Giỗ Tổ được coi là dịp sum họp quây quần của nhiều gia đình có người thân đi làm ăn xa. Những người già ở quê thường không niềm vui gì bằng ngoài mấy ngày lễ, tết lớn nhỏ trong năm, chờ con cháu về sum họp.
Mẹ tôi đã để phần sẵn những chú gà ngon nhất, gạo nếp thơm, lá dong gói bánh chưng thì ngoài vườn có sẵn. Chỉ còn thiếu những cánh tay chắc khỏe để giã bánh giầy. Ở quê tôi, nhiều nhà vẫn giữ thói quen ăn “Tết” ngày Giỗ Tổ để tưởng nhớ, tri ân công lao của các Vua Hùng. Đây chỉ là cái cớ để con cháu dù đi xa đến đâu cũng nhớ trở về. Tuy không tổ chức lễ hội hay cỗ bàn linh đình nhưng cũng có mâm cơm tươm tất thắp hương tiên tổ.
 |
Lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Chinhphu.vn |
Ở quê tôi cứ đầu tháng Ba (Âm lịch), khi những cây gạo nở đỏ góc trời thì cũng là lúc mọi người trong làng rục rịch rủ nhau đi hội Đền Hùng. Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi…, mỗi đoàn thể đều tổ chức cho hội viên đi dâng hương Đền Hùng. Dù bận rộn thế nào mẹ cũng thu xếp công việc để đi. “Người dân trên mọi miền đất nước và cả kiều bào ở nước ngoài, xa xôi thế còn gắng tìm về. Mình ở đây, cách vài chục cây số thì nhất định phải đi”. Mẹ thường nói thế lúc í ới gọi điện rủ mấy chị em hàng xóm sang đồ xôi giã bánh giầy. Gạo làm bánh được mẹ chọn kỹ lắm. Nhất định phải là loại nếp nương thơm, dẻo. Hạt nào hạt ấy tròn đều, căng mẩy. Những người giã bánh giầy ngon nhất làng bây giờ đều đã già rồi. Họ là những người đàn ông từng rất khỏe mạnh, lực lưỡng, có sức bền, giã đều tay. Giã càng lâu càng kỹ thì bánh càng mịn càng ngon. Bố tôi là một trong số đó. Nhưng qua mỗi mùa giã bánh giầy bố thấy mình không còn khỏe nữa. Xương khớp đã rệu rã lắm rồi. Việc giã bánh giầy nhường lại cho thế hệ cháu con.
Mấy năm qua do dịch bệnh, Giỗ Tổ chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức các nội dung phần hội, tránh tập trung quá đông người. Năm nay Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ năm 2023 đã được tỉnh Phú Thọ chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo. Không chỉ đảm bảo phần lễ thành kính, trang nghiêm mang tính cộng đồng sâu sắc, mà các hoạt động phần hội cũng sẽ được tổ chức vui tươi, lành mạnh gắn kết với du lịch, nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị của di sản văn hóa độc đáo vùng đất Tổ. Khỏi phải nói, người dân quê tôi háo hức thế nào. Trẻ thì rủ nhau đi ngày chính hội cho vui. Người lớn tuổi thì bảo nhau đi từ mồng Một, mồng Hai âm lịch cho thong thả, người ít tha hồ mà vãn cảnh đền. Ai không đi được thì giờ cơm tối ngồi quây quần cùng gia đình, mở ti vi xem đài truyền hình tỉnh nhà cập nhật đầy đủ lễ hội, mãn nhãn từ âm thanh đến màu sắc. Cứ như thể ở ngay tại nhà cũng nghe thấy tiếng trống đồng vang vọng đâu đây…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Ngày 25-4 (tức ngày 6-3 âm lịch), đoàn kiều bào gồm 75 đại biểu trở về từ 23 quốc gia trên thế giới do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Phạm Quang Hiệu dẫn đầu đã đến dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ)
Sáng 23-4, tại hồ Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023 tổ chức Hội bơi chải mở rộng năm 2023 với sự góp mặt của 9 đội chải và hơn 270 vận động viên thuộc các địa phương trong tỉnh gồm: Bạch Hạc, Dữu Lâu, Phượng Lâu, Trưng Vương, Sông Lô và đội huyện Cẩm Khê, Đoan Hùng, Thanh Thủy và Tam Nông.