Lễ hội đền Hai Bà Trưng, Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, được tổ chức hằng năm tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, chính thức diễn ra từ mồng 6 đến mồng 10 tháng Giêng. Dịp này, lễ rước kiệu Hai Bà Trưng vào mồng 6 được người dân đặc biệt quan tâm. 

Ngày này, hai bên đường từ đình làng Hạ Lôi về đền có đông đảo người dân đứng xem đoàn rước. Đứng bên cạnh chúng tôi, tiếng kể chuyện về lịch sử đánh giặc của Hai Bà Trưng xen lẫn tiếng trầm trồ thán phục hòa với tiếng trống, tiếng chiêng khiến không khí lễ hội càng thêm tưng bừng, náo nhiệt. Thỉnh thoảng có người chỉ vào đoàn rước kiệu: “Ông kìa bà ơi”, “chị Linh kìa mẹ”, “bố ơi anh Chiến”... đầy tự hào. Với người dân Mê Linh, được tham dự lễ rước kiệu là may mắn và cũng là vinh dự.

leftcenterrightdel

Hình ảnh rước kiệu tại Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2023. 

Tôi chú ý tới giọng một người phụ nữ đang giảng giải với con gái của mình. Chị là Lê Minh Phương, đưa con gái từ Bắc Ninh sang chơi và dự lễ hội. Chị Phương cặn kẽ chỉ cho con: Kia là ngựa, voi của các tướng lĩnh ra trận cùng Hai Bà. Kia là những đội nghi trương hộ giá Hai Bà. Kia là kiệu Bà Trưng Trắc. Đây là kiệu Bà Trưng Nhị. Con chú ý nhé, nghi thức giao kiệu độc đáo lắm đó. Từ trong đình làng, kiệu bà Trưng Trắc đi trước. Khi đoàn rước kiệu ra khỏi cổng đình, kiệu bà Trưng Trắc dừng lại để kiệu bà Trưng Nhị đi trước. Khi đoàn rước kiệu về đến cổng đền, kiệu bà Trưng Nhị dừng lại để kiệu bà Trưng Trắc vào sân đền trước. Việc "giao kiệu" trong lễ rước kiệu là một nghi thức độc đáo, đặc sắc, chỉ riêng có tại Lễ hội đền Hai Bà Trưng ở làng Hạ Lôi, xã Mê Linh.

Ông Trần Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Mê Linh cho biết: “Năm nay, lần đầu tiên lịch sử hào hùng Hai Bà Trưng được tái hiện bằng công nghệ 3D mapping hiện đại. Ngoài các hoạt động rước kiệu, tế lễ theo nghi thức truyền thống địa phương, các hoạt động văn hóa-văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống, thi đấu thể thao diễn ra sôi nổi để phục vụ người dân và du khách, Lễ kỷ niệm 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai hội đền Hai Bà Trưng Xuân Giáp Thìn 2024 còn có Chương trình nghệ thuật trình diễn âm thanh, ánh sáng đặc sắc chủ đề “Âm vang Mê Linh”.

Đây là chương trình nghệ thuật bán thực cảnh, kết hợp công nghệ vẽ lại bức tranh oanh liệt thời Hai Bà Trưng bằng ánh sáng, mang đến cho người xem những trải nghiệm hình ảnh chân thực, sống động về câu chuyện lịch sử. Khán giả như được chứng kiến nỗi kinh hoàng trước cảnh nước mất nhà tan khi quân giặc đô hộ, cướp bóc, giày xéo nhân dân, cảnh rừng thiêng nước độc khi nhân dân phải đi tìm các sản vật cống tế hay khí thế hừng hực trong lời kêu gọi chiêu mộ nghĩa binh hội tụ, tế cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng”.

“Mê Linh-vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời. Đây là quê hương của Hai Bà Trưng, nơi lòng yêu nước được nuôi dưỡng, nơi Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng vương và định đô. Vì thế, nhân dân Mê Linh kỳ vọng chương trình trở thành sản phẩm văn hóa nghệ thuật, du lịch độc đáo; mang tính giáo dục trải nghiệm sâu sắc cho học sinh tại các trường học tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, tình yêu quê hương đất nước, ý chí tự lực tự cường của dân tộc”, ông Trần Mạnh Thắng bày tỏ.

Bài và ảnh: TRẦN TRƯỜNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.