QĐND - Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
Thu, 1977
HỮU THỈNH
Lời bình của ĐỖ TRỌNG KHƠI:
Kết cấu của 3 khổ thơ bài Sang thu giống nhau ở điểm, mỗi khổ 4 câu mang 3 hình ảnh, 3 thông tin. Có nghĩa, mỗi khổ đều có một cặp 2 câu cùng một ý và chính các câu thơ vắt dòng này đã mang lại cho bài thơ vẻ duyên dáng, uyển chuyển, tạo liên tưởng bất ngờ, thú vị. Hẳn không phải ngẫu nhiên mà câu mở đầu và kết thúc bài đều là hai cặp câu thơ như thế.
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se…
Hoa trái trong vườn quê vùng Đồng bằng trung du Bắc Bộ, theo tự nhiên, phổ biến một số loại như mít, nhãn, vải, chín vào mùa hè, bòng (bưởi), ổi chín vào mùa thu… Nhưng trong tiết thu trái bòng thường chín muộn hơn, nghiêng hẳn về trung thu và tháng cuối thu. Trái ổi chín sớm, cuối hè chớm thu, ổi đã chín và ổi chín rải đều khắp hai tháng đầu của mùa thu, sang tháng cuối thu trái chín đã có vị chua, vì vậy mùi hương ổi phả thơm nồng nồng, ngây ngây trong gió may se se lạnh phủ khắp khu vườn, gây cảm giác nồng nàn, chỉ gặp trong tiết đầu thu. Một cảm giác tinh khôi của mùa. Cảm xúc thơ Sang thu thể hiện trạng thái ngỡ ngàng khi phát hiện ra mùi hương ổi, tín hiệu báo chuyển mùa là vì thế. Rất tinh tế! Nhà thơ như người làm vườn. Cây ổi trong vườn nhà, ở hầu khắp các miền quê thường chỉ trồng để ăn chơi như một món quà vặt trong nhà, do đặc thù loài giống là quả nhỏ, chín rải rác và do thổ nhưỡng, khí hậu mà ít vùng quê trồng ổi để kinh doanh được như giống ổi bo ở làng ven TP Thái Bình. Cũng bởi thế, khi bắt gặp mùi hương của thứ "quà quê" mảnh mai thoang thoảng phả trong gió mới gây ra sự ngạc nhiên, "bỗng" nhận ra thời khắc còn mơ hồ: Hình như thu đã về…
Và, khi mùa thu đã chính thức về thì những chuyển động hình ảnh thiên nhiên, tất nhiên là rõ ràng qua mọi biến thái nơi vạn vật. Với sông nước thì "Sông được lúc dềnh dàng" chậm êm hơn, với loài vật như chim thì lại đã tới buổi bắt đầu thay đổi điểm cư trú, tìm phương ấm áp để tránh rét, bởi sau thu sẽ là mùa đông lạnh giá: "Chim bắt đầu vội vã".
Để rồi cho hình ảnh về đám mây:
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu…
Nằm giữa điểm giao của mùa hè sinh sôi, cháy bỏng với mùa đông giá lạnh, tàn phai là mùa thu vàng đẹp, thiên nhiên ấy gợi bao nỗi niềm suy nghiệm cho cuộc sống con người. Hình ảnh "đám mây mùa hạ" kia, vì thế không chỉ là một phát hiện hình sắc. Và phải nói, hình ảnh đám mây này đã đem đến cho thị giác - thi họa vẻ lộng lẫy, choáng ngợp về một vẻ sinh quyển buổi giao mùa.
Cảm xúc thơ bắt đầu từ khứu giác - hương ổi, qua cảm giác - gió se, tới thị giác - sương chùng chình, và đám mây mùa hạ... cho hay cái tiến trình cảm xúc đi từ ngoại cảnh đến cảm nhận nội hàm, sự đúc kết ở câu cuối bài: Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi là có tổ chức, cấu trúc nội tại thơ. Và, qua những hình ảnh nhiều gợi cảm: Mưa/sấm đã vơi/bớt dần đi sự bất ngờ nơi hàng cây đứng tuổi kia, cho cảm nhận, nơi câu chữ chấm dứt thì ý nghĩa tư tưởng của bài thơ mới thực sự bắt đầu. Cảm xúc từ thiên nhiên lan sang cảm nhận, dự cảm về đời sống xã hội con người.
Theo lời tự bạch đã đăng trên Báo Thể thao & văn hóa, ngày 23-5-2008, tác giả đã nhấn mạnh tới thời điểm, thời gian sáng tác được ghi cuối bài là "Thu, 1977". Vậy rõ ràng nhà thơ đã có nhiều dụng công xây dựng kết cấu thời gian nghệ thuật cho tác phẩm. Thu 1977 - đất nước mới hòa bình được hai năm, mùa thu với hương thơm, trái ngọt, lá vàng giầu mơ mộng đã về nhưng những vết tích mùa hạ vừa đi qua kia vẫn để lại nhiều dư âm nóng bỏng. Bởi thế nên cái áng mây nửa phần ký ức, nửa phần tương lai đang vắt mình sang thực tại sớm nay, mới xuất hiện trong bầu trời thi ca Sang thu, nó thật đẹp, mang nhiều hy vọng tốt lành đấy và tất yếu cũng còn đấy nhiều niềm nhớ nhung, tiếc nuối.
Sang thu - về không gian nghệ thuật, khái quát là một sớm tiết đầu mùa thu, cụ thể thì có thể thấy là diễn ảnh không gian, thời gian của một ngày, với buổi sớm: Sương chùng chình qua ngõ, buổi trưa: Chim bắt đầu vội vã, và buổi chiều: Vẫn còn bao nhiêu nắng…
Về thời gian nghệ thuật, là sự thể hiện dòng thời gian ký ức với thực tại: Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu, là chiến tranh và hòa bình thể hiện qua dòng ghi chú thời gian sáng tác: Thu, 1977.
Sang thu là một bức tranh vẽ nên nét đẹp thiên nhiên tinh tế và giầu suy tưởng con người nơi thôn làng Việt Nam những năm sau chiến tranh, cuối thế kỷ 20.