó gối trước hiện thực đời sống có vô vàn chất liệu đang cuồn cuộn trôi đi từng ngày.

leftcenterrightdel

Cảnh trong vở chèo “Đại đội trưởng của tôi” của Nhà hát Chèo Quân đội đoạt giải B Giải thưởng sân khấu năm 2023. 

Theo TS Nguyễn Đăng Chương, người xem hôm nay cần tác giả đưa ra những thông điệp định hướng mang tính dự báo cao từ thực tiễn đời sống; phản ánh chân thực những phát sinh trong con người, trong xã hội để lý giải và góp phần cho cuộc sống tốt đẹp hơn; truyền tải niềm vui, hạnh phúc, đắng cay của con người trong đời sống hiện đại, nhân rộng lên những điều đẹp đẽ nhân văn, gạt bỏ bớt những gì đang trở thành chướng ngại vật, cản đường cho sự phát triển. 

Nguyên nhân nữa, theo Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đến thời điểm này đã có 9 tỉnh, thành phố sáp nhập các đơn vị nghệ thuật sân khấu vào trung tâm văn hóa, điện ảnh; 5 tỉnh sáp nhập các đơn vị sân khấu với ca múa nhạc; 7 tỉnh sáp nhập các đơn vị tuồng, chèo, cải lương, kịch nói vào thành một đơn vị; 1 địa phương sáp nhập nghệ thuật múa rối và xiếc.

Việc sáp nhập vừa thống kê ở trên đồng nghĩa với sự tồn tại của nhiều loại hình nghệ thuật trong một đơn vị, tạo nên sự bế tắc, bùng nhùng trong công tác chỉ đạo điều hành của tập thể lãnh đạo. Lãnh đạo đơn vị không xác định được phương hướng để định hướng nghệ thuật. Nếu tập trung phát triển nghệ thuật chèo thì cải lương hay tuồng ắt phải tự teo đi; nếu coi kịch nói là trọng tâm thì sân khấu truyền thống sẽ không còn nữa. Việc sáp nhập cơ học các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật của nhiều địa phương, vô hình trung “biến” nghệ sĩ biểu diễn trở thành diễn viên đa năng, nhưng dần đánh mất khả năng chuyên sâu thuộc loại hình nghệ thuật được đào tạo.

Loại bỏ tư duy “con hát mẹ khen hay”

Làm công tác nghiên cứu, lý luận và phê bình sân khấu hơn 50 năm qua, PGS, TS Trần Trí Trắc, Ủy viên Ban Lý luận-phê bình, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng, một trong những yếu tố đang khiến các nghệ sĩ, đơn vị sân khấu mắc phải, đó là tự hài lòng với chính mình. Kiểu “con hát mẹ khen hay”, ra vở mới, tham gia diễn một vài cảnh là đã được tung hô xuất sắc. Khen hay những điều không có thực là tối kỵ vì sẽ tạo nên cảm xúc ảo, tạo nên con đường ngắn nhất dẫn đến sự thất bại của người sáng tạo; trong khi đó sân khấu đang thiếu đi

Dù vậy, có thể thấy, trong mấy năm gần đây, chất lượng tác phẩm của nhiều đơn vị nghệ thuật ngoài công lập đã có sự thay đổi, bứt phá mạnh mẽ, không thua kém các đơn vị nghệ thuật công lập, như phía Bắc có Sân khấu Lệ Ngọc, Lực Team... Sự thành công nhiều mặt của sân khấu ngoài công lập minh chứng cho chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, hoạt động nghệ thuật sân khấu của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của xã hội trong cơ chế thị trường.

Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng đau đáu, dù sân khấu chưa có những bứt phá, nhưng cũng không ảm đạm. Nếu có, chủ yếu là ở các địa phương, nơi đang rất khó khăn vì sáp nhập các đơn vị nghệ thuật, tinh giản biên chế. Vài năm trở lại đây, khối sân khấu tư nhân cả Nam và Bắc vẫn tiếp tục kiên trì với đam mê sân khấu của mình để tiếp tục làm việc và tìm khán giả; các đơn vị sân khấu ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh vẫn không ngừng sáng tạo, ra các vở diễn mới và tỏa đi biểu diễn phục vụ khán giả ở các tỉnh, thành phố khác.

Tìm lối đi, tháo gỡ bế tắc cho sân khấu, năm 2024, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam triển khai nhiều kế hoạch, như: Xây dựng các đề án: “Đặt hàng, dàn dựng, quảng bá tác phẩm về đề tài cách mạng”; “Liên hoan các vở diễn sân khấu tiêu biểu về đề tài cách mạng”; “Nâng cao chất lượng kịch bản và tổ chức Liên hoan sân khấu về đề tài thiếu niên, nhi đồng toàn quốc” định kỳ 3 năm một lần; mở lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ tác giả, lý luận-phê bình, đạo diễn, diễn viên, nhạc công; tổ chức trại sáng tác, ưu tiên các tác giả trẻ dưới 50 tuổi.

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.