Trước khi được biết đến với tư cách là người thiết kế nhiều công trình tượng đài của đất nước, KTS Lê Hiệp là giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Bên cạnh công việc dạy học, ông còn tìm những việc nho nhỏ để vừa làm nghề kiếm thêm thu nhập vừa giúp sinh viên thực hành. Quá trình này đã giúp ông có nhiều kinh nghiệm thực tế trong thi công.

 Đoàn viên, thanh niên tại Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn (Hà Nội). Ảnh: THÀNH TRUNG

Tên tuổi của Lê Hiệp vụt sáng từ một hoàn cảnh khá đặc biệt và bất ngờ. Năm 1992, khi đang làm thêm cùng mấy học trò ở nhà thì một nhà điêu khắc đến nhờ vẽ giúp phần kiến trúc cho một phương án dự thi. Hỏi ra thì đó là cuộc thi thiết kế Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn (quận Ba Đình, TP Hà Nội). Sau khi làm xong cho nhà điêu khắc, ông ngồi nghỉ, tiện tay cầm bút hí hoáy lên tờ giấy caro theo ý tưởng vừa xuất hiện, một khối âm hình ngôi miếu trong khối hộp đặc.

Mấy cậu học trò nhìn thấy reo lên: “Hay quá thầy ơi! Cái này mà đem đi dự thi, không đoạt giải mới lạ”. Thế là mấy thầy trò lập tức triển khai vẽ và làm mô hình. Nhưng lúc đó đã hết thời hạn dự thi. Nhờ sự giúp đỡ của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, phương án đã được Ban tổ chức bổ sung dự thi. Kết quả, tác phẩm của Lê Hiệp giành giải nhì.

Điều bất ngờ đã xảy ra, phương án được lựa chọn thi công lại là tác phẩm đoạt giải nhì của KTS Lê Hiệp chứ không phải tác phẩm giải nhất của người khác. Lựa chọn này do đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt duyệt. Nhớ lại khoảng thời gian đó, KTS Lê Hiệp cho biết: "Tất cả đều ngỡ ngàng! Tuy nhiên, ai cũng hiểu sự can thiệp đó là vì mục đích chung và thật sự trong sáng".

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người về một công trình tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ cần cao lớn, hoành tráng, đài tưởng niệm Bắc Sơn có kích thước vừa phải, cao 12,6m, nằm trong khuôn viên rộng 12.000m2. Đài tưởng niệm được khởi công ngày 7-4-1993, khánh thành vào ngày 7-5-1994, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Công trình được xây dựng với kết cấu bê tông, cốt thép, mặt ngoài ốp bằng đá hoa cương trắng ngà, tựa như ngọn nến khổng lồ thắp lên trời xanh.

Chia sẻ về ý tưởng thiết kế đài tưởng niệm Bắc Sơn, KTS Lê Hiệp cho biết, ông chỉ muốn tạo ra một miếu thờ cho các liệt sĩ. Các tướng lĩnh được thờ trong đền, còn nhân dân, chúng sinh được thờ ở miếu. “Cái miếu này không phải bằng cách xây lên hoặc đắp vào mà là khoét thủng. Một số phụ liệu đi kèm cũng là những gì người Việt thường dùng để tưởng nhớ người đã khuất: Hoa lá, cỏ cây, mây trời, hương khói... Một thứ điêu khắc không rõ chủ đề, không là cái gì, con gì hoặc ai đó. Tất cả chỉ có thế thôi”, KTS Lê Hiệp nói.

KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá, công trình đài tưởng niệm Bắc Sơn là một tác phẩm đỉnh cao của tác giả Lê Hiệp, kết tinh được nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Sự hiện đại, tiên tiến của một hình tượng kiến trúc suốt 30 năm vẫn nguyên vẹn, không bị lạc hậu. Tác phẩm này làm cho người Việt Nam thấy trong đó hình ảnh quê hương, đất nước thân quen, gắn với kết nối âm dương, mang tính giáo dục và lòng thành kính biết ơn tổ tiên với tinh thần cách mạng, với những người tiếp tục tiến về phía trước.

Từ sự thành công của tượng đài Bắc Sơn, KTS Lê Hiệp tiếp tục là tác giả của nhiều công trình tượng đài như: Đài tưởng niệm tỉnh Tuyên Quang, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, Nghĩa trang liệt sĩ Móng Cái (Quảng Ninh), Đài tưởng niệm Núi Nhạn (Phú Yên), Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tỉnh Bắc Ninh, Đền thờ Bác Hồ ở Pác Bó (Cao Bằng), Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long)...  

Những công trình này đều được giới KTS công nhận và đánh giá cao với nhiều sáng tạo. Phần lớn tác phẩm của KTS Lê Hiệp có tư duy sáng tác theo kiểu giải mã khái niệm, giải mã triết lý nên cô đọng, dễ hiểu, gần gũi, xuất phát từ cuộc sống. Đặc biệt, thành công nhất của những công trình tượng đài do ông sáng tạo là đã tạo ra yếu tố thiêng với mỗi người khi tới tham quan, tưởng nhớ về lịch sử, về quá khứ hào hùng của dân tộc.

KTS Lê Hiệp tên thật là Lê Đình Hiệp, sinh năm 1942, tại Thanh Hóa; tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, được giữ lại trường làm giảng viên. Nổi tiếng với các tượng đài, đài tưởng niệm, KTS Lê Hiệp còn tham gia thi công nội thất Bảo tàng Hồ Chí Minh.

KTS Lê Hiệp được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001), Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia các năm 1996, 1998, 2008, 2012, 2014. 

THU CÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.