Một lần, bà đưa tôi bài tính: “Nếu con trai của cháu bị một bạn hàng xóm đánh, cháu sẽ xử sự như thế nào?”. Theo cách xử sự của phần lớn mọi người, chắc sẽ là sang mách với hàng xóm để hàng xóm xử lý con họ, từ đó con mình không bị bạn bắt nạt nữa. Nhưng thực tế, nếu làm theo cách này, hàng xóm có thể sẽ mếch lòng vì bị cho là dạy con không nghiêm. Đứa trẻ hàng xóm sau khi bị phụ huynh “xử lý” sẽ ấm ức và càng thù con mình. Thấy tôi còn băn khoăn, nghệ nhân Ánh Tuyết trả lời giúp: “Cô sẽ đưa con mình sang nhà hàng xóm, xin lỗi hàng xóm vì để con mình đánh nhau với con hàng xóm”.

Ngẫm qua, đúng là một cách xử sự thấu tình đạt lý, có thể giải quyết triệt để vấn đề. Sau khi hàng xóm nhận lời xin lỗi, sẽ tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện. Từ đó, hàng xóm phải rất nể cách xử sự của mình và sẽ răn dạy con họ cẩn thận, không để xảy ra chuyện đánh nhau giữa hai đứa trẻ nữa.

leftcenterrightdel
      

Nghệ nhân Ánh Tuyết muốn truyền tải văn hóa cho muôn đời sau qua ẩm thực.

Càng quen bà lâu, tôi càng được chứng kiến nhiều câu chuyện về cách ứng xử của nghệ nhân Ánh Tuyết. Tựu trung, đó là sự chuẩn mực, tinh tế, cầu toàn và cũng không thiếu nét sáng tạo. Những phẩm chất ấy chính là hồn cốt tạo nên một nghệ nhân Ánh Tuyết nức tiếng nhiều thập niên qua.

Là thế hệ thứ bảy của một gia đình Hà Nội gốc, từ nhỏ, Ánh Tuyết đã được giáo dục theo những chuẩn mực “công, dung, ngôn, hạnh” của người con gái Hà thành xưa. Trong “tứ đức”, chữ “công” đứng đầu, ấy là vì ý nghĩa, để tạo dựng một gia đình hạnh phúc, người phụ nữ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Người phụ nữ càng tháo vát, càng thạo chữ “công” thì gia đình càng êm ấm. Có lẽ vì thế, Ánh Tuyết được dạy về ẩm thực từ rất sớm. Lên 9 tuổi, cô bé Ánh Tuyết đã theo chân bà ngoại đi chợ chọn nguyên liệu, vào bếp học cách nấu những món ăn truyền thống của người Hà Nội. Nghiệp ẩm thực của bà được nuôi dưỡng từ những ngày thơ ấu đó.

Sau này, nghệ nhân Ánh Tuyết thành danh bằng nghệ thuật ẩm thực. Nhưng có lẽ, nghệ thuật ẩm thực của bà đã không thể thành công đến thế nếu như thiếu đi những “dung, ngôn, hạnh”. Theo nghệ nhân Ánh Tuyết, nguyên liệu nấu ăn không chỉ đơn thuần là những thịt, cá, rau, củ... mà còn thể hiện tri thức, sự am tường y học của người nấu. Có nghĩa là người đầu bếp thực thụ phải biết chọn nguyên liệu, biết món nào tốt cho sức khỏe, món nào hại cho người bị bệnh, món nào gây ra độc tố. Phải hiểu xã hội, văn hóa để biết nguyên liệu nào có thể biểu trưng cho tinh hoa ẩm thực truyền thống Việt Nam mà quảng bá đến bạn bè thế giới. Bởi vậy, khi được giao bàn tiệc thết đãi 21 lãnh đạo các nền kinh tế thành viên tại Hội nghị APEC 2017, trước đó 6 tháng, nghệ nhân Ánh Tuyết đã tìm hiểu văn hóa của từng quốc gia, vùng lãnh thổ để biết thực khách thích gì, kiêng gì...

 Mỗi lần được thưa chuyện với nghệ nhân Ánh Tuyết, chúng tôi đều nói về ẩm thực. Nhưng đó không phải là việc lựa chọn nguyên liệu hay những kỹ thuật nấu nướng. Với bà, nấu ăn là nghệ thuật, món ăn là sản vật văn hóa. Người nấu ăn chính là người gìn giữ và truyền tải văn hóa cho muôn đời sau.

Bài và ảnh: HUY ĐĂNG