Chương trình “Bắc điệu tân thời” là một liveshow âm nhạc với sự góp mặt của đội ngũ ban giám khảo giàu kinh nghiệm như: NSƯT Bạch Vân, biên tập viên Trịnh Lê Anh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội Lý Thị Thúy Hạnh, nhà văn Nguyễn Trương Quý... Với kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm chuyên môn cao, ban giám khảo đã mang đến cho các thí sinh những nhận xét quý giá, đồng thời khuyến khích các bạn trẻ hãy tiếp tục với niềm đam mê các loại hình âm nhạc truyền thống.

leftcenterrightdel
 Tiết mục liên khúc quan họ “Sở cầu như ý-Chim khôn đỗ nóc nhà quan” đoạt giải đặc biệt của chương trình. 

Theo đó, công chúng đã được hòa mình vào không gian âm nhạc truyền thống của Bắc Bộ như: Xẩm, chèo, ca trù, quan họ, chầu văn... Mỗi thể loại là một điểm chạm mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc. Đặc biệt, ở chương trình này, tham gia trình diễn các tiết mục chính là sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau trên địa bàn TP Hà Nội, có những người được học từ thế hệ đi trước và cũng có những người tự mày mò học xuất phát từ niềm đam mê. Nhưng tất cả đều mang đến chương trình những phần trình diễn đặc sắc. Điều này chứng tỏ người trẻ luôn quan tâm tới nghệ thuật truyền thống, chỉ cần có những sân chơi bổ ích, họ sẽ thỏa sức gửi gắm đam mê cũng như tài năng của mình, và “Bắc điệu tân thời” là một sân chơi như vậy.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến màn thị phạm tiết mục ca trù “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” của NSƯT Bạch Vân đã truyền cảm hứng không chỉ cho các thí sinh mà còn cho cả những khán giả tham gia chương trình. NSƯT Bạch Vân chia sẻ, "Bắc điệu tân thời" là một tiền đề đáng biểu dương vì các bạn trẻ đã mang văn hóa truyền thống trở lại. "Tôi sẵn sàng dìu dắt những bạn trẻ thực sự đam mê với ca trù để thể loại âm nhạc truyền thống này sẽ tồn tại cho tới tận mai sau", NSƯT Bạch Vân bày tỏ. 

Bạn Nguyễn Thị Lan Anh, thành viên ban tổ chức "Bắc điệu tân thời" cho biết: “Tôi và các thành viên trong ban tổ chức “Bắc điệu tân thời” rất yêu thích âm nhạc truyền thống Việt Nam. Qua chương trình này, chúng tôi muốn lan tỏa nét đẹp của các thể loại âm nhạc truyền thống tới sinh viên, từ đó góp phần phát hiện ra những tài năng âm nhạc triển vọng".

Từ những nỗ lực “thắp lửa” của nhóm sinh viên trẻ qua Chương trình "Bắc điệu tân thời", tuy chỉ góp một phần nhỏ vào việc đưa âm nhạc cổ truyền Bắc Bộ đến gần hơn với công chúng, song chúng ta thấy được mong muốn tiếp nối những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc của giới trẻ. Hy vọng tình yêu, sự say mê với nghệ thuật truyền thống của sinh viên sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, tạo cảm hứng cho việc bảo tồn và phát triển âm nhạc cổ truyền trong đời sống hôm nay.

Bài và ảnh: MAI PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.