Tuy nhiên, làm sao để “thang thuốc bổ” ấy thực sự phát huy tác dụng đã được các đại biểu sôi nổi thảo luận hơn 3 tiếng đồng hồ trong khuôn khổ tọa đàm.

Văn học, nghệ thuật “chuyên chở” hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ vượt qua không gian, thời gian

Khẳng định vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, tham luận tại tọa đàm, PGS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định: Văn học, nghệ thuật bằng những sáng tạo và sức mạnh của mình đã “chuyên chở” hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ vượt qua không gian, thời gian để sống mãi trong lòng các thế hệ.

Không chỉ tạo sức lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, bằng những sáng tác xuất sắc, độc đáo, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đã có sức cổ vũ to lớn và vẫy gọi thiết tha người lính vươn tới, đạt tới cái đẹp, cái anh hùng trong cuộc đời binh nghiệp vô cùng gian khổ, hy sinh, muôn vàn thử thách của mình.

PGS, TS Đinh Xuân Dũng phát biểu tại tọa đàm. 

Theo PGS, TS Đinh Xuân Dũng, hình tượng đẹp, sâu sắc về Bộ đội Cụ Hồ do văn học, nghệ thuật đúc kết nên có sức lan tỏa vượt không gian và thời gian, sống lâu bền trong tinh thần và tình cảm của người tiếp nhận văn học, nghệ thuật. Đó là đặc trưng nổi bật nhất, sức mạnh riêng có của văn học, nghệ thuật-một hình thức xã hội đặc thù, mà nhiều người khẳng định rằng, không có hình thái ý thức nào có thể thay đổi được nó trong việc làm thay đổi, xây dựng nếp cảm, nếp nghĩ của con người.

Đồng quan điểm này, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình, văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, văn học nghệ thuật trong quá khứ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong việc xây dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại tọa đàm. 

Ngay trong đề dẫn tọa đàm, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân cũng bày tỏ chân thành: "Trong lớp lớp thanh niên được tiếp cận với văn học nghệ thuật về Bộ đội Cụ Hồ, chính bản thân tôi cũng cảm thấy mình được lớn lên, trưởng thành, vững vàng bởi được học, được đọc về văn học nghệ thuật nói chung và về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ nói riêng".

Không thể phủ nhận những quả ngọt mà văn học nghệ thuật thời kỳ trước đây đã làm được trong xây dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, các diễn giả tại tọa đàm đều thống nhất với quan điểm, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ - tiêu biểu là bản lĩnh và nhân cách của người chiến sĩ cách mạng đã được hình thành, bồi đắp, trui rèn bằng nhiều cách thức, trong nhiều môi trường, qua nhiều giai đoạn, với sự tham gia của nhiều yếu tố và động lực, trong đó có vai trò quan trọng của văn học, nghệ thuật.

Người chiến sĩ với việc được tiếp nhận, hấp thụ từ trong môi trường gia đình, nhà trường, xã hội và quân ngũ; từ lời ru của mẹ, những câu chuyện dân gian của ông bà, đến các tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam và thế giới mà họ được giảng dạy trong nhà trường và được thưởng thức trong cuộc sống.

Làm thế nào để có “thang thuốc bổ” tốt?

Những giá trị mà văn học nghệ thuật mang lại trong việc xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ đã được lịch sử chứng minh. Trong thời kỳ hiện nay, với sự thay đổi của xã hội đang đặt ra những câu hỏi lớn trong việc làm thế nào để văn học nghệ thuật tiếp tục thực hiện tốt chức năng, vai trò của mình trong xây dựng bản lĩnh, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ.

Chia sẻ tại tọa đàm, PGS, TS Tôn Phương Lan đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để tiếp tục xây dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong văn học nghệ thuật một cách có ích cho việc bồi dưỡng nhân cách người lính khi hiện nay, lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ không chỉ gói gọn trong việc bảo vệ biên cương Tổ quốc mà còn trong việc làm kinh tế”. Trước câu hỏi lớn này, PGS, TS Tôn Phương Lan đưa ra đề xuất, cần xây dựng những tác phẩm văn học nghệ thuật gắn với môi trường lịch sử và văn hóa; hướng tới đối tượng độc giả trẻ. PGS, TS Tôn Phương Lan cho rằng, hình tượng người lính Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới có những điểm giống nhưng cũng có nhiều điểm mới so với trước đây, vì vậy, cần làm thế nào để hiểu họ, xây dựng những tấm gương mới-đây thực sự là thách thức lớn.

PGS, TS Tôn Phương Lan phát biểu tại tọa đàm. 

Đồng quan điểm với PGS, TS Tôn Phương Lan, nhà văn Ngô Thảo cho rằng, cần linh hoạt trong xây dựng cách tiếp cận. Thừa nhận lâu nay nhiều tác phẩm viết về bộ đội còn có chất lượng chưa xứng tầm, nhà văn Ngô Thảo cho rằng cần thiết phải có chương trình giáo dục văn học nghệ thuật quân đội.

Theo PGS, TS Phan Trọng Thưởng, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình, văn học, nghệ thuật Trung ương, Tọa đàm "Văn học, nghệ thuật góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ" diễn ra đúng thời điểm mà văn học nghệ thuật đang thiếu hình tượng có sức hút. Có thể coi tọa đàm chính là cuộc tìm đến hình tượng của văn học nghệ thuật. Cũng mang suy nghĩ hiện nay, hình ảnh người lính đã được đặt trong không gian khác không còn đơn thuần là chiến trường, thao trường, PGS, TS Phan Trọng Thưởng cho rằng, văn học nghệ thuật dù xây dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới cũng cần phải giữ được tính biểu tượng.

Nhìn nhận thẳng thắn về những điểm hạn chế, PGS, TS Đinh Xuân Dũng cho rằng, văn học, nghệ thuật nước nhà còn một “món nợ” mới đó là đúc kết, khám phá, biểu hiện, khẳng định hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình, trong hiện tại với nhiệm vụ cao cả: Sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, hoàn thành chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất, thực hiện bằng được bước phát triển mới với các tính chất cách mạng, chính quy, tinh nhuệ.

 Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Dù những năm qua văn nghệ sĩ quân đội đã có sự phối hợp với đội ngũ đông đảo văn nghệ sĩ cả nước cố gắng thâm nhập vào đời sống quân đội hiện nay và bước đầu đã có một số tác phẩm tốt song có lẽ phải thừa nhận rằng, đến nay chưa có tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống. Trong giai đoạn mới này, những thách thức mới tưởng như thầm lặng nhưng thực ra rất quyết liệt đang tác động trực tiếp và gián tiếp đến việc củng cố và phát triển hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

Có thể khẳng định, những đóng góp, chia sẻ cũng như tham luận của các đại biểu tại tọa đàm không chỉ phác họa rõ nét thực trạng văn học nghệ thuật viết về Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ hiện nay mà còn đưa ra những đề xuất, kiến nghị thiết thực để  góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ cho cán bộ, chiến sĩ trong tình hình mới…

Bài, ảnh: BĂNG CHÂU-VIỆT TRUNG