Đây là sự khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái.

Vòng xòe cởi mở, đoàn kết

“Bước vào múa xòe không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, cấp trên cấp dưới, giới tính. Mọi người đều nắm tay nhau xòe. Đó là tính đoàn kết, bình đẳng của xòe Thái”, Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến (88 tuổi, ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) nói trong niềm vui khi chứng kiến giờ phút UNESCO công bố ghi danh di sản Nghệ thuật xòe Thái.

Xòe phản ánh thế giới quan và vũ trụ quan của người Thái, được trình diễn trong các dịp tết, lễ hội. Ảnh: THANH MIỀN 

Từng nhiều dịp tiếp xúc với nghệ nhân Lò Văn Biến, chúng tôi cảm nhận được ở ông tâm huyết, sự tận tụy trong gìn giữ, bảo tồn vốn di sản của đồng bào Thái. Ông miệt mài đi khắp các bản làng người Thái ở Tây Bắc, gặp gỡ các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, thầy mo để trao đổi, tìm hiểu, sưu tầm và nghiên cứu các DSVH truyền thống của người Thái.

Đặc biệt, 6 điệu xòe cổ là “Khắm khen” (Nâng khăn đón bạn), “Khắm khăn mời lẩu” (Nâng khăn mời rượu), “Phá xí” (Bổ làm 4), “Đổn hôn” (Tiến lùi), “Nhôm khăn” (Tung khăn) và “Ỏm lọn tốp mư” (Vòng tròn vỗ tay) được ông sưu tầm, nghiên cứu, góp phần to lớn để Nghệ thuật xòe Thái được công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia vào tháng 9-2015, và giờ là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bên cạnh đó, nghệ nhân Lò Văn Biến còn tích cực truyền dạy các điệu xòe cho học sinh, sinh viên các trường nội trú, Trường Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh Yên Bái. Ông đề xuất với địa phương thành lập và duy trì các đội văn nghệ ở thôn, bản để gìn giữ DSVH quý giá của người Thái.

Năm 2019, tại Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò (Yên Bái), chúng tôi lại gặp nghệ nhân Lò Văn Biến khi ông được giao tập huấn cho 5.000 nghệ nhân, diễn viên và nhân dân thực hiện màn “Đại xòe Việt Nam”. Ông rất vui khi vòng xòe đại đoàn kết dân tộc thành công hơn tưởng tượng, khi xác lập kỷ lục thế giới Guiness.

Màn đại xòe 5.000 người tạo thành 5 đội hình thể hiện 5 sắc thái ý nghĩa và các trường đoạn khác nhau, nói về sự hình thành và phát triển của nghệ thuật xòe cùng đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc như: Đội hình Vòng tròn hội tụ, đội hình Vòng xoáy thời gian, đội hình Hoa văn Tây Bắc, đội hình Hoa ban và cuối cùng là đội hình Đại đoàn kết dân tộc.

Bày tỏ niềm vui, tự hào khi Nghệ thuật xòe Thái được UNESCO vinh danh, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, ý nghĩa quan trọng nhất của xòe Thái là thể hiện tình đoàn kết, sự liên kết cá nhân trong cộng đồng. Cùng là xòe Thái nhưng mỗi vùng, miền lại có thêm nét văn hóa riêng: Yên Bái có 6 điệu xòe cổ; Sơn La, Lai Châu, Điện Biên có những sáng tạo riêng khi trình diễn. Dù ở đâu, bà con người Thái đều tôn trọng sự đa dạng đó, không vì sự khác biệt mà thay đổi bản sắc ở cộng đồng của địa phương.

Để xòe Thái lan tỏa, phát huy

 Nghệ thuật xòe Thái là sinh hoạt văn hóa đặc sắc, biểu trưng cho đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái ở Việt Nam nói chung và 4 tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên nói riêng. Xác định giá trị văn hóa và tính nhân văn sâu sắc của Nghệ thuật xòe Thái, năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) giao tỉnh Yên Bái chủ trì, phối hợp với những cơ quan chức năng và các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên xây dựng hồ sơ quốc gia Nghệ thuật xòe Thái trình UNESCO ghi danh tại danh sách DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong hồ sơ đệ trình, các địa phương đã nêu được kế hoạch bảo tồn, phát huy di sản xòe Thái. Thực tế, không chờ vinh danh, thời gian qua, các địa phương đã quan tâm đầu tư cho công tác sưu tầm, tổng hợp tài liệu, dữ liệu để làm căn cứ khoa học; tạo điều kiện cho nghệ nhân dân gian, các cá nhân am hiểu xòe trao truyền cho thế hệ con em; đưa xòe Thái vào chương trình học... Hiện 4 tỉnh đang duy trì khoảng 3.300 đội văn nghệ sinh hoạt xòe Thái ở cộng đồng.

Vòng xòe trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách, là dấu ấn văn hóa quan trọng của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam. 

Theo TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng: Cần tiếp tục có nghiên cứu khoa học để thống nhất quan điểm bảo tồn xòe Thái, trong đó phải tôn trọng quá trình tái sáng tạo của cộng đồng. Đặc trưng của xòe chính là ở động tác nhún, đi lại, động tác chân, tay uyển chuyển, âm nhạc theo nhịp 2/4. Hồn cốt Thái thể hiện rõ nhất ở xòe vòng. Bất kỳ cuộc vui nào, người ta cũng cầm tay nhau xòe. Xòe Thái cũng có tính phong phú, không nên áp đặt theo bất cứ một vùng, miền nào. Chính nét văn hóa riêng ở từng vùng góp phần làm phong phú cho di sản.

Nhận định xòe Thái được UNESCO ghi danh làm tăng thêm nhận thức về tầm quan trọng của di sản trong việc kết nối các cá nhân, cộng đồng người Thái và các dân tộc, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho rằng, để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản, cần triển khai các hoạt động kiểm kê, tư liệu hóa, nhận diện giá trị, hiện trạng của di sản, tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ, vinh danh nghệ nhân, nâng cao nhận thức của cộng đồng chủ thể, xã hội.

Ông Đỗ Đức Duy cũng cho biết thêm, Yên Bái sẽ chủ động cùng các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu phối hợp thực hiện chương trình hành động đã cam kết trong hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO; đồng thời, đề xuất Bộ VHTT&DL tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật xòe Thái. Từ đó xây dựng, cụ thể hóa thành chương trình hành động của địa phương bằng những giải pháp cụ thể, với phương châm lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể của các hoạt động; biến di sản thành tài sản phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của mỗi địa phương.

Các giá trị toàn cầu của Nghệ thuật xòe Thái: Thứ nhất, di sản xòe Thái đi kèm với âm nhạc của các nhạc cụ như tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm chọe, pí pặp, bẳng bu, mák hính; cộng đồng người Thái cùng nhau gánh vác trách nhiệm và có vai trò khác nhau trong việc tổ chức thực hành xòe.

Thứ hai, sự ghi danh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của xòe Thái, cũng như về DSVH nói chung của cộng đồng ở cấp độ địa phương và quốc gia.

Thứ ba, các biện pháp bảo vệ được cộng đồng người Thái tiến hành một cách sâu rộng.

Thứ tư, hồ sơ đề cử thể hiện sự tham gia rộng rãi của cộng đồng trong nghiên cứu, tư liệu hóa và kiểm kê.

Thứ năm, những thành tố khác nhau của di sản xòe Thái được đưa vào trong Danh mục kiểm kê quốc gia tại Ngân hàng dữ liệu của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam và được cập nhật thường xuyên.

 

VƯƠNG HÀ