Chợ hoa Hàng Lược (Hà Nội) năm nay mở sớm, trước cả ngày ông Công ông Táo về trời. Chẳng lạ đâu, xu thế thời thương mại, dịch vụ vậy đấy. Nhu cầu chơi chợ ngày mỗi nhiều hơn thì cần được đáp ứng. Huống chi thành phố đã được thông thoáng, dễ thở hơn hẳn sau thời gian giãn cách, khoanh vùng ngột ngạt.

Khách dập dìu nhưng không phải là “trăm người bán vạn người mua”, mà là “trăm người bán vạn người xem”. Có chuyện chủ hàng giận dỗi với những anh chị kéo nhau túm tụm đứng chụp ảnh và chỉ chụp chứ không mua, nhưng là cá lẻ thôi. Người phố cổ, người Tràng An đã quen lắm rồi cảnh chợ của mình là địa chỉ thăm thú, thưởng lãm, nhìn ngắm hàng và nhìn ngắm người.

Người dân tham quan Hội hoa Xuân TP Hồ Chí Minh năm 2022. Ảnh: HÙNG KHOA 

Chỉ vài tháng trước thôi, cả dãy khu phố dày đặc hàng quán này cửa đóng then cài, đường dọc đường ngang bị băng bó trắng xóa ngăn cách với mọi trục đường. Bây giờ là người ùn ùn kéo đến. Trong mưa phùn gió bấc ngày áp Tết, những dòng người xuôi ngược, dọc ngang đã làm phố phường ấm hẳn lên.

“Người ta là hoa của đất”, hoa của phố. Ngàn đời hội tụ, sinh sôi đã làm nên nền văn minh sông Hồng, văn hóa, văn minh tiền Thăng Long rồi Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội. “Sống như những đóa hoa”-tôi đã được nghe câu này từ những chị em ở Yên Viên, Gia Lâm, Đan Phượng... Họ nói và làm điều này khi cùng nhau làm nên những đường hoa ven xóm làng, ngõ phố, ven các trục đường, bờ mương...

Họ cùng mọi người già trẻ dọn quang quẻ những bãi rác, ao tù thành vườn hoa, sân chơi, bãi tập thể dục. Thấm thoắt “phong trào trồng hoa” lan rộng khắp các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và cả nước như một trong những nét mới biểu tượng cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Cứ mỗi lần rong ruổi qua vùng quê ngoại thành, tôi lại được thấy xóm làng, thị tứ, thị trấn như đẹp đẽ, sáng sủa thêm ra.

Và như một tất yếu, ngay trong hai cái năm khó khăn vì dịch Covid-19 vừa qua, thôn cùng xóm vắng cũng đã thay đổi để 100% số xã của Hà Nội đã đạt đích hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Người dân chọn mua đào tết tại Khu quảng trường TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: LƯU TRỌNG ĐẠT

Hà Nội “gương mẫu, đi đầu” theo mong đợi của Bác Hồ là đây. Ngắm nhìn những ngôi nhà, những con đường quê hương khang trang đã thấy lòng thơi thới mà gặp cảnh dân làng bảo ban nhau, cùng xúm nhau vào mọi việc lại càng vui. Họ yêu đời, yêu người, yêu quê nên “sống như những đóa hoa” đã làm cho tình làng nghĩa xóm càng thêm đậm đà.

*  *  *

Lẽ sống-niềm vui sống ấy tràn lên trong những ngày đại dịch. Không chỉ những người trong tổ Covid cộng đồng mà cả những ông bà bảy, tám mươi tuổi còn khỏe cũng ra trực tại ngõ nhà tôi. Chị tổ phó tổ dân phố cùng ông tổ trưởng sáng tối “đi tuần” nhắc nhở mọi người ở yên trong nhà và đưa gạo, mì, rau phân phối cho các gia đình khó khăn.

Chốc chốc trên zalo của tổ, chị lại cập nhật mọi chuyện của “tổ ta”, cùng hỏi và đáp với từng người dân. Cũng trên zalo ấy là những sáng kiến, những đề nghị của nhiều người trẻ xin tình nguyện vào các nhóm ứng cứu, giúp đỡ mọi người...

Những ngày cao điểm dịch Covid-19, tôi mở Zalo connect, thấy đỏ rực những địa chỉ cần cứu trợ quanh khu mình ở. May mà anh chị em trong gia đình và bạn bè chuyển đến nhà tôi khá nhiều gạo, mì, rau nên cũng có thể giúp đỡ mọi người. Đâu chỉ hàng xóm láng giềng, mà ở các ngõ phố khác, ở cả các phường gần cũng có nhiều gia đình, nhiều người thiếu thốn.

Công ty TNHH sản xuất văn phòng phẩm Deli Việt Nam tại Khu Công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) tăng ca sản xuất kịp trả các đơn hàng bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid19. Ảnh: HẢI PHONG 

Mấy bạn sinh viên xa quê ở trọ, mấy anh chị công nhân, nhân viên... không việc làm, lại cả những người vốn sinh nhai bằng “mua đầu chợ bán cuối chợ”, những người thu mua đồng nát... Ấy thế là cổng trường tiểu học gần nhà tôi trở thành điểm hẹn giao hàng, người nhận nhiều mà người cho tặng cũng nhiều.

Qua khẩu trang và kính bảo hộ, chẳng biết gương mặt nhau thế nào, chỉ kịp nhanh nhanh chóng chóng. Có người vừa nhận vừa nói theo: “Cạnh nhà tôi có chị bị ốm không ai chăm 3 con nhỏ...”.

Tôi chỉ giúp được đôi chút cho những người ở gần, nhưng những chị em ở Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội và các quận, huyện, thị xã còn đi xa hơn, vận động hàng cứu trợ và đưa đến tận các phường, xã, tổ dân phố... những nơi khó khăn nhất. Tôi hỏi chuyện, các chị chẳng kể nhiều, chỉ khoe có Thành đoàn và hội xe bán tải cùng giúp.

“Toàn trai đẹp! Họ không nề hà việc gì. Khiêng vác hàng lên 4-5 tầng gác để tạm rồi hôm sau lại khiêng lên xe chở đi. Mồ hôi đầm áo”... Sao quên những ngày tháng hè thu nóng bức ấy. Sao quên được câu chuyện chị em ở Đông Anh làm chiếc quạt “5K” tặng những người tuyến đầu. Sao quên được “tấm áo yêu thương” có chứa đá khô giúp hạ nhiệt của chị em quận Ba Đình tự may vá, đem tặng những nhân viên y tế cả ngày phải mặc bộ đồ bảo hộ...

Những ngày các thành phố vắng lặng lại là những ngày sôi động, khẩn trương nhất với người tuyến trước, tuyến sau. Nhìn trên màn hình thấy những đứa trẻ vừa cất tiếng oe oe chào đời trong vòng tay bác sĩ, điều dưỡng viên tại bệnh viện mà không thể cầm được nước mắt. Hình dung ra cảnh các anh bộ đội-đồng đội trẻ của tôi lần đầu tiên trong đời chăm sóc người bệnh, đi chợ hộ các gia đình trong những khu phải phong tỏa ở TP Hồ Chí Minh mà xốn xang.

Họ như em như cháu nhà mình, lao động, tập luyện nặng nhọc thì băng băng nhưng sao biết, sao giỏi giang cả việc nhà, việc chợ búa. Và những chàng trai, cô gái kia nữa, từ Hà Nội, Huế về Bắc Giang rồi lại từ Bắc Giang vào các tỉnh, thành phố phía Nam. Những học viên quân y, những thanh niên tình nguyện liên tục lên đường. Vào Nam ra Bắc, rồi lại ra Bắc vào Nam mới càng thấy đánh trận giặc dịch, bão lũ thời bình thật cam go, căng thẳng và hiểm nguy biết nhường nào.

*  *  *

Như một điều kỳ diệu, cả dân tộc đã đứng dậy, vượt qua cơn nguy khốn của đại dịch để bước vào mùa xuân mới. Đảng là mùa xuân, ý Đảng lòng dân... Những câu ấy đã quá quen nhưng mỗi thời đoạn, mỗi năm tháng lại bừng lên những ý nghĩa tươi xanh. Lo cái lo chung của sức khỏe và sinh mạng của toàn dân, liên tiếp là những ứng biến phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế được đi vào cuộc sống. Bình tĩnh, tự tin xoay chuyển chiến lược, từ “không Covid” đến chủ động thích ứng an toàn...

Du khách nước ngoài đến đảo Phú Quốc (Kiên Giang) khi ngành "công nghiệp không khói" tái khởi động lại sau đại dịch. Ảnh: HẢI PHONG 

Từ khó khăn trong tìm kiếm vaccine qua chiến dịch “ngoại giao vaccine”, để rồi lần lượt từng địa phương được tiêm phòng đầy đủ và sớm đến đích “đi sau về trước”. Từ những nỗ lực duy trì sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động kinh doanh để ngay cả lúc ngặt nghèo nhất cũng không ai bị đói, bị thiếu hàng thiết yếu. Để chỉ trong những tháng cuối cùng của năm, giá trị xuất khẩu lại nhanh chóng tăng lên, lập mốc mới... Điều kỳ diệu chính là đây, từ sự can trường, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Mới hôm nào người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố miền Nam, miền Trung chỉ nói với nhau về tai họa, về tình người trong đại dịch, vậy mà giờ đây ai ai cũng bàn, cũng chung vui đón Tết, đón xuân. Sân bay Tân Sơn Nhất lại đón những dòng người xếp hàng dài gần giống như năm nào.

Những con đường thành phố lại tấp nập người qua lại. Chia vui cùng thành phố mang tên Bác, Thủ đô Hà Nội lúc này tuy số ca nhiễm Covid-19 vẫn còn cao nhưng đã có những phương án phòng, chống trong trạng thái bình thường mới. Những “vùng xanh”, “vùng vàng” đang lan rộng, thay cho những “vùng đỏ”, “vùng cam” bức bối.

Hàng hóa, cây, trái và hoa đang tràn về ngập phố. Mỗi đường làng, quốc lộ đến hẻm phố, đâu cũng chợ hoa. Hoa bừng nở muôn nơi bởi người Việt Nam ta đã cùng nhau "sống như những đóa hoa"!

Tùy bút của MẠNH HÙNG