Lao động trẻ ít hào hứng với nghề
Sau quãng đường hơn 10km từ trung tâm TP Hà Nội, cổng làng Vạn Phúc hiện ra trước mắt chúng tôi. Nép mình bên dòng sông Nhuệ, làng Vạn Phúc nổi bật với những nét kiến trúc truyền thống đặc trưng xen lẫn hiện đại. Vì là làng nghề truyền thống nên đa phần các gia đình sinh sống tại đây đều theo nghề dệt và kinh doanh, buôn bán các sản phẩm từ lụa.
Dẫn chúng tôi đi tham quan làng nghề, nghệ nhân Nghiêm Thị Thu Hương cho biết, lụa là sản phẩm đã gắn liền với cuộc sống của người dân Vạn Phúc từ xa xưa nên hầu hết các hộ kinh doanh lụa tại đây đều là người địa phương. Bản chất lụa Vạn Phúc được dệt từ sợi tơ tằm (sợi protein) nên rất thân thiện với làn da con người. Khách hàng khi sử dụng quần áo làm từ lụa tơ tằm sẽ cảm thấy thoáng mát và rất dễ chịu. Tuy nhiên, các sản phẩm được làm với thành phần chủ yếu từ tơ tằm thì thường có độ bền không cao, dễ nhăn nên cần chăm sóc, bảo quản cầu kỳ hơn so với các loại vải thông thường. Điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý của khách hàng.
|
|
Nghệ nhân Nghiêm Thị Thu Hương (Vạn Phúc, Hà Đông) với các sản phẩm lụa gia truyền. |
Hiện nay, quy mô sản xuất lụa tại địa phương đang gặp không ít khó khăn và có chiều hướng thu hẹp. Tính tất cả các xưởng dệt trong làng chỉ còn duy trì khoảng 200 máy dệt, một con số khiêm tốn so với quy mô 1.000 máy dệt vào thời kỳ hoàng kim. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những khó khăn lớn nhất để duy trì và phát triển làng nghề là lực lượng lao động. Quy mô các xưởng dệt đang bị thu hẹp đáng kể do các nghệ nhân theo nghề dệt chủ yếu là những người đã đứng tuổi, còn lực lượng lao động trẻ tuổi đang ngày một ít đi. “Dệt lụa đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo trong từng khâu cũng như duy trì sự tập trung cao độ, chỉ cần sai một bước là có thể hỏng cả quá trình. Cùng với đó, môi trường làm việc cũng tác động nhiều đến sức khỏe, trong khi giá công thợ lại thấp nên thanh niên địa phương ít hào hứng với nghề này”, nghệ nhân Nghiêm Thị Thu Hương cho hay.
Tham quan xưởng dệt lụa của gia đình ông Triệu Văn Mão, làng Vạn Phúc, chúng tôi được tận mắt chứng kiến quá trình dệt lụa thủ công. Dễ nhận thấy, để có được những thao tác thuần thục trên khung cửi, đòi hỏi các nghệ nhân phải tập trung cao độ cùng với sự kiên nhẫn và tỉ mỉ trong từng công đoạn. Bên cạnh đó, tiếng ồn của máy móc gây ra khó khăn trong trao đổi thông tin và ảnh hưởng đến sức khỏe người thợ. Điều này cho thấy, để theo được nghề dệt lụa thì ngoài kỹ năng chuyên môn còn cần sự đam mê, tình yêu và nhiệt huyết với công việc.
|
|
Khách hàng lựa chọn các sản phẩm lụa Vạn Phúc. |
Một trong những khó khăn nữa đối với hoạt động sản xuất lụa Vạn Phúc nằm ở nguyên liệu đầu vào. Lụa Vạn Phúc được dệt chủ yếu từ tơ tằm. Tuy nhiên, hiện diện tích vùng trồng dâu nuôi tằm tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương lân cận đang dần bị thu hẹp. Nguyên liệu chủ yếu phải nhập từ TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng dẫn đến chi phí đầu vào tăng cao do công vận chuyển đường dài, trong khi sản phẩm thì phải bình ổn về giá để giữ chân khách hàng. Do đó, bài toán bảo đảm cân đối giữa chất lượng sản phẩm và lợi nhuận kinh doanh trong bối cảnh nguyên liệu khan hiếm đang là thách thức không nhỏ đối với các hộ theo nghề làm lụa tại địa phương.
Cần có chính sách ưu đãi
Là người tâm huyết với mong muốn gìn giữ và phát triển nét văn hóa truyền thống của làng nghề, bà Trần Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch Hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc nhận định, nhờ ứng dụng thêm nhiều công nghệ, kỹ thuật, máy móc hỗ trợ nên năng suất và chất lượng các sản phẩm từ lụa hiện nay tốt hơn trước, mẫu mã cũng đa dạng hơn. Tuy nhiên, điểm mấu chốt để có được thành công là phải chinh phục và giữ được sự ủng hộ từ khách hàng. Kể từ sau đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn. Vì vậy, các sản phẩm từ lụa không những phải đa dạng mẫu mã mà còn cần đa dạng về mức giá. Để làm được điều đó, thay vì chỉ sản xuất những sản phẩm 100% tơ tằm, trong quá trình dệt lụa, cần phối thêm các thành phần sợi tổng hợp, sợi đũi, sợi cotton... để tạo ra nhiều sản phẩm có mức giá phù hợp hơn.
Bên cạnh việc tìm giải pháp khắc phục hạn chế về nguồn cung nguyên liệu và lực lượng lao động, đối với hoạt động mở rộng sản xuất, kinh doanh, theo bà Trần Thị Ngọc Lan, hệ thống ngân hàng cần có chính sách ưu đãi và đơn giản hóa thủ tục pháp lý để các hộ kinh doanh có thể tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn.
|
|
Người dân tham quan làng nghề lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội.
|
Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh cần chủ động ứng dụng chuyển đổi số để tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Việc quảng cáo, bán hàng theo hình thức livestream đối với lụa Vạn Phúc đã có nhưng đang gặp khó, vì lụa là sản phẩm cao cấp, thường là hàng tự thiết kế hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng của khách nên ít có sự đa dạng để quảng cáo. Mặt khác, các sản phẩm lụa cũng đòi hỏi sự bảo quản kỹ lưỡng nên dễ bị hư hại trong quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, trong thời đại phát triển của công nghệ, việc thích ứng và bắt kịp xu hướng của xã hội là điều cần thiết, dù khó cũng vẫn phải làm để duy trì và phát triển các sản phẩm của làng nghề.
Đặt mục tiêu đồng hành với người dân trong hoạt động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm lụa Vạn Phúc, chính quyền địa phương đã phối hợp với hội làng nghề tích cực đẩy mạnh các sự kiện xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Trong năm 2023, UBND phường Vạn Phúc đã tổ chức Tuần lễ văn hóa-du lịch-thương mại làng nghề Vạn Phúc với chủ đề “Vạn Phúc-Sắc màu hội nhập” và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Tiếp nối thành công đó, tuần lễ văn hóa của làng Vạn Phúc năm nay dự kiến được tổ chức vào tháng 11 với nhiều hoạt động trải nghiệm nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá đến du khách không chỉ về thương hiệu lụa mà còn về những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Cùng với đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát các mặt hàng trôi nổi trên thị trường để tránh hàng giả trà trộn, làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm lụa Vạn Phúc.
Bài và ảnh: HOÀNG CHUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.