Vai trò của người thầy

GS. TS Trần Thu Hà, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho rằng: Muốn hội nhập trước tiên chúng ta phải có sự học tập, nghiên cứu, tìm hiểu nghiêm túc, đầy đủ mang tính khoa học về tình hình, tốc độ cũng như xu thế mới và trình độ chất lượng phát triển trong đào tạo âm nhạc trên thế giới hiện nay.

leftcenterrightdel
 Hội thảo khoa học quốc tế “Đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trong xu thế hội nhập và phát triển”.
Đề cao vai trò của người thầy trong đào tạo âm nhạc, GS. TS Trần Thu Hà cho rằng: Lịch sử và thực tế trên thế giới cũng như ở nước ta cũng đã chứng minh trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển chuyên nghiệp dù có năng khiếu bẩm sinh xuất sắc đến mấy thì đều không thể tự học và trở thành những tài năng đỉnh cao được. Thành thích của họ không chỉ gắn liền với một nền học vấn mà còn luôn gắn với tên tuổi của những người thầy trực tiếp của mình. Có thể nói, trong vấn đề đào tạo tài năng năng biểu diễn âm nhạc đỉnh cao, theo GS.TS Trần Thu Hà thì yếu tố người thầy chiếm tới 50% sự thành công. Những năm qua, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã nỗ lực để phát triển đội ngũ những giáo sư được đào tạo cơ bản ở trong và ngoài nước. Họ đã cống hiến cho sự nghiệp đào tạo âm nhạc của đất nước nhiều năm qua.

Trăn trở về vấn đề đào tạo âm nhạc hiện nay, GS.TS Ngô Văn Thành cho rằng: Trong suốt 30 năm qua, đào tạo tài năng âm nhạc được coi như nhiệm vụ chiến lược trong sự nghiệp đào tạo cán bộ văn hóa-nghệ thuật cho đất nước. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã có những thành tựu đáng ghi nhận. Nhiều tài năng xuất sắc trưởng thành từ đây đã có những đóng góp hiệu quả cho xã hội, tạo nên động lực phát triển cho nền nghệ thuật Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển. Tuy nhiên hiện nay, vai trò đào tạo tài năng âm nhạc đỉnh cao ít được Nhà nước, các cấp, ngành quan tâm. “Sự vĩ đại không tự nhiên sinh ra mà được ươm trồng”, việc đào tạo tài năng âm nhạc trong giai đoạn mới phụ thuộc những yếu tố quyết định, đó là cơ chế, chính sách của Nhà nước, quy trình, chương trình, phương pháp đào tạo và môi trường thuận lợi cho sự phát triển những hạt nhân mang những tố chất tài năng âm nhạc.

Tiến sĩ Bountheng Souksavatd (Lào) cho rằng: Mô hình đào tạo của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hiện nay đã được trải nghiệm 60 năm thực tiễn và đạt được bước tiến hiệu quả. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các Học viện âm nhạc khác trong khu vực và trên thế giới đã đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước Lào. Tuy nhiên, so với một số lĩnh vực khác, công tác đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp ở Lào chậm tiến vì thiếu vắng nguồn nhân lực trầm trọng. Cả nước chỉ có một vài người tốt nghiệp đại học âm nhạc chính quy, chuyên nghiệp ở các Học viện âm nhạc nước ngoài. Trong khi đó, các nghệ sĩ dân gian, lão thành đa số đã cao tuổi, thầy cô giáo giảng dạy theo lối kinh điển thì thiếu cả về chất lượng và số lượng.

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Bountheng Souksavatd (Lào). 
Vấn đề hội nhập quốc tế trong đào tạo âm nhạc rất cần thiết cho mỗi quốc gia nên việc liên kết giảng dạy để tìm ra những tài năng âm nhạc, sau đó giảng dạy, đào tạo là cần thiết nhưng để làm được việc này cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành để âm nhạc là sợi dây xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, kết nối các quốc gia trên thế giới.

Âm nhạc Việt Nam không phải là bản sao văn hóa

Đó là nhận xét của ông Chen Ziming, Chủ tịch Hội Âm nhạc thế giới, Hội nhạc sĩ Trung Quốc, Giáo sư Học viện Âm nhạc Trung ương về âm nhạc Việt Nam. Mặc dù không có mặt tham dự Hội thảo nhưng đại diện của Trung Quốc đã có bài tham luận đánh giá về nền âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là các loại hình âm nhạc dân tộc. Trong đó, khẳng định âm nhạc Việt Nam không phải là bản sao văn hóa mà có những sáng tạo riêng. Điển hình là ca trù đã được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; dân ca quan họ đã được phổ biến rộng rãi và kế thừa từ hàng trăm năm nay; múa rối nước cũng là môn nghệ thuật chinh phục được nhiều khán giả trong và ngoài nước. Ngoài ra, còn một số nhạc cụ dân tộc được nhiều người nghe yêu thích như đàn Klongput, T’rưng...Hơn nữa, Việt Nam còn có một nhạc sĩ nổi tiếng thế giới là Giáo sư Trần Văn Khê. Mặc dù ông đã qua đời nhưng di sản âm nhạc của Giáo sư để lại đã truyền cảm hứng sáng tác cho nhiều nhạc sĩ, nhà khoa học trên thế giới trong đó có Chủ tịch Hội Âm nhạc thế giới Chen Ziming.

Nói về mối liên kết giữa âm nhạc Việt Nam và Tây Ban Nha, Tùy viên văn hóa, Đại quán Tây Ban Nha tại Việt Nam Mencia Manso de Zuniga cho rằng: Giữa Tây Ban Nha và Việt Nam có những điểm tương đồng về âm nhạc, đó là nghệ sĩ nhạc Flamenco với Nhã nhạc, Manuel de Falla với Nguyễn Văn Quý, Nhạc viện Tây Ban Nha với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tây Ban Nha và Việt Nam có bước phát triển âm nhạc một cách tự nhiên rất khác nhau, sự hiểu biết về giai điệu, các nhạc cụ, tác phẩm còn xa nhau bởi sự khác biệt giữa truyền thống châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, âm nhạc hai nước có một điểm chung là các loại nhạc cụ dây và bộ gõ trong âm nhạc được nhiều người yêu thích. Đáng chú ý là cuộc giao lưu giữa các nghệ sĩ guitar của Tây Ban Nha và Việt Nam. Sự hợp tác trong âm nhạc sẽ kết nối mọi người từ các nền văn hóa hoàn toàn khác biệt đến với nhau.

Vấn đề hội nhập quốc tế đã và đang tạo điều kiện để các tài năng âm nhạc vươn cao, bay xa hơn đồng thời chúng ta có cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại và quảng bá, giới thiệu âm nhạc truyền thống của Việt Nam với thế giới. Để làm được điều này thì việc “ươm trồng” và nuôi dưỡng các mầm non âm nhạc phải được đầu tư đúng hướng, đào tạo bài bản thì mới có những nghệ sĩ tài năng.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN