QĐND - Di tích lịch sử Đảng ủy Dân chính đảng Trung ương Cục miền Nam nằm trong khu rừng nguyên sinh thuộc địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Cách đây 8 năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, khi tổ chức về nguồn, một số cán bộ từng tham gia hoạt động trong Đảng ủy Dân chính đảng Trung ương Cục miền Nam, luôn trăn trở, suy nghĩ về một nơi lưu giữ ký ức, kỷ niệm không thể nào quên của một cơ quan đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử vẻ vang của dân tộc. Mỗi lần gặp mặt kỷ niệm, ý tưởng đó lại nhen nhóm. Cách đây 2 năm, ý tưởng trên mới trở thành hiện thực khi Chủ tịch Hội đồng thành viên-Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn Nguyễn Văn Khởi (tên gọi thân mật là Bảy Khởi), đã đem suy nghĩ của mình chia sẻ với các chiến hữu hiện là lãnh đạo các doanh nghiệp thành đạt. Trong đó có một số bạn bè đã nhiệt tình ủng hộ và cam kết sẽ đồng hành cùng anh Khởi và Ban lãnh đạo Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối Đảng ủy Dân chính đảng Trung ương Cục miền Nam, chung sức đồng lòng xây dựng di tích này.

“Có bột mới gột nên hồ”. Sau khi có kinh phí, anh Khởi cùng một số cựu cán bộ, nhân viên Đảng ủy Dân chính đảng Trung ương Cục miền Nam soạn thảo, trình dự án và đã được các thủ trưởng cũ như nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho ý kiến và nhận được sự đồng tình ủng hộ. Với những trải nghiệm công việc nhiều năm qua, anh Bảy Khởi cho biết, dù là một trong những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhưng anh đã tìm một lối đi thích hợp trong thực hiện dự án di tích lịch sử này, tránh dùng quyền của Chủ tịch HĐTV-TGĐ “lấy phúc lợi của anh em làm từ thiện”. Được sự đồng thuận cao trong tổng công ty, anh giao cho các cơ quan chuyên môn như: Phòng Kỹ thuật, Đội thi công số 2 thuộc Xí nghiệp xây dựng và phát triển hạ tầng… cùng với sự tham gia tích cực của các cán bộ, nhân viên, nhất là đoàn viên thanh niên tham gia đóng góp công sức và ý tưởng sáng tạo của mình vào dự án. Ý tưởng mô hình “Chiếc mũ tai bèo” của anh Giải phóng quân do KTS Dương Dũng Nhân-Trưởng phòng Kỹ thuật phác thảo, đã được nhiều người tán thưởng. Cùng với sự hợp tác ăn ý của Nhà điêu khắc Trần Thanh Phong đã góp phần làm cho mô hình dự án thêm “thăng hoa”. Theo mô típ lâu nay, các nhà thiết kế mỹ thuật cho các hạng mục di tích áp dụng cho hầu hết khu vực Nam Bộ là: Khu lưu niệm có mái tam quan, có bia tưởng niệm, có lư hương, có cổng vào và hàng rào bảo vệ…

Di tích lịch sử Đảng ủy Dân chính đảng Trung ương Cục miền Nam đang được hoàn thiện các công đoạn cuối cùng.

Khác với thiết kế các khu di tích ở Nam Bộ, di tích Đảng ủy Dân chính đảng Trung ương Cục miền Nam mang biểu tượng “chiếc mũ tai bèo” trông “Dễ thương như một bàn tay nhỏ, chẳng làm đau một chiếc lá trên cành, sáng trên đầu như một mảnh trời xanh”-như nhà thơ Tố Hữu đã viết trong "Bài ca Xuân 68". Khuôn viên rộng 2000m2, khu di tích không có rào chắn. Hai bên là không gian “giới hạn tương đối” với cây lá rừng xen với cổ thụ là hàng trúc thấp chừng hơn 1,5m, giới hạn phía sau là bức phù điêu mô tả toàn cảnh sống làm việc và phục vụ công tác chiến đấu của Đảng ủy Dân chính đảng Trung ương Cục miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với chiều cao 3m, rộng 32m. Chiếc mũ tai bèo là hình tượng chủ đạo của di tích được thiết kế khung, mái bê tông cốt thép, vòm mũ sử dụng kính cường lực màu xanh lá bảo đảm cho Nhà lưu niệm luôn có ánh sáng tự nhiên, hài hòa, khiến ta cảm thấy khi đứng trong Nhà lưu niệm vẫn gần với rừng xanh và trời xanh, đứng trong Nhà lưu niệm vẫn có thể ngắm “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”! Có thể nói, Khu di tích Đảng ủy Dân chính đảng Trung ương Cục miền Nam sau khi khánh thành sẽ là một điểm nhấn lý thú trong hệ thống các khu di tích thuộc các cơ quan Trung ương Cục miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bởi thiết kế của khu di tích có hành lang có thể để xe gắn máy, đậu xe ô tô, là điểm dừng chân nghỉ ngơi cho du khách sau khi tham quan các khu di tích gần đó.

Anh Nguyễn Văn Khởi cho hay, sau khi biết sự nỗ lực của Ban vận động tài trợ và quyết tâm xây dựng dự án, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã quyết định hỗ trợ 1 tỷ đồng. Các đơn vị tài trợ đồng hành với dự án đã ủng hộ số tiền gần 3 tỷ đồng. Các cơ quan chuyên môn và đội thi công của Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn ủng hộ ngày công lao động, bản vẽ thiết kế... Ước tính công sức và tiền ủng hộ đóng góp khoảng 5 tỷ đồng để hoàn thành công trình ý nghĩa này. Nghe tiếng nói cười vui vẻ của anh Bảy Khởi cùng các kiến trúc sư, kỹ sư, công nhân, các đoàn viên thanh niên của Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn, chúng tôi cảm nhận được sự mãn nguyện, tự hào như chính họ đã và đang góp phần làm đẹp thêm trang sử hào hùng của dân tộc hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: TUYẾT HƯƠNG