Con người chịu áp lực lớn về công việc, thời gian nghỉ ngơi, thư giãn ít đi. Rồi áp lực phải kiếm nhiều tiền để chi phí bởi giá cả đắt đỏ... Thế là nhiều người sa vào hội chứng stress (tinh thần lo âu, hồi hộp, trạng thái thần kinh không ổn định, căng thẳng, thậm chí hoảng loạn...). Con người phải sống nhanh, sống gấp có nguy cơ bị rô-bốt hóa.

Phản ứng với thực trạng tiêu cực của mặt trái xã hội công nghiệp, một số tổ chức xã hội tiến bộ kêu gọi một phong trào "sống chậm” được hưởng ứng sôi nổi, mạnh mẽ ở nhiều quốc gia. Ở Italy năm 1999 hình thành phong trào “Thành phố chậm” với tiêu chí: Yên tĩnh, ít khói bụi, ít ô nhiễm, giữ gìn những giá trị truyền thống với cuộc sống ổn định, thư thái. Sang đầu thế kỷ 21, phong trào này dần lan sang rất nhiều nước, kể cả những nước có nền công nghiệp phát triển như Đức, Anh... Thậm chí năm 2007, ở Italy còn lấy ngày 26-2 hằng năm là “Ngày không vội vàng”, được nhiều thành phố lớn ở châu Âu và châu Mỹ ủng hộ... Hiện nay, Nhật Bản  còn  cấm công nhân viên làm thêm giờ, cũng là một cách khuyến khích sống chậm.

"Sống chậm" không có nghĩa là sống kiểu lười nhác, hời hợt, hưởng thụ, thiếu năng động. Ngược lại, là sống kỹ hơn trong môi trường lành mạnh với một tâm hồn trong sáng, thư thái để có một tư duy chín chắn hơn, hiệu quả hơn... Tóm lại, "sống chậm" giữ cho con người tính người nhiều hơn, sống nhân ái, vị tha, gần với thiên nhiên, đặc biệt là gần gũi, giúp đỡ những thân phận bất hạnh trong xã hội. Bill Gates-ông chủ của Tập đoàn Microsoft hùng mạnh có tài sản lên tới gần trăm tỷ đô-la, một người được coi là tiêu biểu cho “sống chậm”. Là người có tốc độ tư duy cực nhanh, có kinh nghiệm hàng đầu thế giới về quản lý tập đoàn xuyên quốc gia, thế mà ông về hưu ở tuổi 51 để cùng vợ điều hành quỹ từ thiện với số tiền lên tới 70 tỷ đô-la. Ông quan niệm xã hội cho mình giàu có thì mình cũng phải trả lại cho xã hội ít nhiều. Cũng chính ông kêu gọi những nhà tư bản nên sống nhân từ hơn...

Thực ra, quan niệm và nội dung của “sống chậm” ở phương Tây hiện nay là sự trở về với những giá trị phương Đông xưa. Không ngẫu nhiên những phong trào tập thiền, luyện khí công, luyện yoga, đi bộ... đã và đang phát triển ở phương Tây vốn có từ phương Đông. Hay xu hướng nghiên cứu phê bình sinh thái đang nổi lên ở phương Tây cũng rất gần gũi với thuyết “Thiên-Địa-Nhân” hợp nhất (tức con người, thiên nhiên, trời đất sống hài hòa với nhau) của triết học phương Đông cổ. Ở nước ta, trong trước tác của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm-những vĩ nhân có tư tưởng lớn đi trước thời đại, có nhiều dẫn chứng mang tính kinh điển để lý thuyết phê bình sinh thái khái quát thành những khái niệm công cụ. Ví như triết lý “Nhàn”, nhàn ở đây là xa lánh cuộc sống bon chen vụ lợi để trở về với đất đai ruộng vườn, lấy thiên nhiên gột rửa bụi trần: Ngày lặng, trong trời đất rộng buông ý về đạo lý/ Người nhàn tỉnh ngộ (về) danh lợi buổi ban đầu (Nguyễn Trãi). Với Nguyễn Bỉnh Khiêm thì con người trước hết cần có “tĩnh” (yên tĩnh) để có “tri” (hiểu biết), từ đó mới có “trí” (trí tuệ) và “hòa” (hòa hiếu, hòa bình). "Tĩnh, tri, trí, hòa" như bốn chân đế vững vàng nâng đỡ tòa tháp nhân cách người mà đỉnh tháp luôn tỏa sáng một chữ “hiếu” kính trọng cha mẹ, yêu thương anh em và mọi người...

Bác Hồ từng nói, không ham công danh phú quý mà muốn làm bạn với ông tiều phu, chú mục đồng nơi núi non, sông suối để câu cá, trồng cây... Mong muốn ấy cùng với những tư tưởng lớn về con người được sống trong hạnh phúc, ấm no chính là mẫu mực cho lối sống mà nhân loại hôm nay đang hướng tới.

Đi đến tận cùng dân tộc thì sẽ bắt gặp nhân loại. Đấy là một khuyến cáo văn hóa của nhân loại trong thế kỷ 21 này, tuy không mới nhưng khuyến khích tìm về chân giá trị mỗi dân tộc để cùng làm giàu thêm văn hóa thế giới!

NGUYÊN THANH