Ông Nguyễn Phi Dũng (sinh năm 1960), sinh sống tại TP Nam Định, tỉnh Nam Định. Ảnh hưởng bởi thói quen đọc báo của bố từ nhỏ, lớn lên, khi có thời gian, ông thường mua báo về đọc và lưu giữ. Ông Dũng tâm sự: “Ngày xưa bố tôi thường đọc báo, gom nhặt, đưa về nhà lưu giữ. Sau khi ông mất, tôi vẫn bảo quản số lượng báo của bố sưu tầm. Đến năm 2016, khi đủ điều kiện hơn, tôi mày mò đi tìm, lưu trữ các số báo thuộc thế kỷ trước”.

Ông Nguyễn Phi Dũng cầm trên tay tờ Báo Quân đội nhân dân số 91, xuất bản ngày 13-12-1953. 

Hàng nghìn tờ báo được ông Nguyễn Phi Dũng xếp gọn gàng chồng lên nhau trên chiếc giá cao quá đầu trong căn phòng rộng chừng 50m2. Trăn trở về phương pháp lưu giữ báo, ông Dũng tìm nhiều cách để bảo quản, lắp đặt điều hòa, thiết bị hút ẩm, thường xuyên duy trì nhiệt độ phòng ở 20-22 độ C để tránh mối mọt. Với những tờ báo đặc biệt quý hiếm, ông cất giữ vào thùng nhựa riêng, khách đến tham quan ông nhiệt tình mang ra, niềm nở giới thiệu lịch sử từng tờ báo.

Khó có thể kể hết số báo trong gia tài sưu tầm của ông Nguyễn Phi Dũng. Trong 20 tấn báo sưu tầm phải kể đến những số báo đầu tiên xuất bản bằng tiếng Việt là Gia Định báo, Phụ nữ Tân văn; những tờ báo gắn liền với cách mạng như: Cờ Giải Phóng, Độc Lập, Cứu Quốc, Quân đội nhân dân... cùng tạp chí văn hóa, văn học nổi tiếng một thời là Phong Hóa, Nam Phong. Hiểu được các số báo giấy xưa theo cùng năm tháng sẽ trở nên khó tìm, ông Dũng xem số báo mình sưu tầm là ‘‘báu vật” nên cất giữ cẩn thận. “Theo thời gian, những số báo sẽ bị mất đi, nếu như hôm nay không ai giữ gìn thì thế hệ sau khó tìm kiếm. Tôi muốn nhiều năm sau, báo giấy ghi lại sự kiện lịch sử của đất nước vẫn còn mãi và được thế hệ sau nâng niu, trân trọng”, ông Dũng chia sẻ.

Những số báo theo chiều dài lịch sử qua tay không biết bao nhiêu người và chứa đựng thông tin từ quá khứ vẫn luôn được ông Dũng cất giữ để khi những ai quý báo giấy tìm đến, muốn chạm vào, ông đều mang cho họ xem. Đối với mỗi số báo mà sở hữu nhiều tờ, ông dành tặng cá nhân, tổ chức cần. Ông nói: “Tôi vẫn dành tặng báo cho những ai thực sự quý báo, sẵn sàng chia sẻ bản scan tới các tổ chức để phục vụ việc lưu trữ tài liệu, thậm chí tặng báo cho họ”.

Báo giấy xưa như có duyên nợ với độc giả khi được người đam mê dành thời gian, công sức và tiền bạc tìm lại như một lời tri ân lặng lẽ, bởi vậy, người ta hay gọi ông Dũng là nhà sưu tầm báo chí. Nâng niu những tờ báo xưa trên tay, chính ông Dũng cũng cảm thấy sức nặng của thời gian, của lịch sử. Điều ông mong muốn không chỉ lưu giữ những ấn phẩm của cha ông mà còn giúp thế hệ sau hiểu hơn về giá trị của báo giấy như chính ông tâm niệm: “Tôi vẫn tiếp tục đi tìm, lưu giữ hiện vật bằng giấy và sẵn sàng chia sẻ tư liệu cho những người cần đến. Mong muốn lớn nhất của tôi là hàng trăm năm sau con cháu chúng ta nhìn lại, biết được ông cha ta đã sống, chiến đấu và lao động như thế nào”.

Bài và ảnh: LƯƠNG HIỀN