Khi nghệ sĩ “tô hồng, bôi đen”

Trên thực tế, việc các nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo tràn lan các sản phẩm, dịch vụ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đúng sự thật đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhiều nghệ sĩ dù chưa trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ vẫn hồn nhiên quảng cáo, giới thiệu đến người tiêu dùng, vốn là những người dành cho họ sự hâm mộ. Vô hình trung, hành vi này trở thành sự lừa dối. Thế nhưng, đáng buồn là cứ quảng cáo sai thì xin lỗi, hoặc chỉ bị phạt ở mức chưa đủ sức răn đe, trong khi sức ảnh hưởng của người nổi tiếng, các nghệ sĩ đối với công chúng lại vô cùng to lớn.

Chấn chỉnh thực trạng này, dự thảo Luật đề xuất siết chặt quản lý hành vi của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có tầm ảnh hưởng theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng, hoặc những người sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000 người trở lên. Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải tuân thủ pháp luật về quảng cáo và quy định về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ.

NSND Hồng Vân từng lên tiếng rút kinh nghiệm sau phát ngôn quảng cáo sai sự thật. Ảnh: Hồng Vân Fanpage

Người quảng cáo phải có hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội, người quảng cáo phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm.

GS, TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nhấn mạnh: Siết chặt hoạt động quảng cáo sử dụng hình ảnh người nổi tiếng hiện nay rất cần thiết. Quảng cáo là nơi nhiều vấn đề nhất và ở đó, các nghệ sĩ thường được mời làm hình ảnh đại diện, một số KOLs (người có sức ảnh hưởng), nghệ sĩ quảng cáo cho các sản phẩm và dịch vụ, bán hàng online. Khi “chiếc bánh quảng cáo” quá lớn và màu mỡ, các giải pháp quản lý cần được siết chặt, không thể cứ hỗn tạp mãi.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ, Luật Quảng cáo hiện hành không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Do đó, chưa có chế tài hoặc ràng buộc đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo là không đúng sự thật hoặc yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải là người đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm đó và có trách nhiệm về các nội dung mình cung cấp.

Chấm dứt hành vi vô trách nhiệm

Không ít người nổi tiếng, nghệ sĩ có lượng fan đông đảo, bất kỳ hành động, lời nói nào cũng tác động đáng kể đến người xem, tuy nhiên không ít trong số họ lại chưa đặt lên trên hết trách nhiệm của mình với cộng đồng. Báo chí, mạng xã hội không ít lần lên án các nghệ sĩ, KOLs quảng cáo mà không hiểu về sản phẩm quảng cáo như NSND Hồng Vân, diễn viên Quyền Linh, các nghệ sĩ Đức Thịnh, Ưng Hoàng Phúc, Ngân Quỳnh, Thanh Hương, Hoàng Sơn, Hoàng Mập, Cát Tường... dẫn đến việc dư luận bức xúc, còn các nghệ sĩ đã không ít lần phải cúi đầu xin lỗi.

GS, TS Từ Thị Loan nhấn mạnh, việc siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo đối với người nổi tiếng bằng những quy định pháp lý sẽ hạn chế tình trạng quảng cáo sai sự thật, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tạo môi trường quảng cáo minh bạch, công bằng. “Nên có các chế tài đủ sức răn đe, nếu vi phạm pháp luật thì xử phạt. Ngoài ra, có thể học hỏi kinh nghiệm Trung Quốc, không đến mức “phong sát”, nhưng có thể có quy định cấm phát sóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng đối với các nghệ sĩ có vi phạm tùy theo mức độ: 3 tháng, 6 tháng đến 1 năm, thậm chí vĩnh viễn...”, GS, TS Từ Thị Loan đề nghị.

Bà Vũ Thu Thủy (Trưởng phòng Quản lý hoạt động quảng cáo và tuyên truyền, Cục Văn hóa cơ sở) chia sẻ, nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, "tô hồng, bôi đen" những sản phẩm, dịch vụ mà họ chưa từng trải nghiệm dẫn đến hệ quả vô số người hâm mộ, công chúng vì tin tưởng nghe theo mà gánh hậu họa. Nắm bắt thực tế này, nội dung được đề xuất đưa vào dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi nhằm quy định trách nhiệm và hoạt động quảng cáo của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng, từ đó để tháo gỡ bất cập, chấn chỉnh hành vi tùy tiện của nhiều nghệ sĩ, KOLs.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, cùng với luật thì còn cần tới dư luận xã hội để đấu tranh, loại bỏ hành vi quảng cáo sai trái. Khi càng nổi tiếng, nghệ sĩ càng cần phải ý thức về danh tiếng và trách nhiệm của mình trước cộng đồng.

TÂM AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.