Vang vọng lời thề quyết tử

Bên bức tượng đồng trưng bày tại Triển lãm “Lời thề quyết tử” tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1, nhớ lại thời điểm cách đây 75 năm, Hà Nội là địa phương mở màn cho cuộc kháng chiến toàn quốc.

Ông kể: “Vào lúc 20 giờ 3 phút ngày 19-12-1946, khi ánh đèn của Nhà máy Điện Yên Phụ tắt, những phát đạn đại bác từ pháo đài Láng bắn vào quân Pháp ở thành Hà Nội, báo hiệu cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta bắt đầu. Cho đến giờ, tôi vẫn giữ nguyên trong ký ức những kỷ niệm về không khí sục sôi của ngày đầu toàn quốc kháng chiến”.

Theo Trung tướng Khuất Duy Tiến, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ đã lay động lòng người, thể hiện ý chí, quyết tâm sắt đá của cả dân tộc: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Với một niềm tin vững chắc: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”. “Lời của Bác đã khơi dậy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất, trở thành ánh sáng soi đường, thôi thúc cổ vũ toàn dân, toàn quân đi đến thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Pháp và giành độc lập lập, tự do, hòa bình cho nước nhà sau này”, Trung tướng Khuất Duy Tiến cho hay.

 Trung tướng Khuất Duy Tiến (ngoài cùng, bên trái) cùng các đại biểu tham quan Triển lãm "Lời thề quyết tử".

Được nghe câu chuyện kể của Trung tướng Khuất Duy Tiến cũng như được ông khẳng định giá trị những hiện vật trưng bày triển lãm, như: Bom ba càng của Trung đoàn Thủ đô; cờ “Quyết tử quân”..., chàng trai trẻ Quang Tấn, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền rất cảm kích.

Quang Tấn cho biết: “Là thế hệ trẻ, chúng em cảm nhận huyền thoại về 60 ngày đêm năm đó không chỉ nằm trong ký ức của những người dân Hà Nội, mà sự kiện đã đi vào lịch sử đất nước như một thiên anh hùng ca bất tử. Chúng em tự hào và biết ơn cha ông khi bình thản đi vào cuộc chiến đấu chống kẻ thù với lời thề son sắt quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Bao chàng trai, cô gái đất Hà thành rất lãng mạn thanh lịch nhưng cũng đầy quả cảm, bước vào cuộc chiến với tinh thần của cả tuổi trẻ, của lý tưởng. Tấm gương của các thế hệ cha anh sẽ luôn soi rọi để chúng em tiếp bước, mang sức lực của mình phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước ngày nay”.

Phát huy giá trị di sản lịch sử

“Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”-tinh thần sẵn sàng hy sinh, quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, là sự kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Ý chí, tinh thần ấy được hun đúc trở thành truyền thống tiêu biểu, phương châm hành động của quân và dân Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đây cũng là tinh thần xuyên suốt được trưng bày trong Triển lãm “Lời thề quyết tử” thể hiện qua hơn 200 hiện vật, hình ảnh, tư liệu, tác phẩm điêu khắc...

Chăm chú xem hình ảnh những khu phố Hà Nội sẵn sàng chiến đấu, chiếc áo trấn thủ, khăn quàng đỏ... trưng bày tại triển lãm, ông Đỗ Ngọc Cần (phố Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng) mắt lại ngấn đỏ. Ông bảo xem những hình ảnh này, ông lại nhớ đến người cha của mình là ông Đỗ Tần-một trong những đội viên cảm tử quân đã tham gia chiến đấu trong suốt 60 ngày đêm Hà Nội mùa đông năm 1946.

Hiện nay, ở nhà ông Cần và cả ở phòng truyền thống của quận Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm vẫn còn lưu giữ những tập tài liệu ông Đỗ Tần viết kể lại những thời khắc lịch sử của Ngày Toàn quốc kháng chiến cũng như các sự kiện lịch sử của Hà Nội sau này. Gia đình ông Cần luôn coi đây là tài sản quý giá và thường xuyên đọc, kể cho con cháu.

Trong triển lãm cũng có nhiều hiện vật tiêu biểu, thu hút sự quan tâm của công chúng, như: Huy hiệu “Trung đoàn Thủ đô”-chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đeo trong Lễ thành lập “Đội quyết tử” tại rạp hát Chuông Vàng (ngày 7-1-1947); hoành phi, câu đối nhân dân Hà Nội mang ra đường phố xây dựng chiến lũy...

75 năm sau Ngày Toàn quốc kháng chiến, nhưng lời kêu gọi bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của Bác vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam hôm nay. Triển lãm cùng sự hiện diện của các nhân chứng lịch sử, các tư liệu, hiện vật... đã góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng; lan tỏa, phát huy những giá trị di sản lịch sử, cách mạng tới các thế hệ.

 Bài và ảnh: VIỆT LAM