Theo báo cáo điều tra về thanh, thiếu niên Việt Nam năm 2024 của Viện Nghiên cứu Thanh niên (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), 44,1% thanh niên (trong độ tuổi từ 16 đến 30) được hỏi cho biết từng gặp vấn đề sức khỏe, phải sử dụng thuốc trong 12 tháng qua.

Sử dụng các thiết bị điện tử thông minh như điện thoại, máy tính là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em lười vận động. Ảnh minh họa: Vnexpress.net 

Trước đó, nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy ít nhất 30% người Việt Nam trưởng thành thiếu vận động thể lực. Tố chất thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam hiện bị xếp vào mức kém so với tiêu chuẩn. Nguyên nhân chính là thiếu thói quen luyện tập thể chất và thiếu sân chơi thể thao phù hợp trong cộng đồng. Những số liệu này cho thấy tình trạng đáng báo động về sức khỏe của thế hệ trẻ Việt Nam.

Có thể thấy đây là vấn đề chung của đất nước, đòi hỏi sự thay đổi, điều chỉnh trong chính sách, nhận thức... Tuy nhiên, dưới góc độ giáo dục, thiết nghĩ đã đến lúc ngành này cần đặt giáo dục thể chất ngang tầm với giáo dục tri thức, đạo đức. Nhiều phụ huynh đã chia sẻ với chúng tôi rằng thời gian bố mẹ và con còn lại trong ngày không nhiều. Phần lớn thời gian của trẻ nhỏ là ở trường.

Nhưng để học sinh có sự vận động, hiện nay, các trường phổ thông chỉ dựa vào 2 tiết thể dục/tuần trong chương trình chính khóa. Xét cho cùng, 2 tiết thể dục/tuần chẳng thấm vào đâu, khi mà các hoạt động thể lực thường phải được tập luyện thường xuyên và đều đặn để tạo thành thói quen. Vẫn biết là việc rèn luyện thể dục, thể thao cần sự làm gương từ người lớn và cần được thực hiện một cách tự giác, xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi người. Thế nhưng các nhà trường có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thói quen vận động từ nhỏ cho trẻ bởi trường học đang có sẵn cơ sở vật chất, giáo viên có trình độ chuyên môn để hướng dẫn cho học sinh.

THANH THỦY

 * Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.