Sau nghi lễ, Đại tướng vẫy tay chào nhân dân có mặt trước khu vực cổng nghĩa trang đang chờ đón được nhìn ngắm những người lãnh đạo cao nhất của Quân đội. Người dân vui mừng chào đón Đại tướng, nhiều người khác ùa đến gần hơn... Đã ngồi trên xe, chuẩn bị di chuyển, Bộ trưởng vẫn nán lại, mở kính xe, chìa tay chào bà con. Những cái nhìn hồ hởi, tươi rói. Những cái bắt tay thật chặt. Ấm áp. Chan hòa. Gần gũi. Đó là cảnh bịn rịn chỉ có ở những người ruột thịt trong gia đình lưu luyến lúc chia tay, người đi, người ở...
Người may mắn chụp được bức ảnh-tác giả Mạnh Quân tâm sự: “Tôi dự đoán người dân sẽ tiếp tục chờ Đại tướng khi ông rời nghĩa trang nên tôi chủ động chờ để chụp khoảnh khắc chia tay. Song tôi không lường trước được tình cảm của người dân lại “dâng cao” đến thế”. Là người trong nghề, anh “giải mã” ý nghĩa tinh tế của bức ảnh mà bất cứ phóng viên ảnh nào cũng mong muốn được sở hữu một lần trong đời: “Bức ảnh không thể trọn vẹn chi tiết vì lúc đó quá đông người, song tôi nghĩ bức ảnh đã đáp ứng được tính thời sự, tính chân thực. Đặc biệt, bức ảnh truyền tải thông điệp rõ ràng, thể hiện tình cảm tin tưởng của người dân với Quân đội, thể hiện Quân đội ta từ nhân dân mà ra, gắn bó máu thịt với nhân dân. Vì thế, tôi không mất nhiều thời gian để đặt tên cho bức ảnh là "Đại tướng trong vòng tay nhân dân". Tại Lễ trao giải Cuộc thi ảnh “Chân dung người chiến sĩ” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức vừa qua, bức ảnh này được trao giải A hạng mục ảnh đơn là hoàn toàn xứng đáng.
 |
Tác phẩm "Đại tướng trong vòng tay nhân dân". Ảnh: MẠNH QUÂN |
Nhiếp ảnh tư liệu miêu tả cuộc sống đời thường, ghi lại hình ảnh tiêu biểu, chân thực về lối sống, tập quán sinh hoạt đang diễn ra. Nó đòi hỏi tính ẩn dụ dồn nén cao, vì đằng sau mỗi bức ảnh phải là cả một câu chuyện, thậm chí là cả một tư tưởng thời đại. Bức ảnh "Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn" của Lâm Hồng Long được đánh giá cao, trở thành một biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc. Bác hiện lên thật giản dị, gần gũi như một người cha, người ông, thần thái ung dung, tự tại như một vị tiên. Bác cầm đũa chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nhưng người xem lại hình dung Bác là người nhạc trưởng vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam. Ẩn dụ tạo ra liên tưởng là vậy. Đằng sau những bức ảnh giá trị là cả một tâm hồn, một tấm lòng. Những bức ảnh Bác Hồ bế hay bón cho cháu bé ăn cũng là những ẩn dụ tạo ra nhiều liên tưởng về Bác là người cha, người ông chăm sóc nâng niu con cháu mình. Đó là cái đẹp của bản chất cuộc sống, từ tinh hoa cuộc sống, tự nhiên, không sắp đặt. Thế nên để có một tấm ảnh tư liệu mang tính truyền cảm cao không dễ, có thể mất hàng năm kiên trì. Tất nhiên có may mắn. Nhưng để có khoảnh khắc “giời cho”, có khi trước đó phải chờ đợi nhiều năm tháng!
Xin phép được nói mấy suy nghĩ về tấm ảnh trên.
Khách đà lên ngựa, người còn nghé theo...
Bức ảnh đưa liên tưởng người xem về với "Truyện Kiều" có cuộc gặp gỡ rồi chia tay giữa Kim Trọng và Thúy Kiều. Chàng Kim “Dùng dằng nửa ở nửa về” nhưng rồi cũng phải lên ngựa để nàng Kiều “nghé theo”. Mô típ “Người ơi người ở đừng về” vốn sâu đậm, nồng nàn trong văn hóa Việt. Những cảnh chia ly vợ chồng, người yêu, bạn bè trong thơ trung đại hay ca dao, những câu hát da diết luyến láy ở màn “giã bạn” của dân ca quan họ Bắc Ninh... luôn làm xao xuyến lòng người. Có thể không chủ ý thế, bức ảnh trên nói về thời sự hôm nay nhưng vô tình gợi mở trong tâm thức một trường liên tưởng về truyền thống mỹ học dân tộc, cả cảnh, cả tình, làm toát lên một niềm tin ấm áp mang bản sắc Việt nhân văn, yêu thương, quý trọng con người, ân tình đồng bào, nghĩa ân bè bạn.
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cảnh người dân Việt Bắc tiễn người cán bộ về xuôi thật xúc động trong thơ Tố Hữu: Tiếng ai tha thiết bên cồn/ Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi/ Áo chàm đưa buổi phân ly/ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay (Việt Bắc). “Buổi phân ly” ấy diễn ra sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, còn “buổi phân ly” trong bức ảnh diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm chiến thắng. Cách nhau 70 năm, khác bối cảnh nhưng chung cái ý bịn rịn chia tay của tình đoàn kết quân dân cá nước, như những người thân, như anh em trong nhà. Chắc nhiều người sẽ liên tưởng tới hình ảnh cháu bé Làng Nủ (Lào Cai) ôm chặt anh bộ đội trẻ, như không muốn anh về đơn vị sau khi anh hoàn thành nhiệm vụ cứu hộ bà con trong thiên tai sạt lở đất gần đây. Những chi tiết ấy đã nói rất tự nhiên mà sâu sắc, thấm thía về anh Bộ đội Cụ Hồ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, coi dân là cha mẹ, sẵn sàng hy sinh để giúp dân, vì dân.
Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm
Trong bài thơ "Hơi ấm ổ rơm", với hình tượng độc đáo mà dung dị, đời thường, nhà thơ Nguyễn Duy có hai câu khái quát về hình tượng nhân dân “sưởi ấm” cho bộ đội: Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm/ Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng. Đêm lạnh, hành quân qua đường, anh bộ đội vào nhà dân ngủ nhờ, được bà mẹ lót cho ổ rơm thật ấm. Chỉ là cái ổ rơm thôi, giản dị, đơn sơ nhất nhưng nói được nhiều nhất về tình thương bao la, sâu nặng của tình dân. Từ bức ảnh trên, người xem cũng thấy toát ra cái ý nhân dân “bao bọc” anh bộ đội như trong "Hơi ấm ổ rơm" ở thời chống Mỹ. "Đại tướng trong vòng tay nhân dân"-có lẽ không một tên gọi nào phù hợp, hay hơn, bởi đã gợi một cách trọn vẹn, sinh động cả về nội dung và hình thức, ý nghĩa của thông điệp: Quân đội ta là con đẻ của dân, từ dân mà ra, được dân bao bọc, che chở, nuôi nấng. Lại có bối cảnh Điện Biên hôm nay đã đưa người xem trở về với hôm qua để hình dung nhân dân sát cánh cùng bộ đội làm nên một Điện Biên lịch sử. Xin phép dẫn lại vài số liệu: Chiến dịch huy động hơn 261.000 lượt dân công với 12 triệu ngày công phục vụ chiến dịch; nhân dân cung cấp 23.126 tấn gạo, 922 tấn thịt, 800 tấn rau, 226 tấn muối... Thời chống Mỹ, với khẩu hiệu “Xe chưa qua nhà không tiếc”, nhiều người dân dỡ ngôi nhà của mình-niềm thiêng liêng nhất, làm đường để cho xe ra tiền tuyến. Hàng triệu bà mẹ tiễn con-niềm quý giá nhất, ra trận. Có bà mẹ tiễn 8, 9 người con... Có nhiều bà mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ...”. Nhân dân đã làm điểm tựa để Quân đội chiến thắng. Bức ảnh đã nói thay niềm biết ơn của Quân đội với nhân dân!
Quân dân đoàn kết, là đường thành công
Ngày 3-3-1952, trên Báo Nhân Dân, Bác Hồ có bài viết "Tình đoàn kết quân dân ngày thêm bền chặt". Thay mặt bộ đội, Bác nói “rất biết ơn và yêu mến nhân dân”. Thay mặt nhân dân, Bác nói “rất biết ơn và yêu mến bộ đội”. Bác “lẩy” ca dao, rất tinh tế, ý vị: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Quân dân đoàn kết, là đường thành công.
Bức ảnh trên đã chạm được tới tư tưởng đoàn kết lớn lao của Bác Hồ!
Bức ảnh ấy đưa người xem đến với những hình ảnh rất thực về anh bộ đội hôm nay có mặt ở những nơi nguy hiểm nhất, trong hỏa hoạn, bệnh dịch, dầm mình trong thiên tai mưa bão... để cứu dân, bảo vệ tính mạng, tài sản của dân. Ở nơi biên giới, hải đảo, bộ đội hòa mình, gắn bó mật thiết với dân, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” với dân... Bộ đội là niềm tin của dân, là điểm tựa của dân!
Một tấm ảnh tư liệu có giá trị giúp ta nhìn thấy cả một tương lai, một chân trời hy vọng. Bức ảnh "Đại tướng trong vòng tay nhân dân" góp phần sinh động hóa câu thơ chắc chắn một niềm tin của Bác Hồ-là nguyên lý cách mạng, là chân lý lịch sử, cũng là đạo lý dân tộc: Quân tốt dân tốt/ Muôn sự đều nên/ Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân!
NGUYỄN THANH TÚ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.