Tại Hội thảo “Lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư”- hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Hiệp hội các Viện Lưu trữ nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương lần thứ 25 do Viện Phim Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội từ ngày 22 đến 27-6, các đại biểu đã đề cập tới giá trị của những thước phim lịch sử và vấn đề cấp thiết của quá trình số hóa tư liệu hình ảnh nhằm bảo quản lâu dài.
Những khoảnh khắc lịch sử trong từng khuôn hình
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hương Giang, Phó trưởng Phòng kiểm kê, bảo quản, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay đang lưu giữ hơn 3 vạn tư liệu phim ảnh gốc về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là tài sản quốc gia, là hiện vật gốc chứa đựng nhiều giá trị. Mỗi phim đều được đánh số theo ký hiệu quy định. Các phim được phân loại theo từng chuyên đề như: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi, Chủ tịch Hồ Chí Minh với công nhân, nông dân…để tiện lợi cho công tác lưu trữ và bảo quản. Phim được bảo quản trong những bao nhỏ làm bằng chất liệu đặc biệt. Hơn 3 vạn phim gốc được lưu tại Kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh là phim âm bản, đen trắng, có nhiều kích thước khác nhau. Đây là kho sử bằng hình vô cùng giá trị của dân tộc.
Không chỉ có Bảo tàng Hồ Chí Minh mà Điện ảnh Quân đội nhân dân hiện vẫn đang lưu giữ hàng chục vạn mét phim tư liệu phản ánh về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội…
|
Đoạn trích trong bộ phim tài liệu "Phim đỏ" do Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện. |
Trong bộ phim tài liệu “Phim đỏ”, nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân Nguyễn Thanh Xuân kể lại: Khi Bác Hồ trút hơi thở cuối cùng, mọi người vây quanh Người đều khóc, bản thân tôi cũng vậy, nghe tin Bác mất, tôi òa lên khóc nhưng vẫn cầm máy quay. Mặc dù nước mắt tôi lúc đó cứ chảy ra, mồm mếu máo nhưng tôi cố nén nỗi đau, giơ máy quay lên và ghi được vào ống kính những hình ảnh cuối đời của Bác. 20 năm sau tôi mới được xem lại những thước phim này và bất ngờ khi những thước phim vẫn rất rõ nét.
Theo Thiếu tá Nguyễn Thị Mai, Phó trưởng Phòng Tư liệu, Điện ảnh Quân đội nhân dân, đơn vị đang lưu giữ một khối lượng lớn các phim 16mm của Điện ảnh quân giải phóng (là một bộ phận của Điện ảnh Quân đội nhân dân nằm ở B2 Miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ) và khối lượng lớn phim 16mm thu được của quân ngụy Sài Gòn sản xuất trước năm 1975.
Để có được những thước phim vô cùng giá trị đó, đội ngũ phóng viên của Điện ảnh Quân đội nhân dân đã cùng các chiến sĩ của các đơn vị đã có mặt ở những mặt trận nóng bỏng ác liệt, đối mặt với quân thù để ghi lại được những thước phim chân thực, sống động, hào hùng khí thế chống Mỹ cứu nước. Với hàng chục nghìn cuốn phim, hàng chục vạn mét phim tư liệu hiện đang lưu trữ tại Điện ảnh Quân đội nhân dân là khối tư liệu quý không chỉ đối với quân đội mà còn là tài sản của quốc gia.
Khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, các nhà làm phim của Đoàn Điện ảnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Điện ảnh - Truyền hình Biên phòng) đã có mặt ở hầu hết các địa bàn trọng điểm như: Cha Lo, Hiền Lương, Hàm Rồng, Bến Thủy, sông Gianh... quay hàng vạn mét phim về các trận địa phòng không và sản xuất các phim tài liệu có giá trị như: Ngọn cờ Hiền Lương; Trạm gác chân đèo; Lũy thép Quảng Bình; Trên vĩ tuyến 17; Trên tuyến đầu miền Tây Tổ Quốc... góp phần tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ với người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đồng thời cổ vũ, động viên quân và dân ta hăng hái thi đua chiến đấu và chiến thắng quân thù.
Nói về các bộ phim tài liệu của Điện ảnh - Truyền hình Biên phòng, Đại tá Hoàng Ngọc Thanh, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng, nguyên Giám đốc Điện ảnh - Truyền hình Biên phòng khẳng định: Các phóng viên quay phim của Đoàn Điện ảnh Công an nhân dân vũ trang khi đó được giao nhiệm vụ ghi lại các hoạt động của Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm, động viên các đơn vị chiến đấu. Đây là những thước phim tư liệu quý, có giá trị tư tưởng cao, tiêu biểu như phim tài liệu: Làm theo lời Bác; Lời hứa; Trên đỉnh Pù Nhi… Các nhà làm phim đã vượt sông Bến Hải tham gia chiến dịch "Giải phóng Quảng Trị 1972" và ngay sau đó sản xuất các bộ phim như: Theo chiến sĩ an ninh vào Quảng Trị; Quê hương tôi giải phóng...
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Đoàn Điện ảnh Công an nhân dân vũ trang cử ba tổ phóng viên vào chiến trường theo 3 hướng: Tuyến biển, đường số 1 và đường mòn Hồ Chí Minh. Các phóng viên đã quay rất nhiều tư liệu về các cánh quân tiến về Sài Gòn, về thời khắc trước giờ giải phóng và bộ đội ta tiếp quản các cơ quan đầu não của địch cũng như không khí hân hoan phấn khởi của người dân thành phố trong ngày toàn thắng... để sau đó sản xuất các bộ phim: Đi giữa mùa xuân đại thắng; Hòn đảo Sống; Một ngày trên đảo Phú Quốc... góp phần tuyên truyền khí thế cách mạng, cổ vũ nhân dân phấn khởi nồng nhiệt đón chào đất nước được hòa bình, thống nhất, non sông thu về một mối.
Giai đoạn này, Đoàn Điện ảnh Công an nhân dân vũ trang cũng phối hợp với Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất nhiều phim có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, trong đó có một số phim được trao các giải thưởng trong nước và quốc tế, như: Trên vĩ tuyến 17; Con ngựa bốn vó trắng; Một người từ nước Mỹ trở về; Đốm lửa Biên thùy; Trên thao trường...
Khó khăn trong lưu giữ, bảo quản
Theo chị Đinh Thị Thúy Chinh, Phó trưởng phòng Bảo quản, Viện Phim Việt Nam: Lưu trữ tư liệu hình ảnh động là một công việc vô cùng quan trọng. Phông hình ảnh động bao gồm các tác phẩm điện ảnh như phim truyện, phim tài liệu khoa học, thời sự, hoạt hình, tư liệu các nguyên thủ, các sự kiện nổi bật của đất nước. Đó là hành trình lịch sử hình ảnh động của dân tộc. Nhưng những thước phim vốn là một loại vật liệu mỏng mảnh, dễ bị ảnh hưởng của môi trường bên ngoài, nhất là môi trường nóng và ẩm như nước ta, phim điện ảnh có nguy cơ bị hủy hoại. Vì thế, cần phải có phương pháp bảo tồn phù hợp.
 |
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Nhiều năm nay, Viện Phim Việt Nam đã đầu tư nguồn lực và nhân lực làm công tác kiểm tra, tu sửa và bảo quản phim rất tốt. Công tác này đòi hỏi đội ngũ nhân công lành nghề, với sự hiểu biết, cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác.
Những thước phim tư liệu quý được quay trong các thời kỳ của đất nước cần được bảo tồn, lưu giữ, bảo quản tốt nhất.
Nêu vấn đề khó khăn trong bảo quản phim, Thiếu tá Nguyễn Thị Mai cho rằng: Năm 1997, tài liệu phim điện ảnh của Điện ảnh Quân đội nhân dân mới chính thức được đưa vào bảo quản trong hệ thống kho lạnh. Tuy nhiên, điều kiện nhiệt độ, độ ẩm chưa đạt chuẩn. Vì vậy, nhiều tài liệu phim đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn khả năng sử dụng.
Điện ảnh Quân đội nhân dân vừa là đơn vị làm phim vừa là nơi lưu trữ lớn nhất trong toàn quân nên việc lưu trữ, bảo quản phim nhựa vẫn được đặt lên hàng đầu do tuổi thọ lưu trữ của phim được lâu dài, có thể hàng trăm năm nếu điệu kiện bảo quản tốt.
Trong thời gian tới, Điện ảnh Quân đội nhân dân sẽ từng bước số hóa toàn bộ số lượng phim hiện có để lưu trữ và khai thác. Với phim nhựa vẫn bảo quản, lưu trữ và phục hồi theo cách truyền thống là tái bản lại những bản phim bị xuống cấp.
Theo ông Phạm Ngọc Quang, Giám đốc Công nghệ, Công ty Cổ phần Nghe nhìn Việt Nam: Lưu trữ phim điện ảnh luôn là một nhiệm vụ nặng nề với những nghiệp vụ khó khăn như tu sửa, phục dựng nhằm bảo tồn những thước phim tư liệu quý giá của lịch sử đất nước cũng như của nền điện ảnh Việt Nam.
 |
Cảnh phục dựng hình ảnh phóng viên chiến trường khi ra trận và chiếc máy quay phim trong bộ phim tài liệu "Phim đỏ" của Điện ảnh Quân đội nhân dân. |
Hiện tại, với số lượng lưu trữ lên đến hàng trăm nghìn cuốn phim nhựa trong các kho phim, đã và đang xuống cấp, hư hại theo thời gian thì khối lượng công việc chuyển đổi phim nhựa truyền thống sang định dạng kỹ thuật số và sau đó là tu sửa, phục hồi theo yêu cầu thực tế; cuối cùng là lưu trữ trên các hệ thống kỹ thuật số phù hợp, quả thực là khổng lồ và vô cùng tốn kém. Tuy nhiên, đây là lựa chọn duy nhất tính tới thời điểm này.
Tất cả các thước phim tư liệu phản ánh các thời kỳ cũng như sự phát triển của dân tộc là “kho báu” lịch sử cần phải được bảo tồn. Hy vọng với những bước tiến trong công nghệ tu sửa phục hồi hình ảnh động bằng kỹ thuật số, Việt Nam sẽ sớm hoàn thành công cuộc số hóa và phục hồi các kho phim điện ảnh - di sản vô giá của dân tộc Việt Nam.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN