Cuộc đời và sự nghiệp của "Bà chúa thơ Nôm" đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho thế hệ sau. 

Những giai thoại xung quanh cuộc đời và tình duyên của Hồ Xuân Hương đã trở thành cảm hứng sáng tạo cho nhiều văn sĩ. Sự “tiểu thuyết hóa” cuộc đời bà được thể hiện sớm hơn cả trong “Giai nhân di mặc” (2 quyển, 1916) của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến. Nếu như “Giai nhân di mặc” còn mang nhiều dấu ấn của dân gian, giai thoại, thì sau này, các văn sĩ khai thác một hình tượng Hồ Xuân Hương với chiều sâu tâm tư mang tính hiện đại hơn. Đó là các tiểu thuyết “Trong rừng nho” của Ngô Tất Tố (1937), “Tình sử Hồ Xuân Hương” của Bùi Bội Tỉnh (2001), truyện ngắn “Chút thoáng Xuân Hương” của Nguyễn Huy Thiệp (2002)...

 Tranh vẽ nữ sĩ Hồ Xuân Hương của danh họa Bùi Xuân Phái. 

Tiểu thuyết “Trong rừng nho” của Ngô Tất Tố với đầy đủ cốt truyện và tình huống đã tái hiện người đàn bà Hồ Xuân Hương đầy bản lĩnh trước những khuôn phép của thời đại. Ngược lại, Hồ Xuân Hương trong “Tình sử Hồ Xuân Hương” của Bùi Bội Tỉnh lại khai thác những khúc quanh co trong tâm trạng của nữ sĩ một cách tinh tế và sâu lắng. Với “Chút thoáng Xuân Hương”, Nguyễn Huy Thiệp đã khắc họa Hồ Xuân Hương qua nhiều điểm nhìn, nhiều mối quan hệ đan cài, một Hồ Xuân Hương có phần thực hơn, đồng thời đặt ra những câu hỏi về tồn tại, về thời gian, về cái đẹp, về giá trị thơ và cuộc đời bà. Không chỉ được tái hiện trong văn xuôi, Hồ Xuân Hương còn là cảm hứng trong thơ.

Hồ Xuân Hương (tập thơ “Tinh huyết”, 1939) của Bích Khê là một mộng tưởng đầy lãng mạn của thi sĩ: “Văn chương quán thế không ai biết/ Trong mộng mình về thưởng với tôi”. Vi Thùy Linh lại khai thác cảm hứng thân phận của những người đàn bà cô độc trong “Nửa đêm trò chuyện với cô Hồ” (tập thơ “Khát”, 1999): “Hỡi Hồ Xuân Hương, bây giờ ngày càng nhiều những người cô đơn/ Những người đàn bà đắp nguyên cả chăn mà vẫn lạnh”.

Đặc biệt là những câu thơ gợi cảm hứng từ sự thách thức trong thơ Hồ Xuân Hương qua bài “Tuần rằm xin nhớ kiêng thơ chị” của Nguyễn Vũ Tiềm (tập thơ “Thương nhớ tài hoa”, 1992): “Quăng câu chửi lớn vào nhân thế/ Cho kiếp chồng chung đỡ ngậm ngùi/ Phận ốc nhồi nào không bóc yếm/ Dễ đồ tùng cốc mốc không phơi?"...

Không chỉ gợi cảm hứng cho văn học, Hồ Xuân Hương còn được thể hiện trong các bức họa một cách đặc sắc của các họa sĩ Lê Lam, Phùng Di Thuần, Chóe (Nguyễn Hải Chí)... Ngày nay, nếu chúng ta đến thăm làng gốm Bát Tràng, không khó để tìm những bức gốm được gợi cảm hứng từ Hồ Xuân Hương, trong đó phổ biến là tranh gốm "Thiếu nữ ngủ ngày".

Đặc biệt nhất là loạt họa phẩm minh họa thơ Hồ Xuân Hương của danh họa Bùi Xuân Phái. Bằng sự đồng cảm sâu sắc với các bài thơ táo bạo của Hồ Xuân Hương, Bùi Xuân Phái đã thăng hoa đầy cảm xúc qua các nét vẽ độc đáo. Sự độc đáo đó cũng được tái hiện trong các thể loại nghệ thuật khác như tuồng, cải lương, điện ảnh, âm nhạc...

Có một Hồ Xuân Hương đầy chất riêng trong vở cải lương “Bà chúa thơ Nôm” của tác giả Linh Huyền (đạo diễn Trần Minh Ngọc, nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền vai Hồ Xuân Hương). Vở chèo “Hồ Xuân Hương” đầy xúc động với kịch bản của Thùy Linh-Bùi Đức Hạnh lấy đi biết bao nước mắt của người xem.

Bộ phim điện ảnh “Cái chết của Hồ Xuân Hương” (đạo diễn Đoàn Lê) công chiếu nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đã tái hiện một Hồ Xuân Hương-gương mặt văn chương sáng giá nhất kinh kỳ một thời. Những phim tài liệu như: “Bà chúa thơ Nôm” trên kênh VTV1 (2011), “Nhà thơ Hồ Xuân Hương” trên kênh VTC10 (2012)... đã cho thấy sức sống mãnh liệt, bền vững của thơ Hồ Xuân Hương trong đời sống Việt Nam đương đại. Tên bà còn được đặt cho những con đường đầy thơ mộng trên cả nước: Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), quận 3 (TP Hồ Chí Minh), quận Hồng Bàng (Hải Phòng), TP Vinh (Nghệ An), TP Đà Lạt (Lâm Đồng), TP Rạch Giá (Kiên Giang)...

Sự phổ rộng của thơ Hồ Xuân Hương đến giới trẻ được thể hiện trong các sản phẩm âm nhạc gần đây đã cho thấy những giá trị văn hóa xưa không hề bị lãng quên như nhiều người vẫn nói. Có bài thơ của Hồ Xuân Hương được phổ nhạc như “Cái quạt” (Hoàng Thi Thơ); sức sống trường tồn và mãnh liệt của thơ Hồ Xuân Hương được thể hiện trong nhiều bản nhạc trẻ như rap “Hồ Xuân Hương” (nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng) và nổi tiếng nhất là bài “Bánh trôi nước” (nhạc sĩ Hồ Hoài Anh) được ca sĩ Hoàng Thùy Linh thể hiện.

Nhìn từ đời thơ Hồ Xuân Hương, có thể thấy rằng, những giá trị văn hóa đích thực sẽ có sức sống xuyên không gian và thời gian. Giá trị đó không chỉ là cảm hứng mà còn là động lực cho những người làm văn hóa nghệ thuật đương đại thế hệ sau này. Cho nên việc UNESCO vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương cần phải hiểu đầy đủ trên cả hai phương diện: Giá trị thơ ca đặc sắc vượt thời gian và ảnh hưởng của bà đối với đời sống văn hóa đương đại ở Việt Nam, có giá trị phổ quát toàn cầu.

Tiến sĩ VŨ THỊ TRANG