Bước sang thế kỷ 20, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam hiện đại hình thành trong bối cảnh chế độ thực dân nửa phong kiến, đất nước bị thực dân Pháp đô hộ. Trải qua nhiều biến động lịch sử, giới văn nghệ sĩ đã đồng hành với toàn dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, hoàn thành sự nghiệp thống nhất, phát huy tinh thần sáng tạo trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, văn minh.

 Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng năm 2020.Ảnh: TUẤN ANH

Giới trí thức, văn nghệ sĩ hiện đại đã sớm ý thức về tinh thần yêu nước và khát vọng đấu tranh giải phóng dân tộc. Kể từ khi Đảng ra đời, trưởng thành qua phong trào dân chủ 1936-1939, đặc biệt với sự ra đời Hội Văn hóa cứu quốc (1941), nhiều văn nghệ sĩ từng bước giác ngộ cách mạng, nêu cao tinh thần yêu nước thương nòi, dấn thân vào cuộc đấu tranh xã hội. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, thế hệ văn nghệ sĩ tiền chiến vốn gắn bó sâu đậm với các trào lưu lãng mạn, hiện thực phê phán, các tổ chức, nhóm phái Tự lực văn đoàn, Tây Đô văn đoàn, Trường thơ Loạn, Sông Hương, Xuân Thu nhã tập... đã chuyển hóa “nhận đường”, kiên trì, bền bỉ, tích cực đem tài năng phụng sự cách mạng, cùng toàn Đảng, toàn dân tham gia vào cuộc trường kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một thế hệ văn nghệ sĩ trẻ trung, giàu tinh thần yêu nước, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng và được trang bị vốn văn hóa sâu rộng đã không quản ngại gian khổ lên đường vào chiến trường miền Nam. Lớp lớp văn nghệ sĩ-chiến sĩ đã trực tiếp tham gia chiến đấu và hy sinh trên tuyến đầu khói lửa. Tại các vùng đô thị tạm chiếm, nhiều văn nghệ sĩ đã xuống đường biểu tình chống Mỹ, đòi quyền dân sinh dân chủ, nối vòng tay đại đoàn kết dân tộc và phát động Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” với những ca khúc xuất sắc.

Trong 30 năm trường trải qua hai cuộc kháng chiến, nhiều văn nghệ sĩ đã anh dũng ngã xuống như: Trần Đăng, Thâm Tâm, Nam Cao, Tô Ngọc Vân, Hoàng Việt, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Trần Hữu Trang, Chu Cẩm Phong... để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng công chúng; minh chứng hùng hồn về lựa chọn lẽ phải, luôn đứng về phía nhân dân, đồng hành với đất nước, một lòng đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.

Từ dấu mốc đổi mới đến nay, đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Một cuộc chiến đấu mới cam go, phức tạp, có cả thù trong giặc ngoài, có cả thế lực thù địch và sự phân hóa nhận thức, hành động trong nội bộ đội ngũ chúng ta. Biết bao câu hỏi đặt ra: Ai kiên định vì nước, vì dân? Ai mở đường, thực lòng đổi mới? Ai bảo thủ, cản đường tiến bộ? Ai vô ơn, cơ hội, vị kỷ? Ai bè đảng, tham nhũng “vinh thân phì gia”?... Trong guồng quay và tác động của cơ chế thị trường, nhiều mặt trái xã hội nảy sinh thách thức con đường phát triển đất nước, trong đó tác động mạnh mẽ, trực tiếp tới giới văn nghệ sĩ. Trên thực tế, tuyệt đại đa số văn nghệ sĩ tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, sự điều hành của Chính phủ. Ngay trong hoàn cảnh gian khó, khi đất nước còn ở thời bao cấp, giới văn nghệ sĩ vẫn đồng lòng cùng dân tộc, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng. Chung tay cùng đất nước, các văn nghệ sĩ thêm một lần dấn thân “nhận đường”, “cởi trói” và thực hiện phương châm quyết không “bẻ cong ngòi bút, phải viết cái điều mình nghĩ”... Từ đây cả đội ngũ cùng suy tư, không chỉ nhìn nhận lại chặng đường đã qua mà chủ yếu trăn trở khai thông, tìm đường, mở đường phát triển. Chính giới văn nghệ sĩ đã góp phần thức tỉnh, dự báo, ghi dấu sự chuyển đổi nhận thức và được cụ thể hóa bằng những tác phẩm xuất sắc: “Thời xa vắng” (Lê Lựu), “Tôi và chúng ta” (Lưu Quang Vũ), "Chuyện tử tế" (Trần Văn Thủy), “Cái đêm hôm ấy... đêm gì” (Phùng Gia Lộc)... Nối tiếp tinh thần “tiếng hát át tiếng bom”, ngay giữa thời buổi khó khăn vẫn vang lên niềm lạc quan hướng tới ngày mai với những ca khúc: “Tàu anh qua núi” (Phan Lạc Hoa), “Một đời người một rừng cây” (Trần Long Ẩn), “Em ở nông trường em ra biên giới” (Trịnh Công Sơn)...

Trong thời kỳ đổi mới, trên lĩnh vực văn học, cả giới sáng tác và phê bình đi qua chiến tranh đã kịp thức tỉnh, nhìn nhận, đánh giá lại tác phẩm của mình và đối mặt với thực tại mới, cuộc sống mới. Những trang viết của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Chế Lan Viên, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo... thể hiện sắc nét khúc quanh của lịch sử dân tộc “một thời đạn bom, một thời hòa bình”, những tiếng nói hùng tráng thời trận mạc và giọng điệu đa thanh thời dựng xây, kiến tạo, đổi mới. Chính tinh thần “cởi trói”, không khí dân chủ và định hướng văn nghệ đúng đắn của Đảng đã góp phần quyết định mở đường cho sự ra đời những nhà văn tên tuổi như: Nguyễn Khắc Trường, Y Phương, Cao Duy Sơn, Nguyễn Quang Thiều, Hồ Anh Thái... từng bước đưa văn học Việt Nam giao lưu, kết nối, hội nhập cùng bè bạn bốn phương.

Sang thế kỷ 21, trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển vũ bão, đời sống văn nghệ gia tăng cả về những thuận lợi cũng như thách thức. Đã và đang xuất hiện những giao diện mới với những quan hệ phức hợp, chồng lấn của tư duy mới-cũ, chính trị-văn nghệ, nhân sinh-nghệ thuật, kinh tế-văn hóa, truyền thống-phi truyền thống, kế thừa-phát triển, dân tộc-quốc tế... Các chủ thể văn nghệ sĩ, trên từng vị trí cụ thể, sẽ phân tích, cảm nhận, đánh giá và lựa chọn phương thức ứng xử phù hợp. Trên tổng thể, thế hệ các văn nghệ sĩ trẻ sinh ra sau ngày đất nước thống nhất, kể cả sinh ra sau ngày đổi mới đã kế thừa xứng đáng truyền thống cha ông. Trong vận hội mới, các ngành văn học, nghệ thuật mở ra không gian của những chủ đề, nhân vật, thể tài, thể loại, phương thức nghệ thuật khác lạ, độc đáo (kỳ ảo, hiện thực huyền ảo, giả tưởng, nhại cổ tích, trinh thám, hậu hiện đại, tân hình thức, phi lý, nghịch dị, thị giác...). Đương nhiên trên nền tảng những nguyên tắc nghệ thuật và thực tế cuộc sống sẽ chọn lọc các giá trị và đào thải những thử nghiệm lệch lạc, xa lạ, tầm phào, dung tục, những lối giải thiêng cực đoan một chiều, đi ngược truyền thống tinh thần dân tộc.

Đối diện với thách thức của thời đại kinh tế thị trường và sự xuất hiện của trào lưu văn học kỹ thuật số, có thể nhận ra 3 dòng chảy sáng tác của giới văn nghệ sĩ đương đại. Thứ nhất, đội ngũ những người gắn bó với số phận đất nước, dân tộc, phản ánh đúng bản chất xã hội và hiện thực đời sống nhân dân. Họ kế thừa truyền thống, khai thác, biểu dương các giá trị nhân văn, tiến bộ, đồng thời phê phán quyết liệt cái xấu, cái ác, những kẻ thoái hóa, biến chất, tham nhũng, cơ hội. Có thể xem đây là dòng chủ lưu của đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng hiện nay, góp phần quyết định xây dựng nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thứ hai, có một bộ phận văn nghệ sĩ sáng tác cầm chừng, chất lượng trung bình, “khen tí chê tí”, vô thưởng vô phạt. Thứ ba, phải thừa nhận có một thiểu số cây văn nghệ quá tự thị với cái “tôi” cá nhân, ảo tưởng về tài năng của mình, không bằng lòng với tiêu chí giá trị và xu thế chung, đi đến gai ngạnh muốn “nói ngược”, “làm trái” muốn đập phá, phủ nhận, xô đổ mọi thần tượng, bất chấp thực tiễn cuộc sống và quy luật nghệ thuật.

Thực tế lịch sử và bài học kinh nghiệm đúc kết cho thấy mối quan hệ giữa văn nghệ sĩ với Đảng, Nhà nước ngày càng thêm bền chặt, phù hợp nhịp sống và xã hội hiện đại. Từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, các văn nghệ sĩ đều đóng góp vào sự nghiệp chung và cũng đều dự phần trách nhiệm, không thể buông bỏ “trừ mình ra”. Trong điều kiện hòa bình, đời sống vật chất ngày một nâng cao, không khí dân chủ lan tỏa. Các văn nghệ sĩ hầu hết có công ăn việc làm, không hiếm người đã có đời sống khá giả, được quyền cất lên tiếng nói cá nhân trên nhiều kênh truyền thông khác nhau. Ước nguyện có được tác phẩm lớn “xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta” phải hỏi ở chính trách nhiệm và tài năng các văn nghệ sĩ.

Xét đến cùng, mối quan hệ gắn kết văn nghệ sĩ với Đảng, đất nước, dân tộc chính là khát vọng sáng tạo của mỗi cá nhân và trách nhiệm trước sự nghiệp chung. Văn nghệ sĩ hôm nay cần đến bản lĩnh, nhân cách, khả năng dự cảm, dự báo góp phần mở đường cho đất nước phát triển, hội nhập sâu rộng với thế giới hiện đại.

PGS, TS NGUYỄN HỮU SƠN (*)

 

(*) Nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học