Từ đó, “soái ca” thâm nhập vào không ít bài viết của một số nhà báo. Điển hình, phóng viên một tờ báo có bài viết nhan đề: Có cần "soái ca" cho cuộc chiến vỉa hè?, trong đó kể một chi tiết: Phóng viên (PV) một nhà đài đến hiện trường gặp ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1, TP Hồ Chí Minh với câu phỏng vấn: “Ông nghĩ sao về việc nhiều người dân gọi ông là “soái ca”?”. Vị Phó chủ tịch UBND quận 1 gạt nhẹ "míc" trên tay PV thay cho câu trả lời, rồi tiếp tục chỉ đạo làm sạch vỉa hè! Phần cuối bài báo nói trên, tác giả viết: “Trở lại câu hỏi “soái ca”! Nó thực sự đang đặt ra một vấn đề nghiêm túc. Đó là sự gương mẫu của những người lãnh đạo, của những cán bộ, đảng viên”. Và rồi tác giả bình luận: “Câu hỏi “soái ca” ngẫm ra, đang chỉ chân rằng người dân cũng cần một mẫu "người hùng” để lấy đó làm nguồn cảm hứng, lấy đó làm mực thước, lấy đó mà mấu vịn niềm tin dầu xét ra, vị “soái ca” quận 1 - cho phép tôi gọi ông như thế, chỉ là một trong hơn 20 ngàn “huyện quan” đang thực hiện công việc của mình”.

Phía dưới bài báo này, có đăng một số ý kiến bình luận của độc giả,  trong đó phần đông cho rằng: Từ “soái ca” đã bị lạm dụng quá nhiều; không nên dùng từ “soái ca” khi nói (và viết) về những trường hợp tương tự như ông Phó chủ tịch quận 1. Có ý kiến bình luận khá gay gắt: Từ “soái ca” lạ hoắc, không rõ nghĩa, nên bỏ ngay từ này trên các phương tiện truyền thông!

Tôi  cũng lấy làm ngỡ ngàng, ngạc nhiên về từ “soái ca” trong các văn cảnh nêu trên. Quả thật, đến bây giờ, tôi mới đọc, mới nghe thấy từ này! Lúc đầu, tôi nghĩ đó là một từ tiếng lóng, thường xuất hiện  trong giới “anh chị”, ăn chơi, đua đòi, dùng để chỉ một người nào đó có vẻ tài tử, có khả năng vượt trội so với đám đông, có thể giải quyết được những việc khó khăn, nguy hiểm. Lần giở các cuốn từ điển tiếng Việt và các từ điển Hán-Việt, tìm không ra từ “soái ca”. Nhưng rồi, gõ trên Google, hóa ra từ “soái ca” được dẫn giải đại thể như thế này: 1- “Soái ca” bắt nguồn từ truyện ngôn tình Trung Hoa, ám chỉ một chàng trai lãng tử, yêu một cô gái bình thường. 2- Bên Trung Quốc thường hay gọi những người đẹp trai là “shuai ge”, phiên âm Hán - Việt là “soái ca”, dịch nghĩa: Đẹp trai. Từ “shuai” (soái) có hai nghĩa: Tướng soái; tuấn tú, đẹp. Từ “ge” (ca) có nghĩa: Anh, anh trai. 3- “Soái ca” chỉ một người đàn ông hoàn hảo trong mắt phụ nữ, một người vừa có tài, vừa có chí, mà lại có tình yêu vô cùng dễ thương giống như các chàng “hot boy” ngày nay.

Ấy thế mà PV của đài truyền hình nọ lại hỏi ông Đoàn Ngọc Hải: “Ông nghĩ sao về việc nhiều người dân gọi ông là “soái ca ?”. Ông PCT quận 1 gạt nhẹ “míc” của PV thay cho câu trả lời! Thiết nghĩ, ông Đoàn Ngọc Hải đã xử trí  thông minh và tế nhị trước câu hỏi của PV nhà đài. Bởi vì, theo 3 cách dẫn giải về từ “soái ca” vừa nêu trên, rõ ràng PCT quận 1 TP Hồ Chí Minh - ông Đoàn Ngọc Hải không thể gọi là "soái ca" được! Nói cách khác, PV đài truyền hình hỏi một câu tỏ ra  “văn hoa”, kiểu cách, nhưng hóa ra lại là một câu hỏi ngô nghê,  kém hiểu biết và... vô duyên đến lạ lùng.

Đâu chỉ có vậy. PV của tờ báo X viết bài “Có cần "soái ca" cho cuộc chiến vỉa hè” (đã nêu trên) cũng tỏ ra đồng tình, tâm đắc (?) với việc dùng từ “soái ca” của PV nhà đài. Nhà báo này còn ... “mở rộng” nghĩa của từ “soái ca” - “Đó là sự gương mẫu của những cán bộ, đảng viên”... Tóm lại, tác giả bài báo coi từ “soái ca” là một kiểu “người hùng” nói đi đôi với làm trong số các cán bộ, đảng viên tận tụy hiện nay.

Trong Ngôn ngữ học, việc tiếp thụ từ ngữ nước ngoài và sáng tạo từ mới để làm phong phú tiếng mẹ đẻ - là việc bình thường, quốc gia nào cũng có. Tuy nhiên, tiếp thụ từ ngữ nước ngoài nhưng phải có chọn lọc; sáng tạo từ mới phải bảo đảm tính khoa học, hợp lý và phải rõ ý, rõ nghĩa. Không nên sử dụng ngôn ngữ một cách cảm tính, tùy tiện, thậm chí gán ghép một cách bừa bãi. Đặc biệt, ngôn ngữ báo chí càng phải chuẩn xác, đáp ứng với yêu cầu giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt. Trong bối cảnh hiện nay về ngôn ngữ báo chí nước ta đang có không ít “vấn đề” cần thanh lọc và từ “soái ca” nêu trên không nên sử dụng, nhất là khi viết về những cán bộ, đảng viên đang thực thi công vụ một cách nghiêm túc.

ĐÀO NGỌC ĐỆ