Tại buổi khai mạc, Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với các nhà nghiên cứu văn hóa tổ chức phỏng dựng các nghi lễ truyền thống như: Đoàn rước dâng lễ cửa đình, lễ cáo yết Thành Hoàng và cúng tổ nghề, lễ dựng cây nêu…

Chương trình nhằm mục đích nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và quảng bá hình ảnh khu vực hồ Hoàn Kiếm, các tuyến phố cổ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.

Chương trình cũng mở rộng sự tham gia của cộng đồng hơn nữa, tạo cơ hội để người Việt khắp đất nước cũng như kiều bào ở xa Tổ quốc cùng hướng về cội nguồn, gắn kết với nhau, cùng chia sẻ những giá trị văn hóa đặc sắc vùng miền và chung tay tham gia vào các hoạt động bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Dưới đây là một số hình ảnh tái hiện "Tết Việt - Tết phố" diễn ra tại các tuyến phố cổ Hà Nội:

Phục dựng nghi thức treo cây nêu ngày Tết. 
Một lời chúc được người dân viết để treo lên cây nêu. 
Hoạt động nhận được sự quan tâm của những người tham gia. Tùy theo phong tục của từng địa phương, người ta thường treo một tờ giấy đỏ, giấy trắng, gói kim ngân, xôi màu và lông gà lên cây nêu. 
Diễn xướng múa "Con đĩ đánh bồng" dưới cây nêu. 
Dòng chữ "Năm Giáp Thìn Thịnh Vượng" với mong muốn một năm 2024 mưa thuận, gió hòa.
Phục dựng nghi lễ truyền thống với áo dài cổ phục.
Đoàn diễu hành áo dài truyền thống được tổ chức qua nhiều tuyến phố cổ. 
 
Các nghi lễ truyền thống như đoàn rước dâng lễ cửa đình, lễ cáo yết Thành Hoàng và cúng Tổ nghề được phục dựng tại các địa điểm lịch sử trên phố cổ.
Đoàn rước xuất phát từ Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây đi qua phố Đào Duy Từ, Ô Quan Chưởng, Hàng Chiếu, Hàng Giầy, đền Bạch Mã, phố Hàng Buồm, phố Tạ Hiện, rạp Chuông Vàng về phố Hàng Bạc và dừng tại đình Kim Ngân.  
Đoàn rước đi qua phố Tạ Hiện, một trong những tuyến phố cổ nổi tiếng của Hà Nội. 
Thiếu nữ Hà Nội trong trang phục áo dài truyền thống tham gia đoàn diễu hành.
Các hoạt động tái hiện không khí "Tết Việt - Tết phố" nhận được sự quan tâm từ báo chí và cộng đồng.
Đây là cơ hội tốt để quảng bá lịch sử, văn hóa, du lịch Phố cổ Hà Nội nói riêng, quận Hoàn Kiếm nói chung tới du khách trong nước và quốc tế trong dịp Tết Nguyên đán.

TUẤN SƠN – AN KHÁNH (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.