Dù ở đâu, mỗi độ Tết đến, xuân về luôn là dịp dễ khiến cho những người đang đi xa nhớ về quê hương nguồn cội nhất, nơi có ông bà, cha mẹ, nơi có yêu thương tỏa lan từng ngày. Đặc biệt, Tết đến, những yêu thương ấy càng trở nên trọn vẹn hơn bao giờ hết. Trong tôi, những yêu thương, đoàn tụ ngày Tết chính là con đò chở về những ngày tháng ấm êm, giúp vơi đi bao phiền muộn, lo toan trong cuộc sống. Khi Tết đến, trong lòng mỗi người có nhiều cảm xúc trào dâng, công việc tất bật cả năm, đến những ngày cận Tết, ai cũng mong ngóng được trở về quê, được sum vầy bên những người thân để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vui buồn.

Một năm có thật nhiều ngày lễ tết lớn nhỏ, nhưng Tết Nguyên đán hay dân gian vẫn thường gọi là Tết Cả để phân biệt với những ngày tết khác trong năm, là dịp đoàn viên, gắn kết tình cảm sâu đậm nhất trong mỗi người. Tết là dịp vô cùng quan trọng mà trong ký ức mỗi người, dường như đó chính là nguồn cội, để khi mùa xuân ghé bước bên thềm nhà, trong lòng ai cũng chứa chan tình yêu thương, ước mong về sự đoàn tụ.

Không khí gia đình ngày Tết. Ảnh: TTXVN 

Người ta nhớ đến Tết còn bởi đó là thời điểm trời đất, con người giao hòa với nhau, hương xuân chan hòa muôn sắc. Thời điểm Tết là lúc mà ai cũng gieo trong mình một hạt mầm hy vọng về một năm mới bình an, hạnh phúc. Mọi thứ dường như trở nên tươi mới và náo nức hơn. Những ngày giáp Tết, nhà nhà tất bật chuẩn bị sắm sửa, trưng bày, cúng tiến, đây được coi là khoảng thời gian rộn ràng nhất trong năm. Khi Tết đến, trong những ngôi nhà chứa đựng hồn cốt gia phong xưa cũ, người người lo chăm sóc mồ mả ông bà tổ tiên cho thật trang trọng, chu đáo rồi mới yên tâm bắt đầu ăn Tết. Trong đạo thờ, ngoài việc tảo mộ thì dọn bàn thờ Tết cũng là cách mà người Việt bày tỏ lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên.

Dưới sự đảm đang, khéo léo của bàn tay các bà, các chị, những bữa ăn gia đình trở nên ấm cúng hơn, mọi người như xích lại gần nhau hơn bởi sợi dây tình yêu thương gắn kết. Cả nhà ngồi quây quần trông bánh chưng chín, hương bánh thơm nức bên những câu chuyện về một năm tất bật mưu sinh hay những ước mơ về tương lai tốt đẹp. Hương trầm thơm mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu, những chảo mứt, nồi bánh thấm đẫm hương vị quê nhà, nếp nhà ngày Tết là hũ dưa hành thơm phức khiến người xa xứ cảm thấy nao lòng, hương thơm của cỏ cây hoa lá khi xuân sang… Hương của Tết giản dị mà sao người ta lại nhớ đến thế! Có lẽ, những hương vị ngày Tết ấy đã hòa quyện trở thành hương vị của tình thân, của tình yêu thương sâu lắng. Cả nhà bên nhau vui vẻ trong ngày Tết là một cảm giác vô cùng hạnh phúc mà ai cũng mong muốn có được. Một cái tết sung túc không chỉ nằm ở những mâm cỗ thịnh soạn mà còn nằm ở sự tròn đầy của tình cảm gia đình.

Ngày Tết quây quần bên nhau trong hương xuân chan hòa, mọi lo toan thường nhật nhường chỗ cho tình thân ấm áp, những niềm vui nhen lên trong lòng mỗi người, trẻ già hoan hỷ chào đón xuân sang. Hương vị Tết cứ thế dần thấm sâu vào ký ức, vào tâm hồn mỗi người, tạo nên giá trị của nếp nhà ngày Tết, để mỗi dịp Tết đến xuân về, người ta lại không khỏi mong nhớ về quê hương nguồn cội, đó là nét đẹp văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi con người Việt.

Tết xưa, Tết nay đã có nhiều đổi khác, duy chỉ có tâm hồn mỗi người hướng về ngày Tết, hướng về những điều tốt đẹp mỗi dịp Tết đến xuân sang là dường như không thay đổi. Tết đến gọi yêu thương về thêm tròn đầy như cây cối mùa xuân đâm chồi nảy lộc, như hoa cỏ mùa xuân rực rỡ đắm say.

TƯỜNG VY