Hoàng Diệu tên thật là Hoàng Kim Tích, tự Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai. Ông sinh năm 1829, trong một gia đình có truyền thống Nho giáo tại làng Xuân Đài (nay thuộc xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Năm 1879, vua Tự Đức giao cho Hoàng Diệu làm Tổng đốc Hà Ninh, trấn giữ thành Hà Nội và các vùng phụ cận. Vừa ra đến Hà Nội, Tổng đốc Hoàng Diệu bắt tay ngay vào việc xây dựng, sửa chữa và củng cố thành lũy, huấn luyện binh sĩ sẵn sàng nghênh địch.

Di tích Cửa Bắc. 

 

Đã 143 năm trôi qua, nay được chạm tay vào bức tường thành rêu phong, nhìn những vết đạn pháo của thực dân Pháp năm xưa còn hằn in nơi cửa thành như đang kể lại câu chuyện bi hùng của quân và dân Hà Nội hơn một thế kỷ trước. Ngày 25-4-1882, với dã tâm thôn tính toàn bộ nước ta, quân Pháp nghênh ngang cho tàu chiến áp sát thành Hà Nội, gửi tối hậu thư yêu cầu Tổng đốc Hoàng Diệu tự phá hệ thống phòng thủ trong thành, giải giới binh sĩ và các vị quan trên dưới trong thành phải ra trình diện. Không chấp nhận “tối hậu thư” của quân thù, Tổng đốc Hoàng Diệu quyết cùng quân, dân trong thành tử thủ. Một trận quyết chiến xảy ra từ sáng đến trưa, binh sĩ ta dưới quyền chỉ huy của Hoàng Diệu đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Dù quyết tâm bảo vệ thành, nhưng trước ưu thế về vũ khí của quân Pháp và lực lượng quân triều đình ngày càng mỏng, cuối cùng, Tổng đốc Hoàng Diệu hạ lệnh cho quân lính giải tán để tránh thương vong.

Còn lại một mình, Tổng đốc Hoàng Diệu quay vào hành cung cắn đầu ngón tay lấy máu thảo di biểu tạ tội với nhà vua. Trong bức di biểu, Hoàng Diệu viết: "Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng...". Sau đó, Tổng đốc Hoàng Diệu đi thẳng đến Võ Miếu, cởi chiếc khăn đang bịt trên đầu, treo mình lên cành cây trước miếu mà tuẫn tiết đúng vào giờ Ngọ, ngày 25-4-1882 (tức ngày 8-3 âm lịch).

Khâm phục trước tấm gương Tổng đốc Hoàng Diệu thà chết chứ không chịu khuất phục trước quân thù, nhân dân và sĩ phu Hà thành lập bàn thờ ông bên cạnh vị quan Tổng đốc tiền nhiệm Nguyễn Tri Phương trên vọng lâu Bắc Môn. Quanh năm, người dân khắp nơi đều tới thắp hương tri ân hai vị anh hùng của dân tộc quên mình vì thành Hà Nội.

Di tích Cửa Bắc nằm trong quần thể Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, là một điểm đến thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế mỗi dịp đến thăm Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Bài và ảnh: HUỲNH VĂN TUẤN 

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.