Họa sĩ Trịnh Minh Tiến (sinh năm 1983, tại Hà Nội), tốt nghiệp ngành Hội họa Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Sau khi ra trường, anh bị khủng hoảng do bế tắc trong công việc, gặp khó khăn về kinh tế cùng những áp lực từ gia đình. Khi ấy, anh như đứng giữa ngã ba đường, không biết đi về đâu với sự nghiệp của mình. Thế rồi, bằng ý chí và nghị lực, anh một lòng dấn thân vào con đường nghệ thuật. Thật may, vào thời điểm khó khăn nhất, anh đã tìm đến trường phái nghệ thuật cực thực. Phong cách này lập tức cuốn hút anh bởi tính khai mở, tươi mới.

 Họa sĩ Trịnh Minh Tiến bên một phần tác phẩm "Thủy phủ".

Tâm huyết với trường phái nghệ thuật cực thực, họa sĩ Trịnh Minh Tiến nhận thức sâu hơn về bản thân và sự chuyển động của thế giới xung quanh. Nhờ thế, sau nhiều năm dồn công sức cho nghệ thuật, anh đã khẳng định mình bằng nhiều thành tựu đáng nể như: Giải thưởng "UOB Painting of the Year" năm đầu tiên tại Việt Nam, ở hạng mục “Nghệ sĩ thành danh” với tác phẩm “Thủy phủ”; giải nhì Cuộc thi Ánh mắt trẻ 2005, do Đại sứ quán Pháp và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức... "Tôi ấn tượng mạnh bởi những công trình kiến trúc lưu giữ tinh thần, văn hóa của con người”, họa sĩ Trịnh Minh Tiến tâm sự.

Trong sự nghiệp, anh Tiến dành nhiều tình cảm sáng tác về Hà Nội. Mới đây nhất, tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, họa sĩ Trịnh Minh Tiến tiếp tục trình làng tác phẩm “Thủy phủ” của mình, với một phiên bản nâng cấp. Tác phẩm gồm 3 không gian với tên gọi: Thủy phủ, lãnh thổ và ý niệm. Tại đây, công chúng đi từ “Thủy phủ” với hơn 20 bức tranh vẽ trên nắp capo ô tô, mô phỏng các hình ảnh, công trình mang dấu ấn lịch sử và tôn giáo. Ở phần “lãnh thổ”, anh trưng bày  một chiếc ô tô với không gian trưng bày siêu thực. Sau cùng là “ý niệm”, công chúng đến với không gian nghệ thuật ý niệm, với những chiếc nắp capo ô tô được vò lại, đặt trên bệ trông như những ngọn lửa đang cháy.

Họa sĩ Trịnh Minh Tiến chia sẻ với chúng tôi: “Tôi hy vọng dấu vết của những di sản công nghiệp đang bị chìm khuất, cùng thực tại chúng ta đang sống sẽ được kết nối, chữa lành và hàn gắn. Thông qua tác phẩm của mình, tôi muốn công chúng thấy được khi dòng chảy cuộc sống càng nhanh, chúng ta càng dễ mắc sai lầm, rồi thương tổn, do đó càng phải trân quý các giá trị đang hiện hữu. Tôi mong mỗi người sẽ cùng nhau chung tay bảo vệ và phát triển những di sản công nghiệp đang dần lụi tàn. Điều này giúp cho thế hệ tương lai được trải nghiệm, ghi nhớ những bài học từ quá khứ”.

Họa sĩ Trịnh Minh Tiến đã học và sử dụng kỹ thuật vẽ súng phun sơn trên vỏ ô tô (airbrushing) một cách thành thạo và trở thành kỹ thuật thực hành nghệ thuật hết sức độc đáo của mình. Hình tượng anh Tiến sử dụng trong sáng tác của mình thường là hình bóng mang ký ức huy hoàng của những công trình kiến trúc cũ, hay các di sản văn hóa, được đặt ra như những suy tưởng và chất vấn những xung đột về giá trị trong tiến trình phát triển của lịch sử và xã hội.

Những tác phẩm nghệ thuật theo trường phái cực thực của họa sĩ Trịnh Minh Tiến đã ra mắt cho đến nay là minh chứng cho thấy, nghệ thuật hoàn toàn có thể mang đến sức sống mới cho những vật chất và di sản đang bị lãng quên.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.