QĐND - Mạng xã hội facebook như “con dao hai lưỡi”. Nếu biết khai thác, sử dụng với mục đích lành mạnh thì có thể mang lại nhiều niềm vui, tiện ích cho con người. Ngược lại, nếu biến “phây” như một “cái chợ trời” thích gì nói đấy, nói cho hả dạ, sướng mồm, hay mang chuyện nội bộ của tập thể, cơ quan, đơn vị để “comment, share” rồi câu “like” trên mạng… thì rất dễ tự mình “rước họa” vào thân!
1. Gặp lại người bạn đồng niên hiện đang là cán bộ quản lý của một cơ quan nghiên cứu, tôi hỏi vui: “Dạo này sắp lên chức rồi hay sao mà kín chuyện, im hơi lặng tiếng thế. Cả tuần nay lướt “phây” (facebook), chả thấy cậu thông tin, sẻ chia với ai cả”. Người bạn than phiền: “Ôi, “phây” với chả “phiếc”, chán ngấy rồi. Sắp tới có lẽ tớ đóng cửa “phây” thôi”! Tôi ngạc nhiên: “Ô hay, cậu thay đổi nhanh thế? Chính cậu là người cổ vũ, khuyến khích tớ gia nhập “cư dân mạng toàn cầu” cách đây không lâu cơ mà”!
Bạn tôi bảo: “Kể ra sử dụng “phây” cũng có nhiều tiện ích, có thêm nhiều bạn bè, tiếp cận được nhiều thông tin. Nhưng nói thật, gần đây tớ thấy “phây” cũng xuất hiện nhiều chuyện vô bổ, tạp nham lắm. Bản tính con người hay hiếu kỳ, cứ thấy chuyện lạ, chuyện “ngược đời” là tò mò vào xem. Có lần vô tình tớ vào một trang mạng, “cóp” được thông tin rồi chuyển cho bạn bè cùng tham khảo với lời “chào hàng” đầy quyến rũ: Thông tin “hot”, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội! Nhưng đâu ngờ, những thông tin ấy thuộc diện nhạy cảm, không được phép phổ biến công khai. Khi lãnh đạo cơ quan biết chuyện này, tớ bị nhắc nhở, phê bình nghiêm khắc do thiếu bản lĩnh trong việc tiếp nhận, chuyển tải thông tin và sử dụng “phây” trong giờ hành chính”. Tôi hỏi lại: “Sao cấp trên lại biết cậu chơi “phây” trong giờ làm việc nhỉ”? Người bạn giọng hơi não nề: “Đúng là cậu mới chơi “phây” nên còn lơ mơ lắm. Thì “phây” chính là “bản cáo trạng” của chính mình mà. Cái thời điểm tớ vô tình “tung” thông tin ấy lên vẫn còn hiển thị rành rành trên “phây”, làm sao xóa được”!
 |
Trang facebook "Tình yêu người lính trong tôi" đăng tải nhiều thông tin, hình ảnh đẹp về người lính, thu hút đông đảo sinh viên và bộ đội tham gia. |
2. Tôi quen biết một giảng viên cao cấp ở một học viện. Mới đây, gặp lại anh, trong lúc trò chuyện, tôi hỏi về cậu giảng viên trẻ của khoa (nơi anh công tác) từng được tôn vinh trên mặt báo. Anh tâm sự với tôi rằng, cậu ấy đang là “hạt giống đỏ” và đã được quy hoạch vào vị trí quản lý trong tương lai gần. Nhưng hôm vừa rồi, cậu ta lại suýt bị kỷ luật vì dám “ám chỉ” lãnh đạo cơ quan lên “phây” không đúng mực. Tương lai đang phơi phới, nào ngờ chỉ vì một chút bồng bột, cậu ta tự dưng làm khó chính mình!
Tìm hiểu mới biết, cậu giảng viên trẻ vừa hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh. Trở về khoa công tác, cậu được đánh giá là người nhiệt tình, trách nhiệm, có năng lực chuyên môn tốt. Nhưng sau một lần được cử đi công tác đột xuất, cậu ta đâm ra phân tâm, dao động tư tưởng, nghĩ rằng cấp trên phân công như vậy là chưa hợp lý. Trong lúc buồn bực, cậu ta thông tin ám chỉ trên “phây” rằng, làm cấp dưới “cơ cực” nhất là “bị” cấp trên đánh giá không đúng tài năng, sở trường của mình rồi “bình luận” rằng: Với những người cầm cân nảy mực, thì đừng bao giờ quên câu của Khổng Tử: “Kỷ sở bất dục, vật thí ư nhân” (Điều ta không mong muốn thì đừng làm cho người khác).
Anh giảng viên cao cấp chia sẻ: Cậu giảng viên trẻ nói thế là đi “quá đà” trên “phây”, dễ làm người khác hiểu không đúng bản chất vấn đề và có cái nhìn sai lệch về cấp trên của mình. Mặc dù thông tin đó đã được gỡ bỏ, cậu ta cũng đã nhận lỗi với cấp trên do suy nghĩ nông nổi của tuổi trẻ, nhưng từ đó, uy tín cậu ta cũng ít nhiều bị giảm sút trong cơ quan.
3. Mới đây, đến công tác tại một doanh nghiệp, tôi được nghe câu chuyện cười ra… nước mắt. Đó là một cán bộ đã sắp bước vào tuổi tứ tuần mà vẫn thuộc diện “lính phòng không”. Bản tính anh hiền lành, chan hòa, hóm hỉnh, được mọi người quý mến. Sau nhiều lần “tính chuyện trăm năm” bị lỡ dở, cách đây chưa lâu, anh tìm hiểu và yêu một cô giáo qua… “phây”. Tình yêu của họ lãng mạn-nói như bạn bè của anh trên “phây”-là hơn cả “Rô-mê-ô và Giu-li-ét” thời hiện đại. Mối tình ấy đang vào thời sắp “đơm hoa kết trái”- tức là chuẩn bị lễ cưới, thì đùng một cái, cô bạn gái của anh bỗng dưng thay đổi “180 độ” khi tuyên bố trên “phây”: Sẽ chấm dứt mối tình của anh, vì lý do: Anh là người thiếu đức tính chung thủy!
Hỏi ra mới vỡ lẽ, chỉ vì “đàn đúm, tào lao” với bạn bè trên “phây” là mình đã yêu đến cô thứ mười mới quyết định “cưới” để tận hưởng "cái sự sung sướng” của tuổi trẻ! Đâu ngờ cô người yêu sắp cưới biết chuyện, nghĩ rằng anh nói thật lòng, nên mới quyết định “không bao giờ kết bạn đời với cái người có tính trăng hoa, láu cá ấy”-như lời cô bộc lộ cảm xúc tức giận trên “phây”! Mặc dù anh ra sức giải thích, phân bua, thanh minh rằng đấy chỉ là chuyện tếu táo với bạn bè cho vui, nhưng cô gái vẫn không chấp thuận.
Tưởng như mối tình đẹp trong tầm tay sắp thành hiện thực, ai dè-như lời anh thở than trên “phây”-chỉ vì “nói vui cho sướng mồm”, mà thêm một lần lại lỡ hẹn với cuộc đời mình!
4. Ba câu chuyện về chơi “phây”, dù kết cục có khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là: Do ngây thơ, hồn nhiên quá mức, cộng thêm với chút nông nổi, thiếu tính kiềm chế mà người chơi “phây” tự “làm khó, làm khổ” chính mình.
Vẫn biết chơi “phây” là nhu cầu chính đáng của con người trong xã hội hiện đại, nhưng những chủ nhân của “phây” đừng quên một điều: Mạng xã hội facebook như “con dao hai lưỡi”. Nếu biết khai thác, sử dụng nó với mục đích lành mạnh thì nó có thể mang lại nhiều niềm vui, tiện ích cho con người. Ngược lại, nếu biến “phây” như một “cái chợ trời” thích gì nói đấy, nói cho hả dạ, sướng mồm, hay mang chuyện nội bộ của tập thể, cơ quan, đơn vị để “comment, share” rồi câu “like” trên mạng… thì rất dễ tự mình “rước họa” vào thân!
Những tác hại, mặt trái của “phây” đã được cảnh báo nhiều lần. Mong sao, những người dùng “phây”, nhất là giới trẻ, đừng quên lời tiền nhân đã khuyên răn: “Sẩy chân gượng lại còn vừa/ Sẩy miệng còn biết đá đưa đường nào”. Câu ấy có nghĩa là, khi sẩy chân, người ta còn có thể gượng dậy hoặc nhờ người khác cứu giúp; nhưng khi chót sơ sểnh lời lẽ, nói năng hàm hồ thì khó có thể chuộc lại lỗi lầm! Nhất là những lời sơ sểnh, hàm hồ ấy lại được tán phát, tăng tốc theo cấp số nhân trên mạng xã hội, thì tác hại sẽ tăng lên gấp bội!
Bài và ảnh: LÃNG XUYÊN