Chùa Bối Khê được khởi dựng từ thời Trần (năm 1338), với diện tích khoảng 5.000m2. Đây là ngôi chùa lưu giữ những hiện vật giá trị từ đời nhà Trần, xây dựng theo lối kiến trúc “nội công, ngoại quốc” và “tiền Phật, hậu Thánh”, bao gồm các hạng mục: Đền Đức Ông, vườn tháp, Ngũ môn quan, cầu gạch, tam quan, nhà bia - sắp lễ, chùa Phật, điện Thánh, nhà Tổ - nhà Mẫu và nhà khách.

Cổng chùa Bối Khê khác hoàn toàn với kiểu kiến trúc tam quan thường thấy. 

Từ xa nhìn lại, trước cổng chùa là bãi đất rộng, nơi xưa kia tuyển quân sĩ, có cây đa, cây bồ đề cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Bên cạnh đó, là vườn tháp gồm có 5 ngôi mộ tháp lưu giữ hài cốt, xá lị của các vị trụ trì qua các đời.

Cổng vào đầu tiên là Ngũ môn quan, đây là một điểm đặc biệt, ít gặp so với các ngôi chùa khác. Sau cổng Ngũ môn quan là chiếc cầu gạch bắc qua hồ nước nhỏ dẫn tới tam quan có hai tầng, tám mái, vừa làm cửa ra vào chùa Phật, vừa làm gác chuông. Trên gác chuông, có hai quả chuông từ thời nhà Trần, ghi lại việc thành lập chùa từ những năm đầu tiên.

Tiếp tới là sân chùa rộng rãi đặt lư hương và chiếc sập đá lớn, với những họa tiết độc đáo mang nét đặc trưng nghệ thuật của nhà Mạc. Trong khuôn viên chùa có rất nhiều loại cây được trồng, tạo ra bầu không khí trong lành, thuần khiết. Tham quan chùa, chúng ta sẽ bắt gặp được một loại cây đặc trưng, gắn liền với hình ảnh chùa Bối Khê, đó là cây sen đất.

Phía sau Ngũ môn quan là hồ nước, có cây cầu nhỏ bắc qua dẫn tới tam quan cũng chính là gác chuông. 
Lư hương và sập đá lớn trước Tiền đường. 

Đến phần chùa Phật gồm: Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện và hai hành lang. Tiền đường gồm một tòa bảy gian: Một giữa, hai bên, hai hồi, hai chái. Kết cấu bộ vì theo kiểu "chồng rường - giá chiêng”. Gạch bó nền tòa nhà mang phong cách thời Mạc với rồng, phượng, sư tử bố cục trong các khung hình chữ nhật và tròn.

Thiêu hương có cùng một cao độ nền với Tiền đường, kiến trúc tương tự, đều có bộ khung niên đại thời Nguyễn. Thượng điện là kiến trúc một gian - hai chái độc lập, có các đầu bẩy chạm hình rồng kiểu thời Trần.

Cây sen đất trong khuôn viên chùa Bối Khê. 
Chùa Bối Khê hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật khá nguyên vẹn, tiêu biểu như các linh vật đá, bia đá có niên đại lâu đời. 

Phía sau chùa Phật là phần điện Thánh bao gồm: Đại bái, ống muống và Hậu cung được kết nối theo hình chữ công (工). Điện Thánh được nối với hai hành lang của chùa Phật ở hai gian chái của tòa Đại bái.

Hậu cung điện Thánh là một tòa nhà có mặt bằng gần vuông, kích thước 5,58m × 5,55m, có kiến trúc hai tầng, tám mái bằng gỗ với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ mang họa tiết hoa sen, hoa cúc, rồng, mây…

Hậu cung thờ Đức Thánh Bối. 
Ban thờ Mẫu trong chùa. 

Bà Phạm Thị Liên (88 tuổi), người làng Bối Khê cho biết: “Chùa Bối Khê (Thanh Oai) và chùa Trăm Gian (Chương Mỹ) cùng thờ Đức Thánh Bối, là người có thực. Đức Thánh Bối chính là người làng Bối Khê, tên thật của ngài là Nguyễn Bình An (sinh năm 1281), là một thiền sư đắc đạo thời Trần. Sau khi ngài ngồi khám tại chùa Trăm Gian tỏa hương thơm, dân làng Bối Khê hay tin đã lên xin rước ngài về, nhưng ý nguyện của ngài muốn được lưu giữ hài cốt tại chùa Trăm Gian, chính bởi vậy hiện nay chùa Bối Khê đang thờ vọng ngài”.

Ngoài ra, chùa Bối Khê còn có một điểm độc đáo, phía sau khuôn viên chùa có căn hầm địa đạo từng là kiểu mẫu thời kháng chiến chống Pháp, được xây tháng 1-1948 với 3 ngách chính. Hầm có tác dụng chuyển quân dưới mặt đất và khi rút lui thì trở thành chỗ phòng thủ vững chắc. Tại đây, quân và dân làng Bối Khê đã đập tan 3 cuộc càn quét của giặc Pháp, tiêu diệt 372 tên địch.

Hầm địa đạo kháng chiến phía sau khuôn viên chùa. 

Anh Nguyễn Văn Công (tại Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ: “Đến với chùa Bối Khê tôi ấn tượng với khuôn viên chùa có rất nhiều loài cây. Đặc biệt, trong chùa có cây sen đất đã khiến tôi liên tưởng đến câu thơ “Hôm qua tát nước đầu đình/Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. Hằng năm, vào mỗi dịp đầu xuân tôi thường cùng gia đình đến đây để chiêm bái, cầu mong một năm mới bình an. Đây không chỉ là chốn tâm linh mà còn là di tích kháng chiến giữa lòng Thủ đô”.

Trải qua gần 700 năm lịch sử, qua nhiều đợt trùng tu lớn vào các đời Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn, đến nay, ngôi chùa còn giữ được khá nhiều dấu tích từ ngày khởi dựng. Chùa Bối Khê đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1979. Với những giá trị lịch sử trường tồn, chùa Bối Khê xứng đáng được nâng cấp xếp hạng lên di tích quốc gia đặc biệt.

Bài, ảnh: DIỆU HUYỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.