Các sản phẩm từ lụa của Vạn Phúc cho thấy sức sáng tạo phong phú từ lụa của làng nghề.

Vạn Phúc nổi tiếng với những sản phẩm lụa tơ tằm đặc trưng. Những lụa vân, lụa hoa, lụa trơn, lụa se... của làng nghề được truyền qua bao đời nay vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng. Với đặc tính óng ả, mượt tay, đông ấm, hè mát, nhiều màu, bền và đẹp, lụa Vạn Phúc từ trăm năm trước vốn đã là thứ vải được nhiều người ưa chuộng. Giờ đây, những đặc tính ấy càng nổi bật giữa hàng ngàn loại vải vóc đương thời.

Cách dệt lụa truyền thống được kết hợp với những thiết kế và kỹ thuật hiện đại khiến lụa Vạn Phúc càng có đất diễn. Áo lụa Vạn Phúc muôn hình, muôn vẻ, ai cũng có thể mặc đẹp cho mọi hoàn cảnh từ đơn giản như mặc ở nhà tới tinh tế, thanh cao trong các buổi tiệc xã giao trang trọng. Lụa Vạn Phúc không chỉ để may quần áo mà còn xuất hiện trên những sản phẩm khăn, túi, chăn, ga, gối... Thậm chí, người Vạn Phúc còn khéo léo đưa lụa vào cả vòng, cặp tóc, bờm, nơ. Đến cả chiếc bông tẩy trang từ lụa cũng mang những đặc tính đáng quý cho sức khỏe mà các sản phẩm của nước ngoài khó lòng cạnh tranh.

Sản phẩm làng nghề Vạn Phúc tại Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2025. 

Để làm những sản phẩm đó, bằng tình yêu với lụa, với làng, những nghệ nhân, thợ giỏi của làng cùng nhau trao truyền bí quyết với lụa, áp dụng và sáng tạo tiến bộ khoa học vào sản xuất để giữ gìn, phát triển và trao truyền tình yêu với lụa Vạn Phúc. Là con dâu của làng nghề, Nghệ nhân làng nghề Việt Nam Nghiêm Thị Thu Hương đến với làng bằng tình yêu với con người và yêu lụa lúc nào không hay. Vốn làm ở Liên Xô về dệt, lại học thiết kế thời trang, hơn 30 năm gắn bó với làng nghề, bà đã dùng lụa sáng tạo nhiều sản phẩm mới cho làng nghề.

Lúc đầu chỉ là yêu lụa và những đặc tính quý, tốt cho sức khỏe của lụa, bà nhận cắt may quần áo cho khách theo hình thức nhỏ lẻ. Dần dần, sản phẩm được tin tưởng, bà mở rộng sản xuất, tổ chức đào tạo. Hơn 60 tuổi, giờ đây, hằng ngày bà vẫn lướt mạng tìm hiểu những sản phẩm thời trang mới của thế giới để cập nhật với lụa Vạn Phúc. Nghệ nhân Nghiêm Thị Thu Hương kể rằng, tơ lụa là sản phẩm khá đắt, nhất là với thu nhập của đa số người Việt Nam hiện nay. Một lạng tơ trắng có giá hơn 2 triệu đồng, tơ màu còn đắt hơn.

Khi có tơ, người thợ làng Vạn Phúc còn phải kéo thành sợi, quay ống, dệt phải suốt bằng tay, khi dệt, người thợ cũng phải chăm chú vì chỉ còn chút đầu tơ vương trên vải là không đạt chuẩn chất lượng. Mỗi sản phẩm hầu như đều phải làm thủ công nên đều là chắt chiu của kinh nghiệm, kiến thức”.

Để giữ chữ tín với khách, đưa đến tay khách những sản phẩm tỉ mỉ, chuẩn chất lượng là nhiều đêm người Vạn Phúc không ngủ. Vừa có chất lượng tốt, tính thẩm mỹ cao, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống nên có lẽ từ những điều tưởng như nhỏ nhặt ấy mà những sản phẩm lụa được sản xuất theo công nghệ thủ công, bán thủ công của người làng nghề Vạn Phúc vẫn chiếm được sự tin yêu của khách hàng.  

Bài và ảnh: HÀ VY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.