Bức ảnh nổi tiếng này từng được đăng trên Báo QĐND tháng 2-1979, nội dung thể hiện tình cảm giúp dân sơ tán trong thời điểm chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979. Bà Mùi từng là chiến sĩ thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 19 vận tải, Sư đoàn 346, Quân khu 1, tham gia phục vụ chiến đấu tại Cao Bằng.

Chuyến đi nằm trong kế hoạch của Khoa Văn thư, Lưu trữ và Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đưa các học viên Lớp đại học báo chí quân sự Lào đi thực tế tại địa phương. 10 học viên Lào được lựa chọn tham gia, ai cũng có cảm xúc hào hứng. Chúng tôi có mặt tại sân trường lúc 5 giờ 15 phút để xe xuất phát lúc 5 giờ 30 phút, từ số 101 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội, lên đường đi Sơn Tây, hướng sang Việt Trì rồi chạy lên xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ quê hương của bà Mùi. Ngồi trên xe ngắm những triền đồi, những làng xóm, những khúc sông uốn lượn bên những hình cây bóng nước, trông phong cảnh thật hữu tình. Qua khu vực Việt Trì, Đại úy Nguyễn Minh Tuấn, thầy giáo của trường đi cùng chúng tôi, giới thiệu các di tích lịch sử và văn hóa, đặc biệt là Đền Hùng, làm cho chúng tôi càng cảm nhận niềm tự hào về đất nước Việt Nam và về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt-Lào.

Đoàn học viên báo chí quân sự Lào với nữ cựu chiến binh Bùi Thị Mùi và gia đình. 

Trong chuyến đi, các bạn học viên Lào rất phấn khởi và tạo ra nhiều tiếng nói, tiếng cười nên không khí thật vui tươi. Đến nhà bà Mùi vào lúc 8 giờ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Long (chồng bà Mùi) và bà Mùi đã đợi chúng tôi ở trước cổng nhà của mình. Bà Mùi phải ngồi trên xe lăn do bị tai nạn từ năm 2015. 

Chúng tôi tới bên bà, nắm tay hỏi thăm sức khỏe của bà. Bà cười hiền hậu, thân tình như một người bà đón những đứa cháu đi xa trở về quê nhà.

Thầy giáo Tuấn nói: “Giới thiệu với bà đây là các bạn học viên báo chí quân sự Lào đang học tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội”.

Bà Mùi tỏ ra ngạc nhiên: “Ô, thế à! Bà vui quá, được đón các cháu từ Lào đến thăm thì gia đình vui lắm. Mời các cháu vào nhà uống nước nhé”.

Rồi ông Long mang ra một rổ táo chín thơm từ trong nhà (do gia đình bà Mùi trồng) và rót chén trà của miền quê Phú Thọ mời chúng tôi.

Chúng tôi rất chú ý lắng nghe câu chuyện bà kể, cũng có chỗ hiểu và có chỗ chưa thật hiểu lắm vì chúng tôi là người Lào, chỉ có thầy giáo đi cùng là người Việt, nhưng chúng tôi cảm nhận rõ sự xúc động, niềm tự hào của bà trên khuôn mặt có nhiều nếp nhăn của người chiến sĩ là nhân chứng lịch sử, một thời cam go, ác liệt cùng dân tộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc mình.

Gần 11 giờ, gia đình bà Mùi đã làm cơm mời chúng tôi và khách đến thăm bà cùng dự, bữa cơm hôm ấy có nhiều món ăn ngon và có rượu trắng giống như người Lào tự nấu để tiếp khách. Chúng tôi vừa ăn vừa nghe những ca khúc nhạc Việt và nhạc Lào do bà Mùi tự mở trên điện thoại thông minh. Một bữa ăn ngon, thân tình khiến tôi nhớ mãi.

Đến 13 giờ, chúng tôi ra về và cảm ơn bà. Bà nói: "Bà cảm ơn các cháu đã đến thăm bà và đã quan tâm đến bà, hôm nay bà rất vui, bà chúc các cháu về trường bình an và học tập thật tốt".

Lên xe, chúng tôi quay đầu nhìn về hướng bà, tôi cảm thấy lòng xao xuyến như là bắt đầu một lần nữa xa nhà, xa quê hương. Trông bà Bùi Thị Mùi rất giống bà mình ở bên tây dãy Trường Sơn.

Bài và ảnh: Chuẩn úy XAY NHẠ KHAN VATHI

(Lớp đại học báo chí quân sự Lào khóa II, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.