Nhà văn Y Ban

Tôi vô tình đọc được những dòng viết rất hay về cái gọi là giải thưởng văn học trên blog của Đoàn Minh Phượng–người mới đây đã đoạt giải nhất về văn học Việt Nam với tiểu thuyết “Và khi tro bụi”. Những trăn trở này của chị đã tìm được sự đồng cảm từ rất nhiều cư dân mạng:

“Một giải thưởng văn học không làm cho tác phẩm hay hay dở hơn bản thân nó. Nói một cách tuyệt đối, giải thưởng không làm tăng hay giảm giá trị tác phẩm. Nhưng giờ phút này, ở đây, giải thưởng này có ý nghĩa với tôi. Tôi tin rằng, chúng ta cần có các giải văn học. Lúc này là lúc người viết dễ bỏ cuộc nhất, họ ở nowhere land. Phần lớn người đọc trí thức chê văn học của người Việt viết, còn người đọc không trí thức thì không màng tới văn học…

Số người viết ở nước ta không nhiều. Trong môi trường này, điều đó dễ hiểu. Chắc chắn là có nhiều người tài năng đáng lẽ đã viết, nếu có một môi trường, một không khí tốt hơn. Cứ vài thế kỷ có thể có một thiên tài từ trời rơi xuống bất kể môi trường ra sao, nhưng chuyện đó hiếm. Thông thường thì phải có rất nhiều người bắt đầu đi, để có vài người đến nơi. Các bạn có xem phim các con rùa biển đi đẻ trứng trên động cát không? Các bạn có nhớ sau khi trứng nở, có bao nhiêu con rùa con không ra được đến biển không? Vì sức yếu hoặc bị chim ăn, vô số chết trên đường. Số ra đến biển rất ít, ít một cách vô vọng. Nhưng con số dù ít ỏi, tất cả loài rùa vẫn phải sống cho ngày đẻ trứng. Đến mùa, các con rùa lớn lặn lội hàng chục nghìn ki-lô-mét, quay về những bãi mà chúng biết, vất vả đi lên động cát, đẻ một ổ trứng, hoàn toàn không biết có con rùa con nào từ những cái trứng mình đẻ sẽ đến được biển không. Qui luật của thiên nhiên bắt rất nhiều con phải chết trên đường để chỉ vài con sót lại như vậy, thì qui luật của văn học không có lý do gì mà ít hà khắc hơn. Nhưng hiện giờ, chúng ta có rất ít trứng trên cát. Những con rùa lớn không màng đi đẻ trứng, cũng không ai khuyến khích cả. Chỉ có một sự lạnh lùng khủng khiếp…”.

Bìa của tác phẩm đoạt giải.
Mang theo những suy nghĩ thấu đáo và sâu sắc này, tôi tới gặp nhà văn Y Ban. Nắm giữ một công việc khá quan trọng ở tờ báo Giáo dục & Thời đại, nữ nhà văn tiếp tôi vào giữa trưa ngay khi tôi gọi tới và cởi mở: Mọi người thường nói tôi là người sát giải. Tôi gia nhập làng văn chương với một giải nhất trong cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1989-1990 cùng chùm truyện ngắn: “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ”“Người đàn bà có ma lực”. Con đường văn chương từ đó như trải thảm dưới chân tôi. Nhưng tôi cũng bị một sức ép rất lớn là nếu mình viết tiếp, liệu những tác phẩm sau có vượt, có bằng được những tác phẩm trước hay không? Tôi đã mất gần 2 năm để loay hoay với câu hỏi đó. Và cuối cùng đã tự dứt ra được bằng một câu khẩu hiệu: “Trăm bó đuốc bắt được một con ếch” chứ không phải “Gà đẻ trứng vàng”. Cũng phải nói thêm là trong tôi có cái máu phiêu diêu, thích đánh bạc với cuộc đời, nên tôi rất thích các cuộc thi. Ít nhất nếu đoạt một giải nào đó, tôi cũng sẽ được nhận một khoản tiền, chắc chắn phải hơn rất nhiều số tiền nhuận bút văn học bèo bọt hiện nay. Vả lại tôi quan niệm, mỗi nhà văn không nên chỉ được nhắc tới với một tác phẩm, dù đó là một tác phẩm đỉnh cao.

Với tôi, các tác phẩm được giải cao trong các cuộc thi cũng không phải là tác phẩm đỉnh cao. Bởi vì những cuộc thi chỉ gói gọn trong một barem và một tiêu chí nào đó, ban giám khảo cũng thường phải chấm các tác phẩm trong tình trạng “Trăm bó đũa chọn cột cờ”. Cho nên tác phẩm được giải trong một cuộc thi nào đó hoàn toàn không phải là thước đo của văn học thời điểm đó. Trong đời sống văn học Việt Nam, có một giải thưởng được rất nhiều người quan tâm và kỳ vọng là giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Ý kiến chủ quan của tôi là mọi người thay vì kỳ vọng vào nó để rồi thất vọng thì hãy thôi đừng kỳ vọng nữa! Suy cho cùng, nó cũng chỉ là một giải thưởng mà thôi. Một giải thưởng do một ban giám khảo định ra. Mà ban giám khảo là ai? Là những con người. Mà phàm đã là con người thì bị phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan: môi trường, tâm sinh lý… Nếu sau một đêm thức dậy được thỏa mãn thì chắc chắn ngày hôm đó họ chấm văn sẽ rộng tay hơn. Và việc chấm văn của người này người nọ cũng còn tùy thuộc vào cái gu của mỗi thành viên trong ban giám khảo nữa. Theo ý kiến chủ quan của tôi, một số nhà văn Việt Nam gu rất chật hẹp. Vì cái gu này phụ thuộc rất nhiều vào phông văn hóa và phông học thức của họ. Nếu là người viết văn đơn thuần, được trời cho tài năng, chỉ cần biết đọc, biết viết, sau một cơn ốp đồng cũng có thể cho ra một tác phẩm hay. Hay đến mức chính người viết hôm sau đọc lại cũng phải ngỡ ngàng sao mình có thể viết được như thế! Còn ở vị trí của người phải đối diện, phải nhìn nhận, đánh giá tác phẩm của rất rất nhiều người khác thì buộc phải cần đến học thuật. Tôi muốn nói thêm một điều này, cả người viết lẫn người chấm việc viết đừng phải lo tới chuyện độc giả sẽ hiểu hay không hiểu tác phẩm của mình. Ngày nay độc giả được trang bị để thu nạp kiến thức nhanh hơn các nhà văn của chúng ta rất nhiều, vì thế, với một tác phẩm nào đó, nếu nhóm người này không hiểu sẽ có nhóm người kia hiểu. Họ không cần phải tới 50 năm hay hơn nữa mới có thể hiểu được tác phẩm này hay tác phẩm kia…

Nói chung, với cả hai nữ tác giả có duyên trong việc nhận được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam này, các giải văn học cần phải được củng cố, cần gây được lòng tin, cần có một giá trị đích thực, gây kích thích cho người viết, chứ cứ bắt dòng văn học phải “chảy âm thầm” lâu ngày không ra nắng, có lúc sẽ tắt mất.

Âu đó cũng là nỗi lo chung của nhiều người…
Tuyết Lan