Hưởng ứng chương trình xây dựng các sản phẩm du lịch “TP Hồ Chí Minh-Thành phố tôi yêu” do Sở Du lịch thành phố phát động và thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh về “Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút khách du lịch”, quận Tân Phú đã mạnh dạn phối hợp xây dựng và triển khai tour du lịch mang tên “Tân Phú-Đi là nhớ”.   

  Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh và các đại biểu tham quan Bảo tàng sâm Ngọc Linh trong hành trình “Tân Phú - Đi là nhớ”.Ảnh: KHÁNH GIANG 

Với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và tấm lòng của người dân vốn niềm nở, hiếu khách, quận Tân Phú đã đưa một số tài nguyên du lịch vào tour “Tân Phú-Đi là nhớ” nhằm đem đến cho du khách trong và ngoài nước một hành trình trải nghiệm thú vị tìm hiểu về vùng đất Tân Phú. Điểm nhấn nổi bật của hành trình du lịch này chính là Di tích lịch sử địa đạo Phú Thọ Hòa-một công trình độc đáo, đầy sáng tạo của quân và dân ta được xây dựng ngay những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1985, địa đạo được phục chế lại một đoạn dài 100m và đến năm 1996 được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Thời gian qua, di tích đã trở thành địa chỉ về nguồn nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Mới đây, khi đến thăm và làm việc với quận Tân Phú, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã dành thời gian đi khảo sát Di tích lịch sử địa đạo Phú Thọ Hòa. Đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu ngoài việc tiếp tục cải tạo không gian trong khuôn viên địa đạo, quận cần bổ sung thêm nội dung, tư liệu, hình ảnh để địa đạo mang tầm vóc lịch sử của một địa chỉ tiêu biểu về sự sáng tạo độc đáo của cha ông. Quận phải xây dựng nơi đây thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh đúng nghĩa. Cùng với đó, việc xây dựng nội dung thuyết minh ở địa đạo Phú Thọ Hòa phải mang đến những câu chuyện hấp dẫn, tạo ấn tượng cho du khách.

Trong hành trình “Tân Phú-Đi là nhớ”, du khách có thể thăm, tìm hiểu một số di tích nổi tiếng trên địa bàn như: Đình Tân Thới, chùa Pháp Vân (nắm giữ 3 kỷ lục Việt Nam) cùng với Bảo tàng sâm Ngọc Linh độc nhất vô nhị tại Việt Nam khi trưng bày hơn 400 hiện vật về giống sâm quý hiếm của nước ta. Ngoài ra, hình ảnh của sự phát triển kinh tế được thể hiện rõ nét trên con đường được mệnh danh “Chợ vải Phú Thọ Hòa” tấp nập, cùng trung tâm thương mại Aeon Mall chính là một trong những điểm hấp dẫn thu hút du khách khi đến với Tân Phú.

Quận ủy, UBND quận Tân Phú đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phát triển nhanh, mạnh, bền vững. Trong đó, việc phát huy tốt các tài nguyên du lịch để hình thành thêm nhiều tour, điểm đến du lịch mới, hấp dẫn, mang nét đặc trưng của địa phương, sẽ giúp du khách trong nước, quốc tế hiểu hơn về con người, văn hóa, lịch sử nơi đây. Đó cũng là một trục động lực quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn quận.

NGUYỄN CÔNG CHÁNH

(Phó chủ tịch UBND quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh)