Đà Lạt - thánh đường âm nhạc

 Đà Lạt được ví như thánh đường âm nhạc. Nhận định này đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, bởi nếu có dịp tới Đà Lạt, du khách không thể bỏ qua cơ hội tham quan những nhà thờ cổ kính, xinh đẹp với nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, góp phần tạo nên di sản kiến trúc vô giá cho Đà Lạt. Điều đặc biệt là trong những thánh đường trang nghiêm, lộng lẫy, in đậm dấu ấn thời gian luôn rộn vang tiếng đàn, tiếng hát. Thư ký Giáo xứ Thánh Mẫu Roco Lê Hữu Phước cho biết, Giáo xứ Thánh Mẫu (Đà Lạt) được thành lập từ năm 1968. Ngay từ khi ra đời, giáo xứ đã có ca đoàn phụng tự và phục vụ. Hiện nay, giáo xứ có 5 ca đoàn gồm ca đoàn chính, ca đoàn các ông, ca đoàn các bà, ca đoàn giới trẻ và ca đoàn thiếu nhi với tổng số 175 người, 5 nhạc công sử dụng các nhạc cụ như guitar, piano, organ... Các ca đoàn thường xuyên luyện tập, phục vụ nghi lễ nhà thờ và sinh hoạt cộng đoàn. Đặc biệt, vào các dịp lễ trọng như Lễ Giáng sinh, Phục sinh... không gian giáo xứ luôn ngập tràn giai điệu yêu thương, vui tươi, rộn ràng. Vì thế, âm nhạc gắn liền với đời sống tinh thần của giáo dân một cách tự nhiên.

leftcenterrightdel

Các nghệ nhân cắt tỉa cây cảnh tạo nên vẻ đẹp Đà Lạt - thành phố sáng tạo âm nhạc. 

Theo thống kê, Đà Lạt hiện có 24 giáo xứ và giáo sở. Mỗi giáo xứ, giáo sở đều có nhà thờ. Bên cạnh đó, trong các dòng tu cũng có nhà nguyện (nhà thờ nhỏ). Các giáo xứ, giáo sở, dòng tu đều có một hoặc nhiều ca đoàn phục tự và phục vụ. Số lượng ca trưởng, ca viên và nhạc công trong toàn giáo hạt Đà Lạt hiện khoảng 8.000 người. Với quá trình tập luyện nghiêm túc, được đào tạo khá bài bản (chủ yếu trong nhà thờ), có kiến thức, kỹ năng nhất định, lại được thực hành thường xuyên, âm nhạc tôn giáo tại Đà Lạt không ngừng phát triển, trở thành trụ cột quan trọng làm nên bản sắc, sức sống và giá trị của nền âm nhạc Đà Lạt.

Thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, khí hậu mát mẻ, trong lành và nền văn hóa hợp lưu tinh hoa Á-Âu khiến Đà Lạt trở thành niềm cảm hứng bất tận, môi trường lý tưởng cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Âm nhạc xuyên suốt trong quá trình phát triển của Đà Lạt và trở thành sợi dây kết nối các dân tộc. Đà Lạt cũng góp phần quan trọng tạo nên danh tiếng cho nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, điển hình như: Hoàng Nguyên, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Phạm Duy, Lam Phương, Nguyễn Ánh 9, Từ Huy, Đình Nghĩ, Dương Toàn Thiên, Mạnh Đạt, Quỳnh Hợp, Krajan Plin, Tuấn Ngọc, Nguyên Thảo...

Đà Lạt là một trong những đô thị có đời sống âm nhạc phát triển sớm. Nhiều phòng trà ca nhạc tại thành phố xuất hiện vào những năm 1940-1950. Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 300 ca khúc về Đà Lạt, trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng, ghi dấu ấn sâu đậm trong giới mộ điệu, như: “Ai lên xứ hoa đào”, “Thương về miền đất lạnh”, “Đà Lạt xa nhau”, “Đà Lạt mộng mơ”, “Phố mùa đông”, “Say trăng”... Thành phố hiện có Nhà sáng tác Văn học-Nghệ thuật Đà Lạt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nơi thường xuyên tổ chức các trại sáng tác âm nhạc chất lượng. Đài Phát thanh-Truyền hình Lâm Đồng sản xuất nhiều chương trình âm nhạc hấp dẫn...

Cùng với những nhạc quán xưa và nay, hiện Đà Lạt có hàng loạt không gian âm nhạc, nghệ thuật được tổ chức chuyên nghiệp, thu hút đông đảo người dân và du khách như: Phố bên đồi, Mây lang thang, Lululola, Stop and Go art space, Hey Storm art space... Quảng trường Lâm Viên, quảng trường Khu trung tâm Hòa Bình, Nhà hát Dalat Opera House, Nhà văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng là những địa điểm lý tưởng, nơi thường xuyên diễn ra các chương trình âm nhạc quy mô lớn. Mới đây, Lễ hội âm nhạc quốc tế Hoa Sen SoundFest 2023 với sự tham gia của dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng quốc tế Bucharest Symphony Orchestra (Romania), cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu Việt Nam lần đầu diễn ra tại Đà Lạt và sẽ trở thành hoạt động thường niên tại đây.

Giá trị mới từ âm nhạc

Theo Tiến sĩ Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, sự kiện Đà Lạt gia nhập UCCN trong lĩnh vực âm nhạc là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình của thành phố 130 năm tuổi trên hành trình đi tới tương lai. Điều này vừa là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức. “Thành phố sáng tạo là nơi mà ở đó con người với tính sáng tạo là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải, vật chất cho xã hội. Để đạt được điều này thì phải có cơ chế khuyến khích khả năng sáng tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sáng tạo, thu hút lực lượng lao động sáng tạo và tạo ra các sản phẩm sáng tạo”, ông Phạm S cho hay.

leftcenterrightdel
Ca đoàn Giáo xứ Thánh Mẫu (Đà Lạt) trong một buổi diễn nguyện. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, tham gia UCCN là xu hướng phát triển của nhiều đô thị trên thế giới. Tuy nhiên, đây là câu chuyện dài, bởi mục tiêu và nội dung xây dựng thành phố sáng tạo sẽ có tác động lớn tới tư duy, chiều hướng phát triển của đô thị. Việc tham gia UCCN không phải là đích đến mà chỉ là khởi đầu của một hành trình chưa có tiền lệ. Với Đà Lạt, khi đã chọn lĩnh vực âm nhạc để xây dựng thành phố sáng tạo, chắc chắn các hoạt động liên quan tới âm nhạc như bảo tồn, đào tạo, sáng tác, quảng bá, trình diễn phải là nội dung ưu tiên trong chính sách phát triển, yếu tố quan trọng dẫn dắt thành phố trong tương lai. Đây là vấn đề mà cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải xem xét.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Quyền Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Michael Croft đánh giá cao những điều kiện thuận lợi của Đà Lạt đối với tiêu chí thành phố sáng tạo, đặc biệt là lĩnh vực điện ảnh và âm nhạc. Trên cơ sở đó, ông Michael Croft khuyến nghị địa phương sớm thành lập Ban chỉ đạo để kết nối với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, qua đó giúp Đà Lạt có cơ hội nối kết với các tổ chức quốc tế và các thành phố sáng tạo trên thế giới nhằm hỗ trợ địa phương trong xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp để trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO.

Ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho rằng, tham gia UCCN có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của thành phố. Đây là niềm tự hào, vinh dự, mang lại cho Đà Lạt động lực và cơ hội để mở rộng hợp tác và phát triển. Với những giá trị và thương hiệu làm nên tên tuổi như: Thành phố ngàn hoa, thành phố mộng mơ, thành phố tình yêu, hy vọng rằng, âm nhạc sẽ tạo nên giá trị mới, thương hiệu mới cho Đà Lạt trong tương lai. “Thời gian tới, thành phố sẽ nghiêm túc thực hiện các cam kết với UNESCO. Chúng tôi thực hiện các giải pháp, sáng kiến để vừa làm tốt công tác bảo tồn âm nhạc truyền thống, vừa thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình âm nhạc; đẩy mạnh hợp tác công-tư; có cơ chế phù hợp nhằm thu hút, khuyến khích hoạt động sáng tạo âm nhạc tại Đà Lạt; tuyên truyền và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân để cùng tham gia vào các hoạt động thúc đẩy thành phố phát triển theo đúng cam kết với UNESCO”, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt khẳng định.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.