Ngày hội của xẩm

Gần 200 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 18 câu lạc bộ (CLB) hát xẩm thuộc 8 tỉnh, thành phố trên cả nước hội tụ về Ninh Bình. Khi liên hoan diễn ra, chúng tôi đã nhận được nhiều lời bày tỏ, giá như công tác tuyên truyền, truyền thông tốt hơn chắc chắn sẽ thu hút được nhiều CLB nữa tham gia, bởi hiện ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình... vẫn còn rất nhiều nhóm, CLB hát xẩm.

Tại liên hoan lần này, có thể 200 người tham gia là con số bình thường so với những liên hoan, hội diễn nghệ thuật khác, nhưng với xẩm đó là một con số ước mơ. Thậm chí không quá khi nói rằng nó là điều mà từ gần 20 năm trước khi bắt đầu bắt tay vào phục hồi hát xẩm, các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ không dám nghĩ tới có ngày hát xẩm lại tưng bừng đến như vậy.

Điều này đã khiến các thành viên hội đồng nghệ thuật bao gồm: Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Hoạch, Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Ngoan, Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Ngần-là những người có mặt từ thời điểm đầu của sự nỗ lực hồi sinh nghệ thuật hát xẩm-không khỏi vui mừng, vì cảm thấy đây như một phần thưởng vô giá sau nhiều năm tháng nỗ lực hết mình cho xẩm.

leftcenterrightdel
      Một tiết mục biểu diễn hát xẩm của thiếu nhi trong liên hoan.

Xẩm hiện nay không còn “đơn thân độc mã” như trong thời điểm mới hồi sinh. Ngay tại liên hoan đã nhìn thấy những quan tâm đặc biệt từ các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương, nhất là tỉnh Ninh Bình có vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước góp sức nỗ lực cho sự "hồi sinh" của hát xẩm. Thành quả là liên hoan lần này được tổ chức quy mô hơn, chất lượng hơn so với lần 1 (năm 2019).

Tỉnh Ninh Bình đã có một lực lượng đáng kể các CLB và những người hát xẩm thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau; bên cạnh đó là tâm huyết của các nhà tài trợ qua Quỹ Thiện Tâm vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.

Ý nghĩa càng tăng lên khi liên hoan lần này tổ chức trùng vào thời điểm giỗ tổ nghề hát xẩm năm 2022 (ngày 22-8 âm lịch). Lễ dâng hương tưởng nhớ cố nghệ nhân Hà Thị Cầu-“báu vật nhân văn sống” của nghệ thuật hát xẩm-cũng là dịp để những người tham gia hát xẩm ngày nay tri ân với các bậc tiền nhân của nghề hát xẩm.

Thế hệ trẻ "giữ lửa" cho hát xẩm

Là người trực tiếp gắn bó với hát xẩm, hơn ai hết, chúng tôi hiểu rõ con số 200 nghệ sĩ, nghệ nhân đến với Liên hoan hát xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022, phần lớn là mang tính phong trào. Có nhiều người mới đến với hát xẩm, có nhiều em nhỏ được ông bà, cha mẹ động viên tham gia. Có rất nhiều lý do, nhưng với hát xẩm lý do nào ở thời điểm này cũng đều đáng quý.

Phong trào hát xẩm không chỉ dừng lại ở tính tự phát của một vài cá nhân mà còn có sự tham gia của ngành văn hóa các địa phương. Chẳng hạn như trong số những CLB tham dự liên hoan lần này, có một số CLB do các đơn vị ngành văn hóa trực tiếp tham gia như: CLB hát xẩm Trung tâm Văn hóa TP Hải Phòng, CLB hát xẩm Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc, CLB hát xẩm Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Thanh Hóa; các CLB còn lại đến tham dự liên hoan đều đã được sự thẩm định của ngành văn hóa các địa phương.

Những chi tiết như vậy thể hiện tính chính quy, có tổ chức của hát xẩm. Có được điều này cũng là một sáng kiến, đồng thời cũng thể hiện sự nghiêm túc, dốc sức nỗ lực bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm.

Lứa tuổi tham gia hát xẩm rất đa dạng, nghệ nhân cao tuổi nhất năm nay đã 85 tuổi là cụ Minh Sen (Thanh Hóa) và thành viên nhỏ tuổi nhất là bé Lê Huyền My 6 tuổi (TP Hồ Chí Minh). Chiếm tới chừng 2/3 số thành viên tham gia liên hoan thuộc về lứa tuổi thanh, thiếu niên. Điều này cho thấy một tương lai rất sáng cho hát xẩm. Vui nữa là liên hoan lần này có sự góp mặt của những người khiếm thị, đối tượng chính của hát xẩm xưa kia nhưng đã bị ngắt mạch nhiều năm nay do những điều kiện khác.

Ở liên hoan lần này, CLB hát xẩm Tâm Việt (Hà Nội) tham dự với 7 thành viên đều là những người khiếm thị. Đáng ghi nhận là những nỗ lực của các thành viên nhóm, chất lượng của CLB này rất tốt, trong đó hai thành viên được ban giám khảo nhìn nhận là những hạt nhân của hát xẩm trong tương lai gần là nghệ nhân Nguyễn Văn Hoan và Khúc Hải Vân.

Nhiều hạt nhân nổi trội là: Đặng Văn Điều (Hải Phòng); Khổng Mỹ Sơn (Vĩnh Phúc); Minh Huấn (Thái Bình); Phạm Minh Hạnh, Vũ Thị Thu Hương (Ninh Bình)... Trong khi đó, con gái cố nghệ nhân Hà Thị Cầu là nghệ nhân Nguyễn Thị Mận (Ninh Bình), rồi nghệ sĩ Thu Phương (Quảng Ninh)... là một vài cái tên đã gắn bó với xẩm cũng tiếp tục có mặt trong liên hoan lần này.

Hai cái tên gây ấn tượng với chúng tôi nhất là nghệ nhân Minh Sen và nghệ nhân trẻ Bùi Công Sơn. Nghệ nhân Minh Sen là một trong những người từng hát xẩm từ thời kháng chiến chống Mỹ, đồng thời cũng là một nghệ nhân mà trong hành trình tìm kiếm các nghệ nhân, điệu và bài bản hát xẩm từ nhiều năm trước nhà nghiên cứu đã tìm về Thanh Hóa để gặp gỡ.

Ở liên hoan lần này, nghệ nhân Minh Sen hát bài “Cây rau má” rất độc đáo; Bùi Công Sơn tuy còn rất trẻ nhưng đã đàn và hát xẩm thuyết phục toàn bộ hội đồng nghệ thuật.

Chừng đấy thôi, cũng đủ vui cho xẩm lắm rồi và hy vọng trong tương lai không xa xẩm sẽ trở thành loại hình nghệ thuật dân tộc được trình diễn ở khắp các sân khấu.

Bài và ảnh: NGUYỄN QUANG LONG, (Nhà lý luận phê bình âm nhạc)