Tọa lạc trên một gò đất cao ở đầu thôn Thụy Phiêu (hay còn gọi là làng Nhang Phiêu) thuộc xã Thụy An, đình Thụy Phiêu nằm tựa lưng vào núi Ba Vì, trông ra đầm Đượng. Tương truyền rằng, đầm Đượng là nơi diễn ra trận đánh lớn giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, Thủy Tinh bị thua phải thu quân chạy tán loạn thành 16 ngả. Vết tích hiện còn đó là một hồ nước lớn và khá dài trước sân đình. Trên phần đầu của cây cột cái bên gian trái của đình có khắc 3 dòng chữ: “Thôn Đông, giáp Nam. Đại Chính nhị niên. Tân Mão niên, thập nhị nguyệt, sơ thất nhật, tu lý” (nghĩa là: “Giáp Nam, thôn Đông, sửa ngày mùng 7 tháng 12 năm Tân Mão, niên hiệu Đại Chính năm thứ 2 (1531)”.

Đình Thụy Phiêu. 

Trước đây, đình Thụy Phiêu có kết cấu khung gỗ chịu lực chính giống như các ngôi đình truyền thống (trống bốn phía), nhưng sau một số lần tu bổ, ba phía (phía sau và hai bên) được xây tường gạch để tăng sức chống đỡ. Các bộ vì đỡ mái của đình đều được làm theo kiểu vì nóc giá nghiêng vì nách chồng rường trên mặt bằng 6 hàng cột gỗ. Hầu hết cột và các chi tiết khác đều được làm bằng gỗ mít, nhưng cũng có một số cột được thay bằng gỗ lim ở những lần tu bổ vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Trên kiến trúc gỗ, đình không được trang trí cầu kỳ nhưng các mảng điêu khắc trên vì nóc, bộ khung của sàn gác lửng đã đóng góp khá lớn cho các nhà nghiên cứu về mỹ thuật của người Việt qua các thời kỳ. Hình rồng chạm trên hai cột và dầm ngang của khám thờ được tạo tác muộn hơn với các chi tiết: Đao mác lớn mà nhọn sắc, các con thú nhỏ xen kẽ, mặt trời có vòng tròn thái cực… tiêu biểu của nghệ thuật thời Lê (thế kỷ XVII). Theo văn bia “Thụy Phiêu xã đình bi” thì đến năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1789), đình có hai hành lang hai bên nhưng đến nay không còn dấu vết. Trong khuôn viên khoảng 1.000m2 đã xây tường gạch bao quanh, vậy nên đình chỉ còn duy nhất 3 gian, 2 chái với 4 mái lợp ngói.

Anh Ngô Thanh Nhùy, Trưởng thôn Thụy Phiêu cho biết, do đình Thụy Phiêu nằm trong vùng văn hóa cổ Ba Vì, cũng như một số di tích ven chân núi nên đình thờ Đức Thánh Tản Viên làm thành hoàng làng. Trong cung thánh vẫn còn lưu giữ ba cỗ long ngai bên trên đặt ba bài vị có ghi: “Tản Viên Sơn Quốc Chủ Tam Vị Đại Vương” và các bản ngọc phả (thời Nguyễn) ghi chép về sự tích của các vị thành hoàng làng. Anh Nhùy cũng cho biết thêm, theo truyền thống hằng năm, làng Thụy Phiêu có hai kỳ mở hội là Hội xuân vào đầu tháng Hai âm lịch và Hội thu vào tháng Chín âm lịch, đặc biệt sôi nổi với hội đánh cáđể làm cỗ thờ Đức Thánh Tản Viên gắn với sự tích đức Thánh truyền nghề cho dân. Vào đầu Xuân Bính Thân 2016, cán bộ và nhân dân xã Thụy An tổ chức kỷ niệm 15 năm đình Thụy Phiêu được công nhận và xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia tại sân đình với nhiều hoạt động văn hóa dân gian, truyền thống đặc sắc, qua đó giáo dục người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản của địa phương.

Bài và ảnh: LÊ HIẾU