Đối thoại giữa các nền văn hóa

Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai tổ chức, sau Liên hoan Múa quốc tế lần thứ nhất tổ chức tại Huế năm 2014. Theo đánh giá của ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, sự tham gia của hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 24 đoàn nghệ thuật múa (trong đó Việt Nam có 9 đoàn) của 15 quốc gia, vùng lãnh thổ đã là niềm vinh dự cho nước chủ nhà. Bởi sự góp mặt của đông đảo các đoàn quốc tế ở liên hoan lần này đã chứng tỏ uy tín của một cuộc thi nghệ thuật mang tầm quốc tế được Việt Nam tổ chức.

Gần 100 tiết mục múa đã tạo nên những cuộc đối thoại văn hóa rực rỡ sắc màu về bản sắc, truyền thống. NSND Nguyễn Anh Phương, Chủ tịch hội đồng giám khảo nhận xét, dù mỗi tác phẩm được thể hiện ở những cung bậc và mức độ khác nhau, song các tiết mục tham gia đều phản ánh năng lực sáng tạo nghệ thuật múa trong việc chọn ý tưởng, đề tài và nội dung. Cấu trúc, mối quan hệ giữa âm nhạc và múa… đều được sắp đặt trong một chỉnh thể hài hòa phản ánh đặc điểm, tính chất của mỗi thể loại múa, đồng thời chứa đựng hơi thở, thẩm mỹ đương đại. Thông điệp của mỗi tiết mục múa đều bắt nguồn từ những hoạt động bình dị của con người hay tư duy mang tính triết lý về cuộc sống. Thông qua ngôn ngữ thể hiện của nghệ thuật múa, các nhà biên đạo, nghệ sĩ biểu diễn đã gửi tới khán giả những góc nhìn phong phú về cuộc sống và những khát vọng của con người trong vũ trụ bao la.

leftcenterrightdel
Tiết mục múa “Hồn gió Việt” của các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam tại liên hoan. 
Múa Việt tỏa sáng

Một điều nhìn thấy rõ ở liên hoan lần này các biên đạo, nghệ sĩ múa của Việt Nam đã thể hiện được con đường phát triển nghệ thuật múa của mình. Đó là khả năng vận dụng chất liệu múa dân gian các dân tộc để cấu tạo, xây dựng và phát triển ngôn ngữ múa trong mỗi tác phẩm. 9 đoàn nghệ thuật của Việt Nam đều là những đoàn nhiều năm qua đã khẳng định tên tuổi của mình trong nghệ thuật múa như: Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Sao Biển… đã mang những tiết mục múa mới nhất, đậm màu sắc để khoe với bạn bè quốc tế. Với tiết mục thơ múa “Ký ức dòng Lam” (biên đạo NSND Kiều Lê, Thanh Tùng, Thanh Hằng), các diễn viên múa của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã thể hiện “thương hiệu” về cái nôi đào tạo cũng như dàn dựng những tác phẩm, tiết mục múa về đề tài chiến tranh cách mạng trong sự hòa quyện với múa dân tộc. Vì lẽ đó, tiết mục tham gia liên hoan lần này đã đoạt HCV và đứng đầu trong bảng xếp hạng, mà như lời của đại diện Ban giám khảo, “Ký ức dòng Lam” xứng đáng đoạt “vàng mười”. Thơ múa “Mẹ phù sa” (biên đạo NSND Hữu Từ, NSƯT Văn Hiền) của Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Sao Biển; “Mùa xuân thiêng liêng” (biên đạo Phạm Minh) của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam; “Múa trống” của Trường Cao đẳng Múa Việt Nam… đều mang màu sắc dân gian. NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam nhận định, sự thể hiện trong các tiết mục múa của các đoàn, các nghệ sĩ Việt Nam ở liên hoan là dấu hiệu tích cực về sự biến đổi của nghệ thuật múa trong xây dựng ngôn ngữ múa dân tộc kết hợp hiện đại. Thi ở sân chơi quốc tế, múa tuân thủ theo các động tác, kỹ thuật chung, nhưng yếu tố dân gian, dân tộc của Việt Nam không bị hòa lẫn, trái lại thể hiện những giá trị riêng biệt.

Rất hãnh diện với 3 tiết mục múa của học sinh tham dự Liên hoan Múa quốc tế 2017, NSND Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Múa Việt Nam cho hay, nếu so sánh với các quốc gia có nền nghệ thuật múa lâu đời như Nga, Trung Quốc thì có thể chúng ta hơi thua thiệt một chút, bởi ở các quốc gia kể trên, nghệ thuật múa luôn được chính phủ họ chú tâm đầu tư tài chính. Nhưng so với nhiều quốc gia trong khu vực châu Á hoặc ASEAN, học sinh và nghệ sĩ múa Việt Nam không hề thua kém, thậm chí so với một số nước, chúng ta hơn rất nhiều về khả năng đào tạo. Khoảng chừng 5-7 năm trước, đối tượng tuyển sinh cho nghệ thuật múa khá vất vả, tuy nhiên 2 năm trở lại đây, lượng thí sinh đăng ký tuyển sinh lại tăng cao. Nhìn rộng ra, nghệ thuật múa đã được học sinh và phụ huynh nhìn nhận lại, bởi thực tế thời gian qua, nhiều đoàn nghệ thuật tư nhân, xã hội hóa được thành lập và nhu cầu tuyển diễn viên múa tăng nhanh. Theo NSND Nguyễn Văn Quang, hầu hết các sinh viên tốt nghiệp ra trường đều xin được việc làm, thu nhập ổn định. Liên hoan lần này là cơ hội quý giá để các em có cơ hội cọ xát nghề nghiệp và được tỏa sáng trên sân chơi nghệ thuật quốc tế.

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ