Tại buổi phát động, họa sĩ Lý Trực Dũng, thành viên Ban giám khảo nhấn mạnh, ở Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến cứu quốc, biếm họa đã trở thành vũ khí sắc bén. Tuy nhiên sau khi đất nước hòa bình, đổi mới có rất nhiều vấn đề của xã hội, nhưng mảng biếm họa trên các báo chí thưa dần. Đến hay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay cơ quan báo chí còn sử dụng biếm họa. Bất cứ xã hội nào trong công cuộc xây dựng đất nước đều có những vấn đề cần đến biếm họa để soi rõ những đổi thay, những tồn tại mang đến người xem những giá trị mà chỉ biếm họa mới có thể làm được.

Ban tổ chức giới thiệu Giải Biếm họa báo chí Việt Nam-cúp Rồng Tre lần thứ V. 

Theo họa sĩ Lý Trực Dũng, biếm họa báo chí có những giai đoạn đã phát huy rất hiệu quả, nhưng nhiều năm nay, dường như thể loại này đã “ngủ đông” quá lâu. Khi Báo Thể thao và Văn hóa phát động và tổ chức Giải Báo chí biếm họa lần đầu tiên (năm 2007), giới họa sĩ trong cả nước đã rất ủng hộ. Những tên tuổi một thời đại diện cho biếm họa Việt Nam như: Phan Kế An, Phạm Tấn Phú, Võ An Lai… đã vui mừng trở lại. Họ là những người được biết đến với những tác phẩm biếm họa đoạt giải thưởng lớn trong nước và quốc tế; nhiều tác phẩm được sáng tác trong những căn hầm tối phải thắp đèn dầu, để rồi sau những loạt bom B52 của Mỹ dội qua, là hàng chục bức biếm họa của các họa sĩ được treo quanh khu vực Hồ Gươm, mang ý nghĩa đả kích sự hung tàn của giặc Mỹ, lên án chiến tranh và kêu gọi sự ủng hộ hòa bình của toàn nhân loại. Và vì thế, trong 4 mùa giải phát động trước, những cái tên của các họa sĩ kể trên đã đóng góp cho sự thành công của Giải Biếm họa.

Lý giải vì có sự gián đoạn sau 3 năm mới tổ chức lại, ông Lê Xuân Thành, Tổng biên tập Báo Thể thao và Văn hóa cho biết, mặc dù nhận được sự ủng hộ và cổ vũ nhưng kêu gọi các nhà tài trợ cho giải thưởng này khá khó khăn. Họa sĩ Thành Chương, thành viên Ban giám khảo cũng cho hay, lịch sử của biếm họa báo chí Việt Nam có gần 100 năm. Trong hai cuộc kháng chiến, thể loại này rất dễ đăng tải và được các cơ quan báo chí sử dụng, điển hình là Báo Quân đội nhân dân, Báo Nhân Dân… Báo Văn nghệ mỗi số báo dành riêng một trang cuối để biếm họa thể hiện các vấn đề như một trang báo, các họa sĩ thỏa sức thể hiện. “Trong thời kỳ đổi mới, biếm họa hoạt động rất khó khăn, dường như các báo dè dặt, có lẽ ta không thể cứ thường xuyên châm biếm những thứ ta làm… Còn thời kỳ chiến tranh ta có địch để đả kích, biếm họa thể hiện sâu sắc”, họa sĩ Thành Chương nói.

Triển lãm “96 năm biếm họa báo chí Việt Nam” thu hút sự quan tâm của công chúng. 

Tuy nhiên, họa sĩ Thành Chương cũng phấn khởi khi cho rằng, gián đoạn 3 năm sẽ là khoảng thời gian để Ban tổ chức cũng như các họa sĩ có thời gian để tìm cách thức thể hiện và giới thiệu tới công chúng hiệu quả, thiết thực. “Nói biếm họa ‘ngủ đông’ quá lâu cũng đúng, nhưng thời gian này vẫn là mùa xuân, vì thế việc phát động Giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần thứ V này có thể coi là sắc Xuân đã đến với biếm họa”, họa sĩ Thành Chương bày tỏ. Ông cũng hy vọng, Giải Biếm họa báo chí Việt Nam-cúp Rồng tre sẽ góp phần giải quyết các vấn đề đang được xã hội quan tâm bằng nghệ thuật biếm họa theo góc độ tích cực của nó.

Họa sĩ Phạm Tấn Phú thì cho biết, nhờ biếm họa mà đến giờ ông đã bước sang tuổi 89 nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn để có thể đi xe máy cả 100km từ Hà Nội về quê. Người họa sĩ biếm họa luôn có tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu cái đẹp, thích cái tốt. Nhưng biếm họa là con dao hai lưỡi, nên người làm biếm họa luôn phải có tâm, giữ quan điểm, lập trường vững chắc thì mới thành công được.

Tại sảnh của tòa nhà Thông tấn xã Việt Nam, triển lãm “96 năm Biếm họa báo chí Việt Nam” chia làm các giai đoạn: Từ năm 1922 đến 1945; biếm họa trong kháng chiến chống Pháp; biếm họa trong kháng chiến chống Mỹ; biếm họa thời đổi mới và các tác phẩm biếm họa đoạt giải tại Giải Biếm họa báo chí Việt Nam-cúp Rồng tre lần I, II, III, IV.

Giải Biếm họa báo chí Việt Nam-cúp Rồng tre lần thứ V có chủ đề “Ứng xử văn hóa, xã hội văn minh”, kêu gọi các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên, công dân Việt Nam và người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam tham gia. Các tác phẩm đã đăng báo hoặc sáng tác để đăng báo từ ngày 1-1-2018 đến 1-12-2018. Cuộc thi tổng kết và trao giải với tổng trị giá 50 triệu đồng. Các tác phẩm lọt vào chung khảo và đoạt giải được trưng bày triển lãm (dự kiến vào đầu năm 2019 tại không gian phố đi bộ hồ Gươm, Hà Nội)và Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP Hồ Chí Minh).

Tin, ảnh: VƯƠNG HÀ